Cảnh sát vũ trang làm nhiệm vụ ở thủ đô Jakarta, Indonesia. Ảnh: AFP |
- Thưa ông, chuỗi vụ khủng bố vừa xảy ra tại Indonesia có tác động như thế nào tới tình hình an ninh ở Đông Nam Á?
- Như dự đoán của tôi hồi cuối năm ngoái, phong trào thánh chiến Hồi giáo sẽ không chỉ ảnh hưởng ở Iraq, Syria hay khu vực Trung Đông. Hiện tại, thành trì của các lực lượng khủng bố phải hứng chịu những đòn tấn công mạnh mẽ từ nhiều quốc gia, trong đó có hai cường quốc là Nga và Mỹ. Vì lẽ đó, IS và các tổ chức khủng bố khác sẽ "xuất khẩu bạo lực" đi khắp thế giới.
Chuỗi vụ tấn công khủng bố vừa xảy ra ở thủ đô Jakarta, Indonesia, chỉ là vụ đầu tiên của năm 2016. Các nước Đông Nam Á sẽ phải hứng chịu thêm nhiều vụ tấn công khác dù châu Âu và Nga vẫn là những mục tiêu hàng đầu mà các tổ chức khủng bố nhằm tới. Châu Á và ASEAN chỉ là mục tiêu thứ yếu nhưng không thể loại trừ khả năng bị tấn công.
- Loạt vụ tấn công ở Jakarta có đại diện cho những mối nguy mà quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới phải đối mặt trong năm 2016?
- Theo tôi, không phải quốc gia nào có người Hồi giáo cũng bị khủng bố đe dọa tấn công. Các nước bị chọn làm mục tiêu thường có quan hệ với Mỹ hoặc là đồng minh của Mỹ.
Thiếu tướng Lê Văn Cương, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an. Ảnh: Công Khanh |
Cả thế giới đang hô hào chống lại Thánh chiến Hồi giáo. Tuy nhiên, một bộ phận các quốc gia ủng hộ lực lượng này, sử dụng họ làm công cụ để đạt được các mục đích địa chính trị khác. Nó vẫn cho các lực lượng khủng bố như IS và al-Qaeda chỗ dựa.
- An ninh sẽ trở thành trọng tâm của ASEAN sau vụ tấn công ở Indonesia?
- ASEAN không phải địa bàn trọng tâm mà khủng bố nhắm đến nên vấn đề an ninh cũng khó trở thành trọng tâm trong các cuộc thảo luận giữa các quốc gia thành viên.
Tuy nhiên, vụ tấn công ở thủ đô của Indonesia là hồi chuông cảnh báo với các nước ASEAN. Nó cho thấy các quốc gia không được phép chủ quan trước nguy cơ khủng bố, vốn đang reo rắc nỗi sợ hãi ở nhiều nơi. Chúng ta cần cảnh giác để ngăn các vụ tấn công khủng bố tiềm năng.
Indonesia sẽ không để khủng bố lộng hành
Trao đổi với Zing.vn, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, cựu đại sứ Việt Nam tại 5 nước, chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế, cho rằng, khủng bố không phải vấn đề mới với Indonesia. Quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới bắt đầu hứng chịu các vụ tấn công khủng bố từ những năm 2000.
Trong khi đó, nhiều công dân Indonesia từng tới Trung Đông đầu quân cho các tổ chức khủng bố như IS, nay về nước do chiến dịch không kích dữ dội của Nga, Mỹ. Nó khiến Indonesia và nhiều quốc gia láng giềng trở thành mục tiêu của các vụ tấn công.
Trước nhận định rằng vụ khủng bố ở Jakarta sẽ mở đầu cho chiến dịch tấn công đẫm máu nhằm vào Indonesia, ông Trường nói Jakarta sẽ không ngồi yên để khủng bố lộng hành. Họ sẽ tiến hành nhiều biện pháp đối phó như tăng cường kiểm soát an ninh, tiến hành các vụ truy quét... để ngăn các vụ tấn công tương tự.
Theo vị cựu đại sứ, các quốc gia cần cảnh giác trước mối nguy từ các lực lượng khủng bố. Vụ tấn công ở Indonesia cho thấy những ngày tháng yên bình đã chấm dứt, nhưng khó có thể nói những vụ tấn công đẫm máu sẽ xảy ra trong năm 2016. Thực tế, diễn biến trong năm nay phụ thuộc nhiều vào cuộc chiến giữa các tổ chức khủng bố và lực lượng an ninh Indonesia, nơi lực lượng khủng bố chỉ là nhỏ lẻ, manh mún.