Theo đó, từ 1/1/2014, mức phạt cho hành vi điều khiển ô tô chạy quá tốc độ trên 35km/h; đi ngược chiều trên đường cao tốc sẽ giảm còn từ 7-8 triệu đồng (hiện tại 8-10 triệu). Cùng nhóm với mức phạt này là hành vi điều khiển ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn quá 50 đến 80 miligam/100ml máu hoặc quá 0,25 đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
CSGT tỉnh Bắc Ninh lập biên bản xe mô tô vi phạm trên quốc lộ 1B. |
Đặc biệt, nhiều kiến nghị của chủ xe, lái xe vận tải cũng đã được đáp ứng khi mức phạt người điều khiển ô tô chở khách không gắn hộp đen hoặc có gắn nhưng thiết bị không hoạt động đã giảm từ 2-3 triệu xuống còn 1-2 triệu đồng... Với người đi xe đạp, nếu đi không đúng phần đường quy định… mức phạt giảm còn 50.000 - 60.000 đồng.
Lý giải về việc giảm một số mức phạt so với trước, ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ Giao thông vận tải) cho biết khi trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, Bộ Giao thông vận tải nhất quán quan điểm mức xử phạt phải phù hợp, khả thi. Giảm mức phạt với một số hành vi nhưng tập trung tăng cường việc nâng cao trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, siết chặt quản lý vận tải sẽ đem lại hiệu quả cao hơn. Các chế tài đối với chủ doanh nghiệp và lái xe được quy định rõ. Mức phạt của tổ chức cao gấp đôi cá nhân, để nâng cao trách nhiệm của chủ doanh nghiệp.
Sử dụng ma túy khi lái xe sẽ bị tước giấy phép lái xe
Theo Nghị định, người điều khiển xe ô tô trong cơ thể có chất ma túy sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (GPLX) 24 tháng (trong trường hợp có GPLX), hoặc phạt tiền từ 8-10 triệu đồng (trong trường hợp không có GPLX hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng). Mức phạt này với người lái xe máy, xe máy điện là 2-3 triệu đồng.
Nghị định 171 cũng quy định lái xe vận chuyển hàng trên xe không được chằng buộc chắc chắn; xếp hàng trên nóc buồng lái; xếp hàng làm lệch xe sẽ bị phạt tiền từ 300.000-400.000 đồng... Các hành vi vi phạm bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng gồm: Chở hàng vượt trọng tải thiết kế từ 10 - 40% đối với xe có trọng tải dưới 5 tấn và từ 5 - 30% đối với xe có trọng tải từ 5 tấn trở lên (kể cả rơ - moóc và sơ-mi rơ-moóc); chở người trên thùng xe trái quy định; để người ngồi trên mui xe, đu bám bên ngoài xe khi xe đang chạy; điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hàng hóa không có hoặc không mang theo hợp đồng vận tải hoặc Giấy vận tải theo quy định, trừ xe taxi tải…
Từ 1/1/2015, xử phạt xe không chính chủ
Từ ngày 1/1/2015, hành vi không sang tên đổi chủ ô tô khi mua, được tặng cho, được thừa kế… (không chính chủ) sẽ bị xử phạt từ 1-2 triệu đồng đối với cá nhân, 2-4 triệu đồng đối với tổ chức. Mức tương tự nếu không sang tên đổi chủ xe máy là từ 100.000 - 200.000 đồng và từ 200.000- 400.000 đồng.
Người đi xe máy đội các loại mũ bảo hiểm khác (mũ cho người đi xe đạp hoặc mũ bảo hộ lao động) hoặc không đội, đội không đúng quy cách sẽ bị phạt từ 100.000 - 200.000 đồng. Người điều khiển xe máy cũng sẽ bị xử phạt đối với một số hành vi trước đây chưa được quy định như: Có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, để người ngồi sau vòng tay ra trước điều khiển xe…