Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Đồng minh không muốn ông Trump tái tranh cử năm 2024

Vài tuần trước, ông Trump vẫn là ứng viên hàng đầu của đảng Cộng hòa trong cuộc đua 4 năm tới. Tuy nhiên, viễn cảnh này ngày càng xa vời sau vụ bạo loạn ở Điện Capitol.

Dong minh khong muon ong Trump tai tranh cu nam 2024 anh 1

Sau thất bại trong cuộc đua Nhà Trắng hồi tháng 11, ông Donald Trump ngay lập tức nói với các đồng minh rằng ông dự định tái tranh cử tổng thống vào năm 2024. Ông thậm chí sẽ công bố ý định này vào đúng ngày nhậm chức của tổng thống đắc cử Joe Biden.

Tuy nhiên, ông Trump bắt đầu trì hoãn kế hoạch trên, sau khi biết việc tái tranh cử sẽ yêu cầu ông phải công bố một loạt hồ sơ tài chính mới.

Theo hai đảng viên Cộng hòa thân cận với tổng thống, các tài liệu này có thể khiến ông Trump gặp nguy hiểm trong các cuộc điều tra, cũng như trong các vụ kiện dân sự và hình sự.

Và rồi vụ bạo loạn tại Điện Capitol xảy ra.

Ngày càng nhiều đảng viên Cộng hòa cho rằng ông Trump phải chịu trách nhiệm về việc kích động bạo loạn dẫn đến sự việc ngày 6/1 ở trụ sở Quốc hội Mỹ.

Ngoài ra, phe Cộng hòa cũng đổ lỗi cho tổng thống Mỹ về thất bại trong cuộc tranh giành hai ghế thượng viện ở bang Georgia, khiến Thượng viện rơi vào quyền kiểm soát của đảng Dân chủ.

Gần 10 đảng viên Cộng hòa từng ủng hộ hoặc làm việc cho ông Trump nói rằng tổng thống có khả năng sẽ không tái tranh cử.

Nếu ông Trump thay đổi quyết định và vẫn muốn tham gia cuộc chạy đua Nhà Trắng năm 2024, một số người nói sẽ ngăn cản ông. Một số khác thì hy vọng ông sẽ bị thuyết phục để từ bỏ.

Một người bạn của ông Trump nói: "Ông ta sẽ không xuất hiện vào năm 2024. Ông ấy sẽ không tranh cử, nhưng sẽ rêu rao khắp nơi rằng mình sẽ tham gia".

Đảng Cộng hòa bị chia rẽ

Ở những ngày cuối nhiệm kỳ của ông Trump, các đảng viên Dân chủ quyết liệt thúc đẩy phế truất tổng thống.

Nhiều đồng minh của ông Trump đang giảm dần sự ủng hộ cho tổng thống; trong khi các trợ lý, thậm chí các quan chức nội các, đang rời bỏ ông Trump.

Nỗ lực của nhà lãnh đạo 74 tuổi nhằm lật ngược kết quả bầu cử khiến đảng Cộng hòa, vốn bị chia rẽ trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, bị cuốn vào một cuộc nội chiến mới.

"Đảng Cộng hòa đang bị chia rẽ nhiều hơn so với hai tháng trước, đó không phải là cách nó hoạt động", chiến lược gia đảng Cộng hòa Alex Conant, người từng làm việc cho hai ứng viên tổng thống, cho biết.

"Nếu có bất cứ điều gì nên làm lúc này, đó là chúng ta nên đoàn kết hơn để sẵn sàng thực hiện vai trò phe đối lập", Conant nói.

Những rạn nứt ở đảng Cộng hòa xuất hiện khi ông Trump bắt đầu rêu rao về gian lận bầu cử vào mùa xuân năm ngoái.

Đó là khi ông dự tính đến khả năng thất bại vì sự bùng phát của đại dịch, đồng thời vạch ra chiến lược để tiếp tục nắm giữ quyền lực.

Nhiều tuần sau cuộc bầu cử ngày 3/11/2020, ông liên tục tung ra các cáo buộc gian lận mà hầu như không có bằng chứng xác đáng.

Đồng thời, ông gây áp lực buộc lãnh đạo các bang lật ngược kết quả, đe dọa các đảng viên Cộng hòa không đứng về phía ông, và chỉ trích phó tổng thống luôn trung thành với mình - ông Mike Pence.

"Những thành tựu chính sách đáng kể trong bốn năm - dù là về kinh tế, các ghế thẩm phán, đề cử vào Tòa án Tối cao - tất cả đều bị xóa sổ bởi những hành vi vô cùng xấu xí, vô kỷ luật trong sáu tuần, với đỉnh điểm là ngày ô nhục tại Điện Capitol", một chiến lược gia của đảng Cộng hòa nói.

