Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

Đồng Nai cần sẵn sàng đối phó tình huống dịch xấu nhất

So với những tỉnh lân cận, Đồng Nai ghi nhận số ca mắc Covid-19 thấp hơn nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ rất cao do có số lượng công nhân lớn, các khu nhà trọ phức tạp.

Ngày 14/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã làm việc với Sở Y tế tỉnh Đồng Nai về việc triển khai đơn vị hồi sức tích cực (ICU) 100 giường điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại địa phương này.

Báo cáo tại buổi làm việc, bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cho biết trong đợt dịch này, so với các tỉnh lân cận, số ca nhiễm của Đồng Nai thấp hơn, nhưng tiềm ẩn nguy cơ rất cao do công nhân ở tỉnh rất đông, khu nhà trọ cũng rất phức tạp.

Đồng Nai phải thiết lập ngay 100 giường ICU

Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay, Đồng Nai đã ghi nhận 520 ca bệnh. Đặc biệt, từ 2 ổ dịch lớn là chợ Hóc Môn và chợ Bình Điền của TP.HCM, số ca nhiễm bệnh của Đồng Nai tăng nhanh. Tỉnh phải phong tỏa 4 xã của huyện Thống Nhất để truy vết, xét nghiệm, hiện cơ bản kiểm soát được các ổ dịch ở đây.

Dich Covid-19 tai Dong Nai,  Hau Giang anh 1

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai báo cáo với Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn về việc chuẩn bị khu điều trị ICU. Ảnh: Anh Văn.

Riêng TP Biên Hòa, tình hình dịch bệnh hiện rất phức tạp. Trong số 3.000 F1 của toàn tỉnh được đưa đi cách ly, hơn 1.000 người ở TP Biên Hòa. Đặc biệt, trong ngày 13/7, Công ty TNHH Changsin tại đây đã phát hiện 6 công nhân dương tính với nCoV.

Đến sáng 14/7, 60 mẫu bệnh phẩm của công ty này tiếp tục có kết quả dương tính. Trong 2 ngày 14-15/7, gần 30.000 công nhân của công ty tiếp tục được xét nghiệm để tìm ra ca nhiễm mới.

Ông Vũ cũng cho biết tổng công suất điều trị của Đồng Nai hiện có 1.500 giường. Khó khăn của tỉnh là lực lượng nhân viên y tế khá mỏng, toàn tỉnh chỉ có khoảng 8.000 nhân viên y tế, đang căng mình chống dịch, điều trị. Một số cơ sở y tế đã ghi nhận nhân viên phơi nhiễm SARS-CoV-2.

Ngành y tế đang chuẩn bị điều kiện cần thiết về máy móc, nhân lực để có thể đưa vào sử dụng 100 giường ICU điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng đặt tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Tuy nhiên, hiện tỉnh còn thiếu nhiều máy thở, monitor...

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị Đồng Nai cần thiết lập ngay 100 giường ICU điều trị bệnh nhân nặng tại 2 bệnh viện tỉnh. Sở Y tế tổng hợp nhu cầu cụ thể về nhân lực, trang thiết bị máy móc còn thiếu của 2 bệnh viện để gửi Bộ Y tế có kế hoạch hỗ trợ sớm.

Bên cạnh đó, sở cũng nên có kế hoạch kêu gọi xã hội hóa trang thiết bị, máy móc, cần chuẩn bị thêm các bệnh viện dã chiến để có thể tiếp nhận, điều trị tối thiểu 5.000 bệnh nhân.

Hậu Giang: Tránh bị động khi dịch xảy ra trên quy mô rộng

Trong ngày 14/7, đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, dẫn đầu đã đến làm việc tại tỉnh Hậu Giang.

Theo báo cáo, tỉnh Hậu Giang hiện ghi nhận 22 ca mắc Covid-19. Tỉnh đã triển khai 4 máy xét nghiệm SARS-CoV-2. Công suất thực hiện khoảng 3.000 mẫu đơn/ngày; 30.000 mẫu gộp/ngày.

Về năng lực điều trị, tỉnh có 2 bệnh viện điều trị Covid-19 với 120 giường. Tỉnh đang chuẩn bị chuyển đổi công năng một số trung tâm y tế tuyến huyện thành bệnh viện điều trị Covid-19 với 580 giường. Số lượng y, bác sĩ đang tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 khoảng 600 người.

Dich Covid-19 tai Dong Nai,  Hau Giang anh 2

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Thái Bình.

Tại buổi làm việc, chuyên gia điều trị của Bộ Y tế khuyến nghị các bệnh viện được huy động điều trị bệnh nhân nhẹ cần thành lập đội điều trị, mỗi đội có 2 bác sĩ, 4 điều dưỡng, phụ trách 30-50 bệnh nhân nhẹ.

Với kịch bản thiết lập 1.000 giường bệnh, chuyên gia của Bộ Y tế cho rằng cần ít nhất 10 bác sĩ hồi sức. Do đó, trong số 26 bác sĩ hồi sức của tỉnh, Hậu Giang cũng cần có phương án sử dụng hợp lý, điều tiết phù hợp để “dành sức” của cán bộ.

Chuyên gia cũng lưu ý trong số 50 máy thở hiện có của tỉnh, cần rà soát lại ngay bao nhiêu còn hoạt động hiệu quả, tránh tình trạng khi cần lại không sử dụng được.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tỉnh Hậu Giang có thể tiếp tục ghi nhận các ca mắc Covid-19. Do đó, ngay từ bây giờ, tỉnh cần chuẩn bị ngay “4 tại chỗ” trên toàn tuyến để sẵn sàng vào cuộc chống dịch, tránh bị động khi có các ca bệnh gia tăng trên diện rộng.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị tỉnh rà soát lại ngay hoạt động của lực lượng Tổ Covid-19 cộng đồng, giao mỗi tổ phụ trách 30-50 hộ gia đình. Thành viên của Tổ Covid-19 phải giám sát chặt chẽ những trường hợp F2 cách ly tại nhà.

“Cùng với nỗ lực của các lực lượng phòng chống dịch, đề nghị tỉnh phát động phong trào phát giác người nhập cảnh trái phép, người từ vùng dịch về không tuân thủ quy định chống dịch để kịp thời thông tin cho cơ quan chức năng”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.

Ngoài ra, thông tin tại buổi làm việc, Bộ Y tế cho biết sẽ hộ trợ tỉnh Hậu Giang 50.000 test nhanh. Ông Tuyên cũng lưu ý đối với vấn đề xét nghiệm, tỉnh có thể xét nghiệm gộp mẫu, hoặc đơn mẫu, xét nghiệm kháng thể hoặc test nhanh nhưng phải tuân thủ hướng dẫn chuyên môn về vấn đề này.


Khắc phục bất cập ở khu công nghiệp, cách ly tập trung của Đồng Nai

Các khu công nghiệp, cách ly tập trung trên địa bàn huyện Tân Phú (Đồng Nai) tương đối đáp ứng đủ quy định phòng, chống dịch Covid-19, tuy nhiên còn tồn tại nhiều bất cập.

Dịch Covid-19

Anh Văn - Thái Bình - Phạm Hằng

Bạn có thể quan tâm