Trận động đất xảy ra vào khoảng 17h02 ngày 28/9 (giờ địa phương). Chỉ số địa chấn đạt gần 7,7 độ Richter, theo Jakarta Post.
Trong khi đó, Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) cho biết sức mạnh vụ động đất khoảng 7,5 độ.
Cơ quan Thiên văn, Khí tượng và Địa chất (BMKG) của Indonesia đã phát báo động sóng thần tại các tỉnh miền Trung và Tây đảo Sulawesi, yêu cầu người dân sơ tán đến những vùng đất cao.
Trước đó khoảng 3 tiếng, đảo Sulawesi cũng hứng chịu một trận động đất mạnh 6 độ khiến ít nhất 1 người thiệt mạng và 10 người khác bị thương. Cơ quan Giảm nhẹ Thảm họa Quốc gia (BNPB) của Indonesia cho biết tâm chấn ở độ sâu 10 km, nằm cách vùng Donggala khoảng 2 km về phía bắc.
"Người dân tại các khu vực ven biển xin hãy lập tức sơ tán tránh xa bờ biển", người phát ngôn BNPB Sutopo Purwo phát biểu trên sóng truyền hình quốc gia.
Tâm chấn vụ động đất ngày 28/9 nằm ở phía nam đảo Sulawesi, đảo lớn thứ 11 trên thế giới. Ảnh: USGS. |
Đảo Sulawesi là đảo có diện tích lớn thứ 4 của "xứ sở vạn đảo", xếp sau 3 hòn đảo lớn lần lượt là Java, Borneo và Sumatra.
Vụ động đất đầu tiên trong ngày 28/9 kéo dài khoảng 10 giây. Các đợt dư chấn mạnh từ 3,5 đến 5 độ. Người dân ở các vùng Donggala, Palu và Poso đều cảm thấy rõ chấn động.
Ông Sutopo Purwo cho biết vụ động đất ảnh hưởng đến một khu vực rộng gần 2 km tại phía bắc vùng Donggala. “Cơ quan chức năng đang cho sơ tán người dân và tiến hành các biện pháp phản ứng khẩn cấp, thu thập thêm dữ liệu”, Sutopo cho biết.
Indonesia nằm trong khu vực Vành đai lửa Thái Bình Dương trải rộng 40.000 km từ Nhật Bản, Indonesia đến California, Mỹ. Hầu hết động đất trên thế giới đều xảy ra trong khu vực lòng chảo này do hoạt động mạnh mẽ của địa chất và núi lửa. Năm 2004, sóng thần đã khiến 226.000 người thiệt mạng, trong đó hơn một nửa là người Indonesia. Ảnh: Getty.
Cuối tháng 7 và đầu tháng 8, Indonesia xảy ra liên tiếp 3 vụ động đất với tâm chấn đều nằm gần đảo Lombok khiến hơn 500 người thiệt mạng và gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Một số ngôi làng gần như bị phá hủy hoàn toàn.