Phan Quốc Ân là bạn học, là đồng đội của chúng tôi từ những ngày còn ngồi ghế trường Thiếu sinh quân. Tuổi của anh so với chúng tôi có lớn hơn chút ít. Cuối năm 1953, Quốc Ân và một số thiếu sinh quân lớn tuổi viết đơn gửi Ban giám hiệu xin được trở lại chiến trường tham gia chiến đấu. Nguyện vọng của các bạn ấy được cấp trên chấp nhận và chúng tôi xa nhau từ ngày ấy.
Đông xuân 1953-1954, các bạn ấy được biên chế về các đơn vị tham gia chiến đấu ở Điện Biên Phủ. Có bảy bạn thiếu sinh quân của chúng tôi đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Đó là các bạn Trần Bến, Đặng Bộ, Kim Dẻo, Vũ Định, Nguyễn Đình Khảm, Nguyễn Khang và Nguyễn Văn Long. Những người đã hy sinh, mỗi người đều có một chiến công xuất sắc. Riêng Kim Dẻo được nhiều người nhắc tên vì hành động dũng cảm và lời nói trước khi tắt thở. Khi bị địch bắn trọng thương, thân anh nằm vắt qua hàng rào dây thép gai, anh đã bảo các đồng đội: “Các cậu cứ giẫm lên người tớ mà nhảy vào lô cốt địch để gai đỡ đâm rách chân”.
Riêng Phan Quốc Ân, thì mười ngày trước khi các chiến sĩ của chúng ta cắm lá cờ Quyết chiến quyết thắng trên nóc hầm Tướng Đờ Cát, đã bị bom của Pháp cắt đứt một chân trái, phải đưa gấp về phía sau điều trị. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, anh là một trong những xạ thủ cừ khôi nhất. Anh biết lựa chọn cách bắn, nơi bắn và thời điểm bắn hiệu quả nhất, trong phong trào bắn tỉa nổi tiếng. Chỉ riêng những chiến công xuất sắc trong việc bắn tỉa ở Điện Biên Phủ, Phan Quốc Ân đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba và Huân chương Chiến công hạng nhất. Tổng kết chiến dịch, Ân còn được bầu là Chiến sĩ thi đua toàn quân.
Trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, Phan Quốc Ân có mặt tại miền Trung. Trong một trận đánh bom ác liệt tại Nghệ An, Quốc Ân lại một lần nữa bị thương nặng và được một cô dân quân địa phương và gia đình cô tận tình cứu chữa, chăm sóc suốt mấy tháng trời. Sau đó anh giải ngũ, trở về thị xã Vĩnh Yên, kiếm sống bằng nghề sửa đồng hồ mà anh mới học được. Nhưng cái nghề ấy cũng chỉ kéo dài được mấy năm, sau đó bóng dáng Quốc Ân cũng mất hút ở thị xã Vĩnh Yên.
Sau nhiều ngày dò hỏi, tìm kiếm, cuối cùng đồng đội cũng tìm ra được địa chỉ của anh. Quốc Ân bây giờ đã trở thành một lão nông, sinh sống tại một làng quê rất hẻo lánh của tỉnh Nghệ An. Trên đường lang thang vào Nam tìm kế sinh nhai, Quốc Ân đã ghé lại vùng quê này, nơi đã cứu sống, cưu mang anh năm xưa. Anh tìm lại được cô dân quân tình nghĩa thuở nào, người đã bón cho anh từng thìa cháo, cắt cho anh từng cái móng tay, giặt giũ cho anh những bộ áo quần đầy máu mủ ... Anh bàng hoàng khi biết rằng chị hiện nay là một góa phụ, một nách nuôi dạy ba đứa con. Anh quyết định không đi tiếp nữa, mà ở lại đây, dừng lại ở cái làng hẻo lánh và nghèo nàn này để chia sẻ gánh nặng với chị, đền đáp lại một phần ơn nghĩa năm xưa.
