Hệ thống hạ tầng quy mô lớn
Khu Đông TP.HCM bao gồm quận 2, 9 và Thủ Đức. Đây là khu vực được bao bọc bởi sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Theo quy hoạch đến 2025, khu Đông sẽ trở thành trung tâm đô thị tri thức và công nghệ cao của TP.HCM, tập trung nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm với quy mô lớn. Nhiều công trình hạ tầng giao thông được đánh giá là đã đưa khu vực lên một tầm cao mới, có vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế, xã hội của TP.HCM.
Xa Lộ Hà Nội
Dự án nâng cấp và mở rộng Xa lộ Hà Nội được khởi công từ tháng 4/2010, dài 15,7 km cho 12-16 làn xe lưu thông với tổng mức đầu tư hơn 4.905 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã thi công đạt khoảng 75% khối lượng, tiến độ thi công và giải ngân đều đạt yêu cầu trên mặt bằng thực tế. Trong đó trục đường giao thông chính trên xa lộ Hà Nội từ cầu Sài Gòn đến ĐH Quốc gia đạt 100% khối lượng.
Đại lộ Mai Chí Thọ và hầm Thủ Thiêm
Đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ với tổng chiều dài 21,9 km đã đi vào hoạt động từ năm 2011 đến nay và được xem là hành lang Đông - Tây của TP.HCM. Đây cũng là con đường cắt với nhiều đường xương cá ở khu vực quận 2 và quận 9 như Đồng Văn Cống, Lương Định Của, đường lên cao tốc Long Thành - Dầu Giây, Trần Não, Nguyễn Cơ Thạch... Cùng với đó là công trình hầm Thủ Thiêm, nối từ đường Mai Chí Thọ, đi dưới lòng sông Sài Gòn vào trung tâm thành phố. Đường hầm dài khoảng 1,49 km, rộng 33 m với 6 làn xe.
Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và đường Vành đai 2
Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có chiều dài toàn tuyến là 55 km với tốc độ tối đa 120 km/h, đây được đánh giá là công trình có ý nghĩa lớn trong việc kết nối TP.HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Được khởi động từ năm 2009 với tổng mức đầu tư lên đến 22.630 tỷ đồng, công trình này đã được đi vào khai thác từ vào năm 2015. Cuối năm 2017, dự án đường Vành đai 2 TP.HCM cũng được khởi công với chiều dài 64 km, quy mô từ 6 - 10 làn xe và có vốn đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng. Hiện tại tuyến đường này đã được đầu tư khoảng 54 km với bề rộng trung bình 35 m và còn khoảng 11 km chưa khép kín.
Đại lộ Phạm Văn Đồng
Đại lộ Phạm Văn Đồng vốn được xem như cánh tay nối dài của TP.HCM với khu vực Đông Nam Bộ, thuộc tuyến đường Vành đai 1 tại TP.HCM, bắt đầu từ Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đến ngã tư Linh Xuân thuộc quận Thủ Đức, nối với Quốc lộ 1A đi các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam Bộ. Tuyến đường được xây dựng từ năm 2008 với tổng vốn đầu tư là 340 triệu USD. Đại lộ Phạm Văn Đồng có 12 làn xe, chiều dài 12 km và đã giải quyết được phần nào nhu cầu về hạ tầng giao thông thành phố nói chung và khu vực Đông Bắc nói riêng.
Mạng lưới hạ tầng giao thông ngày thêm hoàn thiện
Riêng trong giai đoạn 2010-2020, khu Đông là khu vực thu hút đến 70% tổng nguồn vốn 350.000 tỷ đồng đầu tư cho hạ tầng giao thông thành phố. Bên cạnh những dự án hiện hữu, hiện cũng có rất nhiều dự án cầu, mở rộng đường, metro... đang được đẩy triển khai và gấp rút hoàn thiện để đi vào khai thác, góp phần tăng cường khả năng kết nối của khu Đông với các khu vực khác của thành phố cũng như các tỉnh lân cận.
