Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đóng cửa Tràng Tiền chờ Johnathan Hạnh Nguyễn tung chiêu mới

Khoác lên Tràng Tiền một chiếc áo quá sang trọng và lộng lẫy, nhưng sau khi lột xác, Tràng Tiền lại tiếp tục phải đóng cửa để tái cơ cấu chỉ sau gần hai năm đi vào hoạt động.

 

Trước khi đóng cửa để tái cơ cấu, hàng loạt các gian hàng của Tràng Tiền Plaza đã đồng loạt trưng biển "sale off" lên tới 50% – 70%. Không chỉ giảm giá "cực sốc", các thương hiệu nổi tiếng như Nike, Mango, Gap, Bonia, Versace, Lego, Tonny… còn đưa ra hàng loạt chiêu thức để câu khách như khuyến mãi, mua hàng tặng quà, mua nhiều giảm giá nhiều… song tình trạng ế ẩm, vắng khách vẫn không thay đổi.

Sale off tới 50% trước khi đóng cửa cũng không giúp Tràng Tiền Plaza có nhiều khách hơn

Cung điện "lạc lõng"

Ông chủ của Tràng Tiền Plaza, Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP), cho biết chương trình giảm giá nhằm xả hàng tồn kho Xuân Hè, để chuẩn bị cho chu kỳ kinh doanh mới. Vị đại gia hàng hiệu này cũng khẳng định, cho dù kinh tế khó khăn, song đến thời điểm đóng cửa để tái cơ cấu, Tràng Tiền Plaza vẫn "sống khoẻ" với doanh thu khá ổn định và lượng khách mua sắm ở mức cao.
Tuy nhiên, một chuyên gia tư vấn về phát triển thương hiệu và phân phối, nói rằng đóng cửa tái cơ cấu chỉ là "cái cớ" của ông chủ Tràng Tiền Plaza. Bởi nhìn vào thực tế kinh doanh của Tràng Tiền Plaza, cùng với hàng loạt các trung tâm thương mại khác, đặt trong bối cảnh tiêu dùng suy giảm thời gian vừa qua, khó có thể khẳng định rằng Tràng Tiền Plaza vẫn sống khoẻ.

"Việc sống khoẻ của trung tâm thương mại này có chăng cũng chỉ trong một thời gian ngắn, khi các thương hiệu vẫn đang ký hợp đồng thuê gian hàng với Tràng Tiền Plaza. Còn với tình hình kinh tế, tiêu dùng như hiện nay, và với những chiến lược kinh doanh mà ông chủ của Tràng Tiền Plaza đã đưa ra, rất khó để có thể nói rằng trung tâm thương mại này sẽ tiếp tục sống khoẻ nếu như không có một sự thay đổi về chiến lược", vị chuyên gia nói.

Thương vụ 'buộc phải lãi' của Johnathan Hạnh Nguyễn

Đồn đoán về sự ế ẩm của Tràng Tiền khiến các ông chủ lỗ nặng có vẻ không chính xác khi mà công ty sở hữu trung tâm thương mại này vẫn được IPP trả mức lợi nhuận tối thiểu rất cao.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cũng cho rằng việc IPP đã định vị cho Tràng Tiền Plaza trở thành một trung tâm thương mại hạng sang, cao cấp nhất, gắn với những thương hiệu nổi tiếng của thế giới là không phù hợp với đặc thù văn hoá, lịch sử của Tràng Tiền, cũng như với thị hiếu tiêu dùng của người dân Thủ đô.

Bởi từ hàng trăm năm nay, Tràng Tiền đã được biết đến là một "bách hoá tổng hợp cũ", không chỉ là địa chỉ giao thương của mọi tầng lớp người Hà thành, mà còn là nơi giao lưu văn hoá. Do vậy, khi IPP khoác lên Tràng Tiền một cái áo quá lộng lẫy, sang trọng, địa chỉ giao thương này đã "đóng" với phần đông người tiêu dùng. Thực tế cho thấy, kể từ khi IPP rót tới 400 tỷ đồng để cải tạo lại Tràng Tiền, nơi đây được ví như một cung điện, song lại trở nên quá "lạc lõng" với người dân. Cũng bởi, bên trong cung điện ấy đều là những món hàng hiệu đắt tiền, chỉ phục vụ cho "nhà giàu" nên người dân không dám bước vào, hoặc nếu có cũng chỉ để… ngắm cho vui.