Sau khi kết hôn, anh làm đơn xin cho ba đứa con được hưởng chế độ ưu đãi của các con thương binh loại nặng, nhưng không được. Người ta giải thích cho anh: Đó là những đứa con riêng của chị, không phải là những đứa con chung của cuộc hôn nhân giữa hai anh chị. Hai vợ chồng chỉ còn một con đường duy nhất là lao động, làm việc cật lực từ sáng đến tối để vực dậy gia đình. Ước mong cao nhất của anh chị là các con mình có đủ cơm ăn, áo mặc, được cắp sách đến trường và sau này, mỗi đứa có một nghề, trở thành những thành viên có ích của xã hội.
Hai vợ chồng anh chị không nề hà, từ chối bất cứ nghề gì: Trồng lúa, trồng rau, nuôi heo, ủ nấm, thậm chí cả việc sửa đồng hồ. Ở cái vùng đất cằn cỗi, “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, mỗi năm phải đối phó với hơn mười cơn bão lớn, hứng chịu những cơn gió Lào oi bức… việc kiếm đủ cơm cho 5 miệng ăn, quả là chuyện cực kỳ vất vả. Ấy là chưa nói tới quần áo, thuốc men, sách vở, học phí …
Chân dung Phan Quốc Ân do họa sĩ cựu chiến binh Trần Quân Ngọc ký họa năm 2004. |
Khi nhận được thư mời thăm TP.HCM để giao lưu với bà con thành phố và các đồng đội cũ nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (tháng 5/2004), anh chị rất cảm động, sung sướng. Gia đình bàn tính mãi: Bán thứ gì để có tiền sắm cho anh một bộ đồ tươm tất khi xuất hiện trước mặt bà con và đồng đội cũ, nhưng rồi chẳng tìm được thứ gì trong nhà có giá. Và cứ thế, với bộ quân phục đã bạc màu với nhiều mụn vá, Phan Quốc Ân đã lên xe lửa “Thống Nhất” vào TP.HCM, lòng bồi hồi xúc động.
Chúng tôi, những bạn bè thiếu sinh quân quen biết anh từ thuở nhỏ, những đồng đội từng có những năm tháng chiến đấu bên anh, đã đón anh ở ga xe lửa Hòa Hưng. Khi bà con đã xuống tàu gần hết, mới thấy một thương binh đầu bạc trắng, vai đeo ba lô, hai tay chống nạng, bước xuống sân ga. Chúng tôi chạy lại, vây quanh anh rồi ôm chầm lấy người đồng đội thân thiết. Cách đây 50 năm, Quốc Ân là một thiếu niên cao ráo, trắng trẻo, đôi mắt to đen láy. Hôm nay, đứng trước mặt chúng tôi là một lão nông, tóc đã bạc phơ, da xạm đen và răng đã rụng vài cái!
Anh tìm đến nhà người đại đội trưởng thân thiết của anh trong những ngày chiến đấu ở Điện Biên Phủ. Đồng chí Đỗ Quang Hưng xúc động ôm chầm người chiến sĩ năm xưa của đơn vị mình. Thấy chiếc áo trên mình Quốc Ân đã quá cũ, Trung tướng Đỗ Quang Hưng đã tặng anh hai bộ quân phục mới! Chẳng ai bảo ai, nhưng chúng tôi, những bạn đồng đội cũ của anh đều tặng Quốc Ân và gia đình những phần quà thiết thực. Xúc động trước tình cảm thân thương của bạn bè, đồng chí Quốc Ân nói: “Không phải ai tặng quà, cho tiền mình cũng đều nhận đâu, nhưng đối với các bạn, những đồng đội thân thiết của mình thì mình chẳng từ chối ai. Dù là một bộ quần áo trẻ con đã cũ, một chiếc bút chì, một quyển vở… đều có ích cho bọn trẻ ở làng quê nghèo khó”.
Những ngày ở thăm thành phố mang tên Bác, chương trình của Quốc Ân đặc kín với những buổi giao lưu với bà con, cô bác, những cuộc viếng thăm đồng đội, bạn bè. Chúng tôi thay nhau dùng xe máy, thuê taxi, đưa anh tới mọi nơi. Anh kể cho bà con nghe về những chiến công của chiến sĩ, dân công hỏa tuyến, nói về đồng đội sinh hoạt trong những ngày chiến dịch, về phong cảnh và phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc. Một lần, có cháu thanh niên hỏi Phan Quốc Ân: “Cháu đọc báo, thấy người ta gọi bác là “dũng sĩ cởi truồng đánh giặc”. Vì sao bác lại cởi truồng như vậy?’’.Quốc Ân cười rất tươi, trả lời: “Lúc đó ở lòng chảo Điện Biên có hai sân bay: Sân bay Mường Thanh ở phân khu trung tâm, sân bay Hồng Cúm ở phân khu Nam. Quân đội Pháp tiếp tế vũ khí, lương thực qua hai sân bay này. Đó là những cái cổ họng vô cùng quan trọng của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Nhiệm vụ của đơn vị chúng tôi là uy hiếp, tiến tới tiêu diệt các vị trí quan trọng này.
