Ông Phạm Văn Tắc, Giám đốc Bảo tàng Bạc Liêu cho biết tỉnh này sở hữu chiếc đồng hồ có một không hai tại Việt Nam là đồng hồ Thái Dương, còn được gọi là đồng hồ đá. Để bảo tồn, phát huy giá trị, UBND Bạc Liêu đã xếp hạng đồng hồ này là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.
Đồng hồ đá do kỹ sư Lưu Văn Lang xây tặng Bạc Liêu. |
Đồng hồ đá xây năm 1913, nằm trong hàng rào cạnh quán cà phê đối diện Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu (gần tòa nhà cao nhất TP.Bạc Liêu). Trước đây, chiều cao từ nền đất đến đỉnh là khoảng 1 m, ngang hơn 1,2 m nhưng hiện nay chiều cao của đồng hồ chỉ còn khoảng 60 cm do địa phương nâng nền đất, lót gạch để tạo mỹ quan cho khu di tích.
Theo ông Tắc, người xây đồng hồ đá là kỹ sư Lưu Văn Lang (1880-1969), được mọi người gọi là bác vật Lang, quê làng Tân Phú Đông, tỉnh Sa Đéc (nay là Đồng Tháp). Năm 1904 ông tốt nghiệp đại học kiến trúc loại giỏi ở Pháp và là kỹ sư đầu tiên của Nam Bộ lúc bấy giờ.
Về nước, ông được nhà cầm quyền cử sang Vân Nam (Trung Quốc) tham gia xây dựng tuyến đường xe lửa nối Trung Quốc với Đông Dương. Khi làm việc ở Sài Gòn, ông thường xuống Bạc Liêu theo dõi các công trình xây dựng.
Tương truyền cầu Dần Xây giáp ranh TP.Bạc Liêu với huyện Vĩnh Lợi trước đây do kỹ sư người Pháp xây dựng. Khi đi ngang qua đây, bác vật Lang lấy gậy gõ vào thành cầu rồi khẳng định với nhóm kỹ sư đang làm việc rằng một tháng nữa cầu sập. Lúc ấy những kỹ sư Pháp rất tức giận trước thông tin này nhưng sau đó kính nể ông vì ngày cầu sập đúng như bác vật Lang dự đoán và người dân địa phương gọi cầu Dần Xây là cầu Sập đến nay.
Nhiều bóng cây cổ thụ che khuất ánh nắng rọi vào đồng hồ nên "kim đồng hồ" giờ khó thấy. |
Với kiến thức rộng, thông thái, hiểu biết sâu về nhiều lĩnh vực khoa học nên bác vật Lang được Tỉnh trưởng Bạc Liêu thời đó khâm phục, đối đãi rất hậu hĩ. Đáp lại tình cảm này, ông xây tặng chiếc đồng hồ đá này trước dinh Tỉnh trưởng.
Cách xem giờ của đồng hồ Thái Dương dựa vào bóng nắng. Trên bề mặt có 3 phần, phần giữa là khối hình chữ nhật nhô ra phía trước, hai khối hình vuông cân đối hai bên được ốp bằng gạch tàu, hướng về phía Đông, có vạch số La Mã từ I-XII để chỉ giờ.
Khi mặt trời vừa ló dạng, ánh sáng chiếu vào mặt trước đồng hồ đá sẽ chia ra hai mảng sáng, tối rõ rệt. Lúc này lằn ranh sáng - tối là kim chỉ giờ nằm ở số XI. Mặt trời lên cao, "kim đồng hồ" chạy theo và đến khi mặt trời đứng bóng thì đồng hồ thể hiện 12h.
Do ảnh hưởng chu kỳ của vòng quay trái đất nên hiện nay đồng hồ đá của bác vật Lang chỉ sai lệch khoảng cộng trừ 2 phút. Theo Giám đốc Bảo tàng Bạc Liêu, do ảnh hưởng bởi nhiều nhánh cây phía trên, ánh nắng không rọi hết vào đồng hồ nên lằn ranh sáng - tối được nhìn rõ nhất vào khoảng 8-9h sáng và 14-15h chiều.
Cầu Dần Xây ở Bạc Liêu được người dân gọi quen là cầu Sập. |
Những cụ cao niên cho biết, nhờ sự chuẩn xác của "kim đồng hồ" mà quan chức thời Pháp thuộc hay ghé trước dinh Tỉnh trưởng Bạc Liêu để chỉnh lại đồng hồ đeo tay của mình.