Dong minh khong muon ong Trump tai tranh cu nam 2024 anh 2

Bạo loạn tại Điện Capitol hôm 6/1. Ảnh: Reuters.

Whit Ayres, nhà thăm dò ý kiến lâu năm của đảng Cộng hòa, mô tả quá trình chứng nhận kết quả bầu cử tại quốc hội hôm 6/1 là "mở đầu của cuộc chiến tìm lại linh hồn của đảng Cộng hòa".

Trước đây, đảng Cộng hòa từng xảy ra nội chiến vì các cuộc thảo luận về hành vi của ông Trump. Song chuyện đó chưa bao giờ xảy ra vào lúc mà tầm vóc chính trị của tổng thống lại bị tổn hại như vậy.

Lực lượng cử tri nòng cốt của đảng có thể vẫn đứng về phía ông Trump. Song khả năng của ông trong việc tiếp cận họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau hôm 8/1, khi các nền tảng mạng xã hội lớn khóa tài khoản của ông vô thời hạn hoặc vĩnh viễn.

Một số đảng viên Cộng hòa - bao gồm những người đã bảo vệ ông Trump từ tranh cãi này đến tranh cãi khác trong bốn năm hỗn loạn - từng nghĩ ông Trump gần như là người đại diện đảng này sau khi ông rời nhiệm sở, dù vị tổng thống chưa bao giờ trung thành với đảng.

Nay họ không còn nghĩ vậy nữa.

Ảnh hưởng của ông Trump

"Ông ấy không phải là nhà lãnh đạo của bất kỳ đảng Cộng hòa nào mà tôi biết", Scott Jennings, người từng làm việc cho Tổng thống George W. Bush, nói.

Một cựu trợ lý của ông Trump cho biết tổng thống bây giờ "cần phải bị đảng Cộng hòa khai trừ, tuyệt giao".

Trước khi Điện Capitol bị chiếm đóng hôm 6/1, hơn 100 đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện và hàng chục đảng viên Cộng hòa tại Thượng viện ký tên phản đối việc chứng nhận chiến thắng của ông Joe Biden. Sau vụ bạo loạn, họ không có ý định đổ lỗi cho ông Trump về những gì đã xảy ra.

"Toàn bộ những người coi thường và không thích Donald Trump đã tìm mọi lý do có thể để bôi nhọ ông ấy", cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich, một đồng minh của ông Trump, nói.

Ông Gingrich cho rằng truyền thông phải chịu một phần trách nhiệm cho "sự thất vọng và cơn thịnh nộ" của đám đông bạo loạn.

"Biden sẽ là tổng thống trên thực tế. Nhưng đối với 45% đất nước, ông ấy sẽ không bao giờ là tổng thống được chấp nhận. Niềm tin rằng đây là cuộc bầu cử tham nhũng và không trung thực sẽ luôn tồn tại", ông Gingrich nói.

Dong minh khong muon ong Trump tai tranh cu nam 2024 anh 3

Một người biểu tình với thông điệp ủng hộ ông Trump tái tranh cử năm 2024, tại California hôm 9/1. Ảnh: Reuters.

Ngay cả những người tấn công ông Trump đều biết ông vẫn sẽ nhận được sự ủng hộ từ nền tảng cử tri bảo thủ.

Tổng thống sắp mãn nhiệm nhận được hơn 74 triệu phiếu bầu trong cuộc bầu cử tháng 11/2020, cao thứ hai trong lịch sử Mỹ và chỉ sau 81 triệu phiếu của ông Biden.

"Vấn đề của đảng Cộng hòa là mọi nghị sĩ phe này đều cần sự ủng hộ của những người biểu tình này nhằm duy trì sự nghiệp chính trị của họ", một cố vấn cấp cao của ông Trump nói.

"Trừ khi đảng có thể tìm thấy một thông điệp mà tầng lớp lao động da trắng yêu thích hơn Donald Trump, sẽ không có tương lai tươi sáng cho đảng Cộng hòa", vị cố vấn nói.

Không thực sự muốn tái tranh cử

Việc tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai sẽ rất khó khăn đối với ông Trump, ngay cả khi ông không bị bao vây bởi những tranh cãi và bị "đá" khỏi các tài khoản mạng xã hội của mình.

Hầu hết cựu tổng thống Mỹ gần đây tránh xa ánh đèn sân khấu sau khi rời nhiệm sở, một phần là để người kế nhiệm của họ có thể điều hành đất nước.

