Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đóng khung thép lên tháp Chăm nghìn năm tuổi là hành vi phá hoại

Các nhà nghiên cứu văn hóa và cộng đồng người Chăm cho rằng việc đóng khung thép lên tháp cổ để quảng bá du lịch là hành vi phá hoại, vi phạm Luật Di sản.

Vết thủng dày trên tường tháp Chăm nghìn năm ở Bình Định Tường cổ của cụm tháp Bánh Ít nghìn năm tuổi ở Bình Định bị viết, vẽ bậy cùng nhiều vết thủng lớn làm khu di tích xuống cấp, mất mỹ quan.

Những ngày qua, vụ việc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Bình Định đóng khung thép lên tháp Đôi và tháp Bánh Ít trong quần thể tháp Chăm cổ để quảng bá du lịch khiến nhiều người bức xúc.

Vi phạm nghiêm trọng Luật di sản văn hóa

Ông Lê Xuân Lợi, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận, cho rằng đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa, cần truy trách nhiệm đối với những người có liên quan.

“Đây là di sản của quốc gia, của cả thế giới không cần phải ghi tên quảng bá như vậy. Chúng tôi là những người nghiên cứu văn hóa Chăm cả nước nên phản đối những hành vi xâm hại di tích và yêu cầu trả lại nguyên trạng”, ông Lê Xuân Lợi nói.

dong khung thep len thap cham nghin tuoi la pha hoai di san anh 1
Tháp Bánh Ít bị xâm hại để gắn bảng quảng bá du lịch. 

Vị Giám đốc cho biết theo Luật Di sản văn hóa năm 2009, sửa đổi bổ sung năm 2013 thì các di tích tháp Chăm cổ là di tích quốc gia đặc biệt, được giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích.

Theo Luật, Thủ tướng quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Tại điều 32 của Luật phân chia các khu vực bảo vệ gồm có khu vực bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích; khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I.

Khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên hiện trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó.

Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Bình Định cho khoan vào gạch cổ của tháp Chăm hàng nghìn năm tuổi gắn khung sắt sẽ làm hỏng kết cấu, nước có thể theo những lỗ khoan vào phá thân tháp.

'Hành vi phá hoại di tích'

Nhà thơ Đồng Chuông Tử, một người Chăm ở Bình Thuận, cảm thấy xót xa đối với việc các tháp Chăm cổ nghìn năm bị xâm hại. Ông nói đây là hành động phá hoại di sản, khó có thể khắc phục.

dong khung thep len thap cham nghin tuoi la pha hoai di san anh 2
Cụm tháp Bánh Ít (huyện Tuy Phước) đã được tháo dỡ các biển quảng bá du lịch. Ảnh: Minh Hoàng.

Trí thức người Chăm này cho rằng khó có thể chấp nhận được hình thức quảng bá du lịch kiểu xâm hại di tích như thế. Các nhà quản lý di sản văn hóa ở Bình Định để xảy ra vụ việc chứng tỏ nhận thức và cách quản lý các di tích Chăm cũng như các di tích văn hóa đang có vấn đề.

“Cần xem lại sự am hiểu về kiến thức bảo tồn di tích cũng như kiến thức pháp luật ngành di sản văn hóa của những người làm bảo tồn di sản. Những người này họ đang hủy hoại hoặc có nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa. Cần làm sao để những người này tránh được những sai lầm nghiêm trọng như vậy”, nhà thơ Đồng Chuông Tử nêu ý kiến.

Cộng đồng người Chăm cũng lên án mạnh mẽ hành vi quảng bá du lịch kiểu xâm hại di tích của Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Bình Định. Trên Fanpage Văn hóa lịch sử và người dân Chăm, nhiều tài khoản tỏ thái độ phẫn nộ với hành vi trên.

Họ cho rằng tháp Chăm là công trình thuộc thể loại kiến trúc đền tháp lâu đời nhất tại Việt Nam, vừa là di sản quốc gia đặc biệt còn là nơi phục vụ tín ngưỡng của người Chăm. Mọi người có tín ngưỡng hay không đều có thể đến viếng thăm.

Tuy nhiên, di sản tháp cổ nghìn năm bị những người làm du lịch vô ý thức hủy hoại chỉ trong vài phút.

Cộng đồng người Chăm cho rằng bảo tồn, phát triển du lịch di sản phải gắn với bảo vệ. Họ lên án mọi hành vi xâm hại, tác động đến di sản như viết, vẽ bậy...

dong khung thep len thap cham nghin tuoi la pha hoai di san anh 3
Vị trí cụm tháp Bánh Ít nghìn năm tuổi ở Bình Định. Ảnh: Google Maps.

Tháp Chăm nghìn năm tuổi bị đóng khung thép để quảng bá du lịch

"Chúng tôi treo biển quảng bá điểm đến du lịch để khách chụp ảnh lưu niệm, giới thiệu các di tích tháp Chăm cổ này rộng rãi hơn nữa", Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Bình Định nói.

Huỳnh Hải

Bạn có thể quan tâm