Năm 2015, Hàn Quốc thông báo kế hoạch đến năm 2030 sẽ cắt giảm 37% lượng phát thải khí nhà kính. Thậm chí thủ đô Seoul còn đặt mục tiêu trung hòa carbon, nghĩa là không phát thải khí nhà kính ra khí quyển vào năm 2050.
Quyết định của Hàn Quốc được cho là táo bạo và đi đầu trên thế giới trong việc “xanh hóa” nền kinh tế. Bằng chứng là đến nay, quốc gia này không chỉ thành công trong việc cắt giảm khí nhà kính, mà còn chuyển đổi thành công sang nền kinh tế xanh, coi là một trong những động lực quan trọng cho phát triển.
Bài học “xanh hóa” nền kinh tế của Hàn Quốc là một trong những hình mẫu mà Việt Nam có thể theo đuổi, đưa tăng trưởng xanh trở thành động lực cho nền kinh tế.
Xu hướng phục hồi xanh sau dịch Covid-19
Trước đây, Hàn Quốc là một trong những nước có lượng phát thải khí nhà kính thuộc hàng cao nhất thế giới tính theo đầu người. Theo ước tính, nước này thải ra khoảng 850 triệu tấn CO2 ra khí quyển mỗi năm.
Năm 2009, xây dựng và giao thông vận tải là 2 lĩnh vực phát thải nhiều nhất ở Hàn Quốc, chiếm tới 40% tổng lượng phát thải. Do vậy, khi bắt đầu chiến lược tăng trưởng xanh, Hàn Quốc đã bắt đầu từ 2 lĩnh vực này. Cùng với đó là các xu hướng sản xuất xanh, công nghệ xanh, lối sống xanh… cũng được thúc đẩy.
Tỷ lệ cắt giảm phát thải của một số lĩnh vực tại Hàn Quốc năm 2020 so với năm 2009. Nguồn: KRR. |
Đến năm 2020, Hàn Quốc đã bắt đầu "hái quả ngọt" khi những lĩnh vực trước kia từng phát thải mạnh thì đến nay đã giảm mạnh. Lĩnh vực xây dựng đã giảm được 26,9% khí nhà kính, con số này ở lĩnh vực vận chuyển là 34,3%...
Theo PGS TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, không chỉ Hàn Quốc mà các nước EU cũng đang theo đuổi chiến lược vừa phát triển kinh tế, vừa thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh. Đây là điều mà Việt Nam có thể học hỏi để đưa đất nước phát triển. Ông nhấn mạnh Việt Nam đang có trong tay “cơ hội vàng” để hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 và thách thức từ biến đổi khí hậu.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng bối cảnh thế giới đang ngày càng phức tạp, trong đó có vấn đề chính trị, an ninh, kinh tế và môi trường, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu. Có thể nói biến đổi khí hậu đang tác động rất mạnh tới thế giới và Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu.
Xe điện là một trong những bước ngoặt giúp lĩnh vực giao thông của Hàn Quốc giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: Caspian News. |
Ngoài ra, sau dịch Covid-19, thế giới sẽ bước sang giai đoạn phục hồi kinh tế. Ông nhắc đến 2 xu hướng, một là chuyển đổi số đang diễn ra mãnh liệt ở nhiều lĩnh vực là kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế… Hai là xu hướng phục hồi xanh, chuyển đổi xanh. Theo TS Bùi Quang Tuấn, các quốc gia trên thế giới đang tranh thủ thời gian khủng khoảng để tái cơ cấu kinh tế, tăng cường sự đóng góp của những ngành xanh, những ngành giúp giảm lượng phát thải khí nhà kính.
“Tôi cho rằng đây là xu hướng rất tiến bộ, chúng ta cùng nhau học hỏi kinh nghiệm quốc tế, kinh nghiệm của các quốc gia đi trước để hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh”, ông nói.
Cơ hội vàng để “tăng trưởng xanh”
“Có nhiều quan niệm nói rằng tăng trưởng xanh mâu thuẫn với tăng trưởng kinh tế thông thường, vì có yếu tố xanh nên giảm mức độ tăng trưởng. Theo tôi, suy nghĩ như vậy không đúng”, ông Tuấn chia sẻ thêm.
Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nếu biết tái cơ cấu nền kinh tế, đưa những ngành xanh trở thành những động lực tăng trưởng của nền kinh tế, đó sẽ là yếu tố mới đóng góp cho GDP, không hề có mâu thuẫn với việc vừa có tăng trưởng xanh, vừa đạt được những thành tựu về kinh tế - xã hội.
Ông lấy ví dụ Việt Nam có thể khuyến khích phát triển xe điện, hạn chế dần phương tiện sử dụng động cơ đốt trong, đúng theo xu hướng của thế giới. Khi phát triển xe điện, vừa có thể đảm bảo mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời cũng phát triển một ngành công nghệ cao, phục vụ phát triển đất nước.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ngoài ra, xe điện là phương tiện hiện đại, thông minh, có thể đóng góp vào việc xây dựng thành phố thông minh, hệ thống giao thông thông minh. Xe điện cũng là ngành công nghiệp công nghệ cao, có thể giúp nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, khi hãng xe nội địa VinFast đã có kế hoạch vươn ra những thị trường khó tính bậc nhất thế giới như Mỹ, châu Âu.
Tôi cho rằng Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng, bứt phá nhanh, tận dụng được các lợi thế sẵn có.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn
Vị chuyên gia kinh tế cũng cho rằng cần phải có những chính sách hỗ trợ các đơn vị tiên phong, dám mở đường khai phá những lĩnh vực mới như xe điện, nhiều khó khăn và cả rủi ro đang chờ đợi phía trước. Nhà nước cần phải xây dựng một tổ hợp chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào R&D, hướng đến những mục tiêu lâu dài.
Một điều thuận lợi là Việt Nam có dân số trẻ, năng động, tiếp cận công nghệ rất nhanh. Đây là tiền đề để Việt Nam phát triển những công nghệ mới, công nghệ thông minh.
“Tôi cho rằng Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng, có thể bứt phá nhanh nếu tận dụng được các lợi thế sẵn có. Đây là điều kiện cực kỳ quý báu mà chúng ta không thể bỏ qua được”, ông nhấn mạnh.