Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đồng Nai liên kết với Nhật Bản sản xuất chocolate xuất khẩu

Doanh nghiệp đang liên kết với nông dân tại bốn huyện Định Quán, Tân Phú, Thống Nhất và Xuân Lộc phát triển vùng chuyên canh ca cao trồng xen cây điều với diện tích 1.000 ha.

Ông Đặng Trường Khanh, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) cho biết, công ty đang hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư chế biến sản phẩm chocolate xuất khẩu sang thị trường Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) với sản lượng ban đầu khoảng 40 tấn trái ca cao tươi mỗi năm. 

Công nhân làm việc tại nhà máy thu mua, lên men hạt ca cao. Ảnh: Thế Anh/TTXVN.

Dự kiến, doanh nghiệp sẽ có thêm đơn hàng xuất khẩu dòng sản phẩm này vào đầu năm 2016.

Theo giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn ca cao Trọng Đức, để tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho chế biến và xuất khẩu, doanh nghiệp đang liên kết với nông dân tại bốn huyện Định Quán, Tân Phú, Thống Nhất và Xuân Lộc phát triển vùng chuyên canh ca cao trồng xen cây điều với diện tích 1.000 ha. 

Các hợp tác xã sẽ đóng vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân trong việc chuyển giao kỹ thuật canh tác, bao tiêu sản phẩm cho nông dân với giá cao hơn từ 500-1.000 đồng mỗi kg so với mặt bằng thu mua chung.

Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm cho chế biến, công ty cũng đã chọn đầu tư theo chương trình UTZ (Chứng nhận sản xuất tốt của quốc tế cho cây ca cao). Hiện doanh nghiệp đã phát triển được 134 ha ca cao đạt chứng nhận UTZ Certified Good Inside trên địa bàn Đồng Nai. Đây là chương trình chứng nhận toàn cầu đưa ra các tiêu chuẩn sản xuất và kinh doanh nông sản có trách nhiệm về kinh tế, xã hội và môi trường... 

Chương trình này mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, như: chi phí sản xuất giảm, năng suất tăng, được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn mặt bằng chung thị trường; được hỗ trợ miễn phí tham gia tập huấn về kỹ thuật bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách…

Theo ông Khanh, việc thực hiện Chương trình UTZ chủ yếu thay đổi tập quán sản xuất, giúp cho nông dân học hỏi phương pháp canh tác tốt hơn, cải thiện các điều kiện làm việc của người trồng và bảo vệ môi trường. 

Tham gia sản xuất theo quy trình UTZ, nông dân được hỗ trợ miễn phí tập huấn về kỹ thuật bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách… 

Bên cạnh đó, giá ca cao đạt chứng nhận UTZ hiện đang được doanh nghiệp thu mua cao hơn 2.500 đồng mỗi kg hạt khô so với mặt bằng chung trên thị trường.

Doanh nghiệp đang tiếp tục hỗ trợ nông dân nhân rộng diện tích ứng dụng quy trình sản xuất sạch này với mục tiêu xây dựng thương hiệu về uy tín chất lượng cho cây ca cao Đồng Nai.

Chocolate 'Made in Vietnam': Sân nhà không ngọt ngào

Ngành hàng chocolate năm 2014 đã thu hút thêm 52.000 hộ tiêu dùng mới. Nhiều dự báo, nhu cầu tiêu dùng chocolate sẽ tiếp tục nóng đến năm 2020.

http://www.vietnamplus.vn/dong-nai-lien-ket-voi-nhat-ban-san-xuat-chocolate-xuat-khau/350460.vnp

Theo Vietnam+

Bạn có thể quan tâm