Một số tổng thống cố gắng chạy đua nhiệm kỳ thứ hai không liên tiếp, nhưng chỉ Grover Cleveland là người duy nhất thành công. Ông trở lại Nhà Trắng năm 1892, sau khi thất bại trong cuộc bầu cử năm 1888.

Các đồng minh của ông Trump nói rằng tổng thống vẫn chưa quyết định những gì ông ấy sẽ làm sau khi rời Nhà Trắng.

Song ông nói với họ rằng ông muốn tổ chức các cuộc mít tinh và chiến dịch chống lại các ứng viên đảng Cộng hòa không ủng hộ nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử.

Những người nằm trong "sổ đen" của ông Trump bao gồm Thượng nghị sĩ John Thune của South Dakota, Hạ nghị sĩ Liz Cheney của Wyoming và Thống đốc Brian Kemp của Georgia.

Dong minh khong muon ong Trump tai tranh cu nam 2024 anh 4

Ông Trump trong một cuộc mít tinh ở Washington hôm 6/1. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, các nhà sử học nói ông Trump có thể nhận ra ông sẽ dần dần biến mất khỏi sân khấu chính trị sau khi rời nhiệm sở, như các cựu tổng thống Jimmy Carter và George H.W. Bush.

Và sự khao khát của ông Trump đối với sân khấu chính trị cũng có thể phai nhạt, dù ông vẫn muốn được chú ý.

Các đồng minh của tổng thống nói ông trì hoãn việc chính thức tuyên bố tranh cử năm 2024 vì sẽ phải tiết lộ thông tin tài chính.

Jared Kushner, con rể và là trợ lý hàng đầu của ông Trump, và Bill Stepien, quản lý chiến dịch tranh cử năm 2020 của tổng thống, được cho là đã khuyên ông Trump nên chờ đợi và cân nhắc.

Tập đoàn Trump được cho là đã thiệt hại hàng triệu đô trong đợt bùng phát virus corona, ngay trước khi ông Trump phải trả lại 421 triệu USD cho các khoản vay mà ông đảm bảo, theo điều tra của New York Times.

Phần lớn trong các khoản vay là từ các chủ nợ nước ngoài.

Trong khi đó, các nhà điều tra New York đang xem xét một loạt hành động trong quá khứ của ông Trump, bao gồm thổi phồng giá trị tài sản, trốn thuế, trả tiền cho những phụ nữ tố cáo ông quan hệ "qua đường" với họ, vi phạm luật tài chính tranh cử...

Với những thách thức pháp lý đang chờ đợi như vậy, ông Trump dự kiến tiếp tục rêu rao về việc tái tranh cử tổng thống. Điều này được cho là để thu hút sự chú ý, chứ ông có thể không thực sự đăng ký ứng cử.

"Cuối cùng thì ông ấy có thể không bóp cò", một cựu trợ lý của ông Trump và vẫn duy trì mối quan hệ với Nhà Trắng cho biết.

Nếu ông Trump khẳng định việc tranh cử, mua quảng cáo tiếp cận cử tri hoặc chi hơn 5.000 USD cho một chiến dịch thực tế, ông sẽ phải đăng ký làm ứng viên.

Nhưng nếu ông Trump chỉ đang xem xét khả năng tranh cử thì không cần phải đăng ký - miễn là ông chi tiêu ít hơn mức tối đa theo luật định cho những việc như thăm dò, đi vận động kêu gọi người ủng hộ tiềm năng.

"Ông ấy sẽ bám trụ đủ lâu để vẫn là người có ảnh hưởng", một cựu quan chức chính quyền cấp cao nói, "và sau đó trở thành một người có sức tác động đến lá phiếu".

Tổng thống Trump thừa nhận sẽ không có nhiệm kỳ thứ hai cho mình Trong video mới đăng trên Twitter ngày 7/1, Tổng thống Trump thừa nhận chiến thắng của ông Joe Biden, đồng thời kêu gọi hàn gắn và chuyển giao quyền lực.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa kêu gọi ông Trump từ chức

Thượng nghị sĩ Pat Toomey đồng tình với những lời kêu gọi tổng thống từ chức ngay lập tức thay vì ở lại Nhà Trắng đến khi nhiệm kỳ kết thúc vào ngày 20/1.

Tuần cuối của ông Trump tại Nhà Trắng đã đến

Tổng thống Donald Trump và nhóm cố vấn thân tín còn sót lại vẫn lên kế hoạch thể hiện hình ảnh nhà lãnh đạo mạnh mẽ trong tuần lễ trọn vẹn cuối cùng của nhiệm kỳ.

Đông Phong

Theo Politico

Bạn có thể quan tâm