Trước ngày ông Trump tuyên thệ nhậm chức, Washington chấn động bởi một hồ sơ tình báo được thu thập từ các điệp viên ở Nga. Hồ sơ này chứa nhiều cáo buộc gây tranh cãi, từ chuyện về liên lạc giữa đội ngũ của Trump với điện Kremlin cho đến những chi tiết tình ái tục tĩu của Trump.
Về tổng thể, các cáo buộc này chưa có đủ hết các căn cứ. Nhưng cộng đồng tình báo Mỹ đánh giá vụ việc là nghiêm trọng nên đã gửi tóm tắt thành báo cáo 2 trang để gửi cả ông Obama và ông Trump trong tuần trước.
Nguồn gốc hồ sơ Nga
Khởi nguồn của tài liệu này là Fusion GPS, một công ty nghiên cứu có trụ sở tại Washington và được điều hành bởi nhiều cựu nhà báo giỏi trong việc moi móc bí mật của các chính trị gia. Công ty tham gia vào dự án này từ tháng 9/2015 và được thuê bởi nhóm đối thủ bên phe Cộng hoà của Trump nhằm nghiên