Cầu Mỹ Thủy 3 và mở rộng đường Đồng Văn Cống
Cuối tháng 2 vừa qua, dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố 2 đến nút giao thông Mỹ Thủy) đã được khởi công với vốn đầu tư gần 42 tỷ đồng. Theo đó, mặt đường Đồng Văn Cống sẽ mở rộng thêm 7 m, tăng thêm 2 làn xe lưu thông mỗi bên. Dự kiến khi hoàn thành, trục đường này sẽ có 10 làn xe ôtô và 2 làn xe máy lưu thông. Đồng thời, dự án cầu Mỹ Thủy 3 cũng đang được thi công xây dựng với chiều dài 124 m, rộng 6 làn xe trên đường Đồng Văn Cống. Sau khi hoàn thành, cầu Mỹ Thủy 3 sẽ cùng với cầu Mỹ Thủy 1 và cầu Mỹ Thủy 2 với tổng bề rộng 60m cho 10 làn xe ô tô và 2 làn xe máy lưu thông. Công trình dự kiến hoàn thành trong năm 2020.
Cầu Thủ Thiêm 2
Cầu Thủ Thiêm 2 là một trong những dự án hạ tầng giao thông được mong đợi nhất tại TP.HCM khi bắc ngang sông Sài Gòn, kết nối khu đô thị mới Thủ Thiêm với quận 1. Cầu Thủ Thiêm 2 quy mô 6 làn xe, với tổng chiều dài 1.465m và vốn đầu tư 3.082 tỷ đồng. Hiện nay dự án đang trong giai đoạn tập trung tối đa nguồn lực để chuẩn bị hoàn thành các công đoạn cuối. Dự kiến cầu Thủ Thiêm 2 sẽ hợp long cầu chính và thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2020.
Cầu Cát Lái và Bến xe Miền Đông
Cầu Cát Lát là dự án được xây dựng nhằm thay thế phà Cát Lái nối giữa quận 2 TP.HCM và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 7.200 tỷ đồng. Tổng chiều dài cầu và đường dẫn là 4,5 km, mặt cắt ngang đường rộng 60 m với 6 làn cơ giới và 2 làn hỗn hợp. Hiện nay dự án vẫn đang trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư và dự kiến sẽ khởi công vào cuối năm 2020. Trong khi đó, một dự án giao thông khác của khu vực là Bến xe Miền Đông đang gấp rút hoàn thiện và chuẩn bị đưa vào sử dụng. Nằm ở phường Long Bình, quận 9 và thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương với quy mô 16 ha, dự án có vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng.
Bất động sản vượt lên nhờ hạ tầng
Sức hút từ hạ tầng, đặc biệt là các công trình trọng điểm như tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên, Xa lộ Hà Nội... đã kéo theo một làn sóng đầu tư của các ông lớn bất động sản cả trong và ngoài nước tập trung về khu Đông như một điểm đến đầy hứa hẹn. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, các nhà đầu tư lớn đều tập trung ở khu vực này như Vinhomes, Novaland, Khang Điền, Đại Quang Minh... hay các chủ đầu tư ngoại như CapitaLand, Keppeland... Thị trường cũng ghi nhận đây là khu vực có hoạt động kinh doanh bất động sản sôi động nhất TP và có tốc độ tăng giá nhanh chóng mặt.
Quỹ đất khan hiếm, giá nhà tăng vọt
Kể từ năm 2018 đến nay, chỉ có 5 dự án mới được mở bán trong khu vực do quỹ đất ngày càng khan hiếm. Chính vì vậy, bất chấp những khó khăn chung của thị trường do vấn đề ách tắc về pháp lý kéo dài từ năm 2019 và gần đây là đại dịch Covid-19, bất động sản khu Đông đến nay vẫn ghi nhận những chỉ số tăng trưởng tích cực. Một số nhà đầu tư lớn đang tập trung phát triển những dự án có quy mô lớn như Vinhomes Grand Park (271,8 ha), Saigon Sports City (64 ha)...