Lịch sử phát triển VNA từ thập niên 80 đến nay đã ghi nhận nhiều lần hãng này thay đổi đồng phục cho nam nữ tiếp viên. Mỗi lần thay đổi, các nhà thiết kế đều chú ý cải thiện những bất tiện mà các tiếp viên thường gặp với bộ đồng phục trước. Bên cạnh đó, yếu tố thẩm mỹ của mẫu đồng phục lao động cao cấp cũng được bảo đảm.
Bộ đồng phục đầu tiên của tiếp viên hãng này khá đơn giản, bao gồm áo sơ mi trắng và quần âu màu tím than. Tuy nhiên sau đó, áo trắng pha xanh - váy ngắn màu xanh da trời đã ra đời, mang tới nét trẻ trung, hiện đại cho đồng phục các nữ tiếp viên. Sự thay đổi này được đánh giá là mang tính cách mạng trong thiết kế đồng phục của nam nữ tiếp viên hàng không Việt Nam đương thời. Đây cũng là giai đoạn duy nhất đồng phục của nữ tiếp viên VNA là váy ngắn.
Lần thay đổi đồng phục thứ 2 được coi là cuộc "cách mạng" đồng phục cho nữ tiếp viên khi chuyển sang thiết kế áo trắng - váy ngắn màu xanh da trời. Thiết kế hướng tới tiêu chí hiện đại, trẻ trung. Ảnh: Anh Tuấn chụp lại từ tư liệu. |
2 mẫu đồng phục áo dài màu xanh và hồng trước do các nữ tiếp viên sử dụng trong thập niên 80-90 đều được đánh giá đẹp, mang đậm bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, do kiểu dáng và màu sắc, chất liệu vải đơn giản, dễ "bắt chước", lại chưa phù hợp trong tổng thể kế hoạch nhận diện thương hiệu của hãng nên cuối cùng, cũng được thay thế.
Bộ đồng phục màu đỏ huyết dụ do nhà thiết kế (NTK) Minh Hạnh thiết kế chính thức là mẫu được dùng trong thời gian dài nhất. Minh Hạnh chia sẻ, khi bà cho ra mắt đồng phục này, cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều như hoàn cảnh ra mắt mẫu đồng phục mới hiện tại.
Thậm chí, nhiều người gợi ý nên thay đồng phục áo dài truyền thống bằng trang phục tiện lợi, trẻ trung, hiện đại hơn. Tuy nhiên, với các mẫu đồng phục đang được ứng dụng thử nghiệm, NTK Minh Hạnh khẳng định, đây là sản phẩm phù hợp với xu hướng thời trang mới và môi trường làm việc của tiếp viên.
Mẫu đồng phục chính thức gần nhất có màu đỏ huyết dụ, phối hợp với màu vàng của logo hoa sen ra mắt năm 2002, được đa số khách hàng trong nước và quốc tế yêu thích. |
Còn với bộ đồng phục mới nhất, chất liệu vải mẫu được cải tiến, dày dặn hơn, phù hợp với môi trường làm việc năng động, thường xuyên thay đổi về điều kiện thời tiết, khí hậu. Phần tà của áo dài cũng được thu ngắn lại so với bộ cũ để thuận tiện cho tiếp viên trong quá trình di chuyển. Lần thay đổi đồng phục này cũng là lần đầu tiên VNA ứng dụng công nghệ may đồng phục áo dài theo size trên dây chuyền công nghiệp thay vì may đo thủ công theo số đo của từng cá nhân.
Về màu sắc, mẫu đồng phục mới sử dụng màu vàng và xanh nhạt thay thế màu đỏ huyết dụ cũ. Đây là chi tiết thay đổi khiến dư luận "dậy sóng" trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo quan điểm của NTK Minh Hạnh và nhiều chuyên gia thiết kế thời trang trong nước, việc thay thế màu sắc cũ bằng các gam màu mới nhẹ nhàng, gần gũi với tự nhiên hơn là hướng đi phù hợp với xu thế thời trang hiện đại của quốc tế.
Đồng phục mới nhất của VNA nhận nhiều ý kiến trái chiều. |
Người phát ngôn VNA chia sẻ, việc thay đồng phục lần này nằm trong kế hoạch nhận diện thương hiệu, phát triển mới. Đại diện hãng hàng không này cũng khẳng định, hai màu sắc mới được sử dụng phù hợp với màu sắc chung trong khoang máy bay và môi trường làm việc chật hẹp trên không của tiếp viên.
Còn theo chia sẻ từ chính một số nữ tiếp viên VNA, hiện tại, đa số tỏ ra rất hào hứng và thoải mái khi mặc bộ đồng phục mới. "Đồng phục cũ đẹp nhưng khi di chuyển trong không gian máy bay chật hẹp khá vướng víu, thiết kế lại ôm sát quá, chỉ hợp mặc trong thời gian ngắn hơn là trang phục phục vụ công việc phải hoạt động, di chuyển cả ngày. Áo dài cũ của tôi còn thường xuyên bị bật cúc. Chất liệu vải mỏng nên khi mồ hôi ra rất dễ lộ, rất ngại với khách hàng", một nữ tiếp viên (giấu tên) chia sẻ.
Tuy nhiên, một số ý kiến trong cuộc lại cho rằng đồng phục cũ có những tiện ích mà chỉ người mặc mới biết được. Chẳng hạn, trên bộ quần áo này có các chi tiết bí mật như túi giấu, chỗ cài bút... và giải pháp về chất liệu giữ ấm, thoát nhiệt, phù hợp với môi trường và áp suất trong máy bay.