Đại đội tôi được giao nhiệm vụ đánh vào sân bay Mường Thanh. Chúng tôi siết chặt vòng vây bằng cách suốt ngày đêm đào hào, bao quanh sân bay. Chúng tôi đào hào dưới làn đạn các loại của địch; dưới nắng trưa như đổ lửa và dưới cả những trận mưa rào của Tây Bắc. Đại đội của tôi bị thương vong nặng nề. Đúng như câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Máu trộn bùn non”. Mỗi tấc chiến hào đều có xương máu của đồng đội chúng tôi.
Phan Quốc Ân (áo sáng, giữa, hàng đứng) và Trần Quân Ngọc (người ngồi ngoài cùng, bên phải) cùng đồng đội Thiếu sinh quân trong một lần họp mặt. Ảnh do tác giả cung cấp. |
Mặc dù vậy có những chỗ chiến hào của chúng tôi đã cắt qua đường băng. Địch phản công dữ dội. Từ các cao điểm 206 và 208 nằm cách sân bay không xa, chúng xối xả bắn chặn đường tiến của quân ta. Một lần, khi tấn công vào sân bay, tổ ba người của tôi được giao nhiệm vụ dẫn đầu đại đội. Khi chúng tôi vọt lên phía trước thì hỏa lực địch đã kịp bắn chặn bộ phận phía sau và đẩy lùi được bộ phận này. Thế là tổ chúng tôi bị cắt đứt với lực lượng phía sau.
Suốt ba ngày đêm bị chúng bao vây, chúng tôi đánh trả quyết liệt. Anh em nghe tiếng súng, biết là chúng tôi vẫn còn sống, nhưng không tiếp cận được với chúng tôi. Hết đạn thì ban đêm chúng tôi mò sang trận địa địch, lấy súng và đạn của chúng, đánh lại chúng. Đói thì mò tìm các đồ hộp mà dù của địch thả vương vãi khắp nơi. Ăn no nê, thừa mứa. Chỉ khổ một nỗi là không có nước, khát vô cùng. Ba anh em chúng tôi phải gom nước ruộng để uống. Thế là cả ba đứa đều bị ỉa chảy. Tôi bị nặng nhất.
Lúc đầu còn mặc quần, sau quần cũng bẩn quá, không dám mặc nữa. Cứ cởi truồng đứng dưới chiến hào bắn trả lại địch. Sang ngày thứ tư thì đại quân ta tiếp cận được với chúng tôi. Khi quân ta ào ào lao lên phía trước, hô xung phong vang trời, thì tổ chúng tôi cũng bật dậy, lao lên phía trước cùng mọi người, không kịp mặc cả chiếc quần cứng như mo cau để ở cạnh mình. Mãi sau, khi trận đánh đã kết thúc, anh em trong đơn vị mới phát hiện ra là tôi chưa kịp mặc quần! Cũng may là cả đơn vị đều là con trai cả, nếu không thì xấu hổ biết chừng nào!...
Bây giờ thì Phan Quốc Ân, đồng đội của chúng tôi, niềm tự hào của thiếu sinh quân chúng tôi, đã trở thành người thiên cổ! 5 năm trước, anh đã đột ngột ra đi sau một trận ốm không nặng lắm. Trước đó vài tuần, anh còn báo tin cho chúng tôi qua điện thoại: Anh vừa phát hiện ra một vụ tham nhũng của mấy quan chức địa phương và anh cương quyết đưa vụ này ra ánh sáng. Anh bảo: "Phải đánh trận này ngoan cường như ở Điện Biên mới giành được phần thắng". Cho tới lúc chết, Phan Quốc Ân vẫn giữ được ngọn lửa Điện Biên trong trái tim mình.