Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

'Đồng nghiệp tôi mất vì Covid-19'

Cái chết của những bác sĩ, điều dưỡng không trở nên vô nghĩa khi họ đã dốc lòng cứu chữa bệnh nhân Covid-19 đến hơi thở cuối cùng.

'Dong nghiep toi mat vi Covid-19' anh 1

“Chị Hằng mất rồi…”

Nghe điện thoại, chị Liên lặng người. Ở đầu dây bên kia, điều dưỡng Chi, điều dưỡng Ái cũng không nói với nhau lời nào. Gác máy, 2 đồng nghiệp của chị Hằng vẫn thừ người bên mép phòng, mặc cho ánh chiều vàng lặng lẽ đổ khuất khung cửa sổ.

Đã nhiều giờ trôi qua, ngoài kia, đèn đường le lói mở, tiếng còi xe cứu thương chốc chốc vụt qua, văng vẳng, xa xăm. Họ tiễn biệt chị Hằng, người đồng nghiệp thân tình gần 20 năm gắn bó.

Phút chứng kiến đồng nghiệp qua đời

Ngày 31/7, chị Trần Thị Phương Hằng, điều dưỡng khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Sau 14 ngày điều trị, nữ điều dưỡng được chẩn đoán tạm ổn định. Chị được đồng nghiệp đưa về thăm mẹ và tiếp tục cách ly, tĩnh dưỡng theo nguyện vọng.

Theo xe cứu thương chở chị Hằng về Long Khánh (Đồng Nai), 2 điều dưỡng Bạch Chi và Cao Thúy Ái cũng hồi hộp trước giờ đồng nghiệp hội ngộ người thân. Suốt quãng đường, họ im lặng nhiều hơn nói.

Cả 3 cùng nghĩ đến những ngày tiếp theo khi chị Chi, chị Ái lại bận rộn chăm sóc F0, còn chị Hằng được gặp mẹ, chồng và 2 con thân yêu. Họ cùng chờ một ngày thành phố huyên náo người trở lại.

Nhưng rồi sau khi gặp mẹ không lâu, chưa ai kịp mở lời, cuộc hội ngộ của nữ điều dưỡng và gia đình đột ngột bị cắt ngang bởi từng cơn thở dốc. Chị Hằng trở nặng.

Hai đồng nghiệp vội đưa chị đến Trung tâm Y tế Xuân Lộc cấp cứu nhưng không có phép màu xảy ra ngày hôm ấy. Chị Hằng đã trút hơi thở cuối, xung quanh là tiếng nức nở của đồng nghiệp.

'Dong nghiep toi mat vi Covid-19' anh 2

Điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng bên đồng nghiệp Khoa Hồi sức tích cực chống độc - Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Ảnh: Bệnh viện Nhân dân Gia định cung cấp.

Trong buồng cấp cứu, chị Chi lòng rối như tơ vò, chẳng nghĩ ngợi được gì, còn chị Ái thẫn thờ nhìn chiếc băng ca đã phủ vải trắng, nước mắt cứ thế trào ra. “Làm nghề này, chứng kiến rất nhiều người mất nhưng để nhìn đồng nghiệp mất trên tay mình, đó là điều gì rất khủng khiếp. Mất đi đồng nghiệp, chúng tôi như mất người thân”, chị Chi nói ngắt quãng.

Không biết phải mất bao lâu kể từ giây phút tử biệt đồng nghiệp, chị Chi lấy lại bình tĩnh gọi về chị Đỗ Thị Kim Liên, Điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, để báo tin dữ.

Không được gặp chồng con lần cuối

“Chị Liên ơi, Chị Hằng mất rồi!"

Bên kia đầu dây, chị Liên mấp máy môi, nói không nên lời. Thương 2 người con của chị Hằng đột ngột mất mẹ, lòng chị chồng chất nỗi lo. Với 2 đứa trẻ, chị hiểu nỗi đau đớn sẽ nặng nề hơn hết thảy. Chị Liên chưa biết phải giải thích với gia đình người đồng nghiệp thân thiết của mình thế nào.

Im lặng một lúc, chị kể lại những ngày cuối tháng 7, thành phố trở thành tâm dịch cả nước. Chị Liên, chị Hằng và các đồng nghiệp không dám dự định hay đưa ra hứa hẹn nào cho ngày gặp gỡ ngoài bệnh viện.

'Dong nghiep toi mat vi Covid-19' anh 3

Điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng trong thời gian điều trị tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP Thủ Đức cùng đồng nghiệp. Ảnh: Điều dưỡng Đỗ Thị Kim Liên cung cấp.

Khi ấy, Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Nhân dân Gia Định chuyển đổi công năng thành nơi điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Giữa lúc TP.HCM bước vào cuộc chiến sống còn với các chuỗi lây nhiễm không rõ nguồn lây ngoài cộng đồng, chị Hằng được phát hiện nhiễm bệnh.

“Lúc đó, tôi được điều động công tác ở Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP Thủ Đức, Đội điều dưỡng chúng tôi lúc đó có tổng cộng 18 người, tính cả bác sĩ là 24 người. Các anh em quyết định để em Hằng nằm ở Khoa ICU1A để thay phiên nhau chăm sóc”, chị Liên kể.

Trong một lần trò chuyện với chị Hằng, chị Liên nhớ nữ đồng nghiệp từng tâm sự vừa cùng chồng mua trả góp một căn hộ chung cư. “Em ấy nói dự định năm nay sẽ dọn về nhà mới nhưng kế hoạch này đã không thể thực hiện. Nó đi chống dịch được mấy ngày thì nhiễm, chồng làm 3 tại chỗ, con ở nhà trong khu phong tỏa, không gặp được mặt ai lần cuối, đi là đi luôn”, chị Liên nghẹn giọng.