Sai lầm định vị thương hiệu

"Tại sao một địa điểm vốn có lịch sử truyền thống lâu đời phục vụ nhân dân, cung cấp các mặt hàng nhu yếu phẩm, hàng tiêu dùng mà giờ đây lại không ai dám bước vào và chỉ để đi phục vụ cho người giàu? Vấn đề ở đây không chỉ là câu chuyện quy hoạch, mà còn là sự bất hợp lý trong chiến lược kinh doanh, khi đơn vị quản lý không chú ý đến những yếu tố văn hoá, lịch sử. Bởi vậy, cho dù Tràng Tiền có nằm ở một vị trí đắc địa, nhưng nếu không khai thác hợp lý, phù hợp với thị hiếu và nhu cầu tiêu dùng, không chú ý đến yếu tố văn hoá, sẽ rất khó để thành công", ông Phú nói.

Chưa kể, theo vị chuyên gia thương hiệu trên, khi "biến hoá" ngôi nhà cổ thành một cung điện, ông chủ của Tràng Tiền lại không "biết cách" để truyền thông và định vị thương hiệu cho Tràng Tiền Plaza mới. Hầu hết các hoạt động truyền thông đều chỉ tập trung ở việc các nhãn hàng tự làm marketing hoặc quảng cáo, trong khi các hoạt động truyền thông, quảng bá cho cả trung tâm lại không được IPP đầu tư bài bản và kỹ lưỡng.

Do vậy, trong khi khách nước ngoài đến Việt Nam vẫn nghĩ Tràng Tiền là một bách hoá cũ, mà không nghĩ rằng nơi đây đã trở thành địa chỉ phân phối hàng hiệu thế giới, còn đa phần người tiêu dùng Hà thành lại nghĩ cung điện Tràng Tiền Plaza quá xa lạ. Thêm vào đó, cùng với những tác động của suy thoái tiêu dùng, sự cạnh tranh của các trung tâm thương mại và các kênh bán lẻ hiện đại khác, cũng khiến cho Tràng Tiền Plaza càng hẹp cửa hơn. 

Ông chủ của Tràng Tiền Plaza cho biết, việc thay đổi quy mô các gian hàng cũng sẽ gắn với việc mở rộng phân khúc kinh doanh để phù hợp với xu hướng tiêu dùng của Hà Nội. Theo các chuyên gia, đây là hướng đi đúng của IPP. Song để trung tâm thương mại này thực sự "sống khoẻ", chắc hẳn còn phải chờ thời gian xem IPP sẽ tái cơ cấu thế nào với Tràng Tiền Plaza. Cũng bởi, không phải cứ tiếp tục "nâng cấp" theo hướng hiện đại hơn, sang trọng hơn như ông Hạnh Nguyễn nói, mà vẫn không phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Hà thành, sẽ rất khó để Tràng Tiền Plaza "đổi vận".

Một bài học kinh doanh nữa cũng có thể nhận thấy rằng, không phải IPP đã thành công với mô hình bán lẻ hàng hiệu tại TP.HCM là có thể thắng lớn tại Hà Nội. Bởi hai thị trường này hoàn toàn khác nhau về tâm lý tiêu dùng, xu hướng và mức độ chi tiêu cho hàng hiệu, nên nếu không có những chiến lược riêng cho thị trường Hà Nội, IPP sẽ rất khó để thành công trên đất Bắc.

Nhóm công ty Johnathan Hạnh Nguyễn sẽ thành cổ đông Sasco

Ba công ty liên quan đến ông Johnathan Hạnh Nguyễn dự kiến mua hơn 31 triệu cổ phần, tương đương 23,6% vốn điều lệ của Sasco - doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sân bay.

http://thoibaokinhdoanh.vn/ipp-dong-cua-tai-co-cau-trang-tien-cho-chieu-moi-cua-ong-trum-hanh-nguyen.html

Cẩm An / Thời báo kinh doanh

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm