Dòng người ùn ùn lên cây cầu mới ở Đồng Tháp đi thử và chụp ảnh
Thứ hai, 28/5/2018 06:06 (GMT+7)
06:06 28/5/2018
Chiều 27/5, sau nhiều giờ chờ đợi, hàng nghìn người dân Đồng Tháp và các vùng phụ cận được lên cầu Cao Lãnh tham quan.
Trưa 27/5, cơ quan chức năng thông báo 15h cho xe chạy qua cầu Cao Lãnh nhưng từ 12h, hàng nghìn người đổ về khu vực đường dẫn lên cầu tại điểm giao với quốc lộ 30, xã An Bình huyện Cao Lãnh và xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò để lên xem cầu mới.
Tại gầm cầu vượt qua quốc lộ 30, trời nắng nóng, hàng trăm người cùng xe máy đứng chật kín cả hai hướng. Tại bãi cỏ gầm cầu, ông Nguyễn Quanh Rành cho biết có mặt tại đây từ 12h trưa cùng nhóm bạn già gần chục người từ huyện Thanh Bình, Đồng Tháp cách xa hơn 30 km. "Mong chờ 5 năm nay rồi nên ngồi chờ vài tiếng cũng không sao. Quê hương có công trình lớn như vậy phấn khởi lắm, phải dạo một vòng cho biết chứ", người đàn ông 68 tuổi chia sẻ.
Đến 15h20, lực lượng chức năng mở rào chắn lối vào từ giao với quốc lộ 30, hàng nghìn người chạy xe máy, ôtô ào ào chạy vào đường dẫn lên cầu.
Niềm hân hoan thể hiện rõ trên khuôn mặt nhiều người, nhất là những vị cao niên. Họ chuẩn bị được chạy qua cây cầu mới hiện đại vừa được khánh thành sáng nay.
Chỉ khoảng chục phút sau, đường dẫn lên cầu ở cả hai hướng chật kín phương tiện, đặc biệt số người đi xe máy rất đông.
Tại dốc lên hai bên cầu, làn đường dành cho xe máy kín đặc. Lực lượng chức năng mở thêm làn phần ôtô để giải phóng tình trạng ùn tắc cục bộ.
Lực lượng công an, CSGT triển khai đội hình chốt từng đoạn để nhắc nhở người dân không được dừng xe ngắm cảnh, chụp hình, tránh ách tắc kéo dài. Một cán bộ CSGT cho biết trong những ngày tới, đơn vị này sẽ phải túc trực để không xảy ra tình trạng người tham quan dừng đỗ trên cầu.
Dù xe cộ đông đúc, di chuyển chậm nhưng nhiều người vẫn cố gắng nhìn ngắm, chụp hình cây cầu dây văng, cảnh quan sông Tiền.
Không khí hân hoan, rộn ràng thể hiện trên khuôn mặt mỗi người khi lần đầu tiên được chạy qua cây cầu hiện đại sau nhiều năm mong chờ.
"Xe cộ đông đúc quá, đi lên đạp xe không nổi, xuống dốc sợ người ta đụng vào nên tôi phải dắt bộ qua cầu", cụ Trần Văn Mười, ngụ xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò nói.
Không được đỗ xe trên cầu, nhiều người dừng chân dưới chân cầu để chụp hình.
Cả nhóm chụp hình lưu niệm ngày đầu tiên thông xe ở khoảng cách hàng trăm mét.
Cũng tại các điểm đường dẫn, sau khi tham quan cầu, rất nhiều người chưa nắm được hướng di chuyển tiếp theo tại các vòng cung này nên các chiến sĩ CSGT liên tục phải hướng dẫn cho bà con.
Sau khoảng hơn 1 giờ đông đúc xe cộ, người tham quan qua lại, nhiều người dừng đỗ ngay trên cầu, tranh thủ ghi hình lưu niệm.
Dự án cầu Cao Lãnh có tổng chiều dài 7,8 km, trong đó cầu dài 2,1 km, còn lại là đường dẫn vào cầu, với tổng vốn đầu tư gần 6.500 tỷ đồng. Cầu có nhịp chính dài 350 m, bề rộng mặt cầu 24,5 m, có 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Cầu thiết kế 34 nhịp dẫn, 65 nốt dầm, 128 bó cáp, tháp dây văng hình chữ H cao 120 m. Vận tốc thiết kế lên đến 80 km/h. Tổng vốn đầu tư của cầu Cao Lãnh khoảng 3.000 tỷ đồng, từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia, vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ABD) và vốn đối ứng của Việt Nam.
Cùng với cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh thuộc dự án giao thông kết nối trung tâm ĐBSCL. Việc hình thành hai cây cầu này giúp người dân các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, TP Cần Thơ, không còn phải sử dụng phà Cao Lãnh và phà Vàm Cống, mất nhiều thời gian như trước.
Sau gần một thế kỷ đưa người và phương tiện qua sông Tiền, phà Cao Lãnh sẽ kết thúc sứ mệnh của mình vào năm sau, bởi cây cầu mới bên cạnh sẽ được đưa vào sử dụng ngày 27/5.