19 năm làm việc cùng nhau, trong trí nhớ của chị Liên, người đồng nghiệp kém tuổi rất hay cười, chu đáo và chẳng thấy to tiếng với ai. Sau bao nhiêu hoang mang đã trải qua, nữ điều dưỡng tự dằn vặt chưa có cơ hội trải lòng nhiều hơn với đồng nghiệp. Như một cơn bão, dịch đột ngột cướp đi sinh mạng người đồng nghiệp mà chị Liên, Chi và Ái rất trân quý.

Ở bệnh viện, chị Liên, chị Chi, chị Ái, chị Hằng là điểm tựa của bệnh nhân, nhưng trước mất mát của những người làm trong ngành y tế, sâu thẳm trong tâm can, họ chỉ có thể tự trấn an chính mình. Cuộc chiến cam go với Covid-19 chưa dừng lại, sẽ có người hy sinh, nhưng sẽ có hàng nghìn người được cứu sống.

Day dứt

“40 năm gắn bó với nghề, 4 tháng nữa, bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn có thể về hưu là trọn nghiệp, thế nhưng ngày ấy không bao giờ đến…”, dược sĩ Nguyễn Ngọc Hân buồn bã nói về người sếp kính mến vừa qua đời hơn 100 ngày.

Nhắm nghiền mắt lại, chị Hân nhớ vào giữa tháng 7, phố xá TP.HCM vắng dần theo từng đợt thắt chặt giãn cách. Xe cấp cứu ngược xuôi, nhiều ngôi nhà chằng chịt dây phong tỏa, các ổ dịch lớn nhỏ liên tục xuất hiện. Hàng chục kịch bản xấu nhất được chính quyền đưa ra, thành phố trở nên “khát” nhân lực y tế hơn bao giờ hết.

Không đứng ngoài cuộc chiến khốc liệt ấy, bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn, nguyên Trưởng trạm Y tế Phước Lộc, huyện Nhà Bè, cùng đồng nghiệp tham gia chống Covid-19. Đồng nghiệp kể rằng những ngày dịch bùng phát ở xã Phước Lộc, F0 nhiều vô kể. Bác sĩ Nhẫn cùng 4 dược sĩ của trạm lấy mẫu, truy vết không ngơi tay.

Ngày 10/7, bác sĩ Nhẫn và người thân được phát hiện mắc Covid-19. Ban đầu, tất cả đều cách ly tại Bệnh viện dã chiến số 6 ở TP Thủ Đức. Trong tình trạng suy hô hấp, suy tim, riêng bác sĩ Nhẫn được chuyển đến Bệnh viện hồi sức Covid-19. Sau 2 tuần điều trị hồi sức, ông ra đi sát ngày sinh nhật.

Không ai dự liệu được khi một tuần trước ngày qua đời, bác sĩ Nhẫn vẫn lạc quan chờ ngày trở về. "Quá đột ngột. Chúng tôi mất liên lạc với bác khoảng 3 ngày, sau đó thì hay tin bác mất", dược sĩ Nguyễn Ngọc Hân trầm ngâm.

Nói về người sếp quý mến, chị Hân nhận xét bác sĩ Nhẫn là người rất hiền từ. Những lúc nhàn rỗi, không có bệnh nhân, ông hay kể cho cấp dưới nghe về ngày xưa đi chữa bệnh bằng ghe và vô vàn thứ khó khăn khác. Cũng vì tận tụy với người bệnh, đường đi có cách trở đến mấy cũng không cản nổi bước chân bác sĩ yêu nghề này.

Chị Hân cũng chạnh lòng khi kể về những lần tính toán đi chơi xa chẳng thể thành hiện thực của anh chị em trong trạm y tế cùng bác sĩ Nhẫn. "Cả trạm cứ hẹn nhau hết năm này qua năm nọ. Ai cũng bị cuốn theo công việc, mà khổ nỗi mình không bỏ trạm đi hết được, người nghỉ phải có người trực. Mọi người cứ tính như vậy...", chị Hân tiếc nuối.

Ngày bác sĩ Nhẫn lâm bệnh, người dân xã Phước Lộc tới trạm y tế nghe ngóng. Họ thương ông bác sĩ chân phương, tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng trái tim ấm nóng luôn hết lòng vì người dân.

Trong trí nhớ của người dân, những ngày cuối tháng 7 cam go ấy, những nhân viên y tế dầm mình trong mưa gió, bước vào cuộc chiến mà ranh giới của sự sống và cái chết rất mong manh. Họ cứu bệnh nhân, cứu đồng nghiệp và sống trọn vẹn những ngày không có lần thứ hai.

200 m dài vô tận và lần cuối nhìn thấy mẹ

"Sao xe lâu tới quá, có máy thở không?", bà lão thều thào. Ngoài cửa, chị Lan Anh luống cuống gọi điện xin cho mẹ đi cấp cứu. Nhưng khi tới cổng bệnh viện, bà cụ đã rơi vào hôn mê.

Vết thương đại dịch Covid-19 ở TP.HCM

Hơn 17.000 người đã chết vì dịch Covid-19 tại TP.HCM trong gần 7 tháng qua. Phần lớn bệnh nhân ra đi trong cô đơn và không thể có một tang lễ trọn vẹn.

Thư Trần

Bạn có thể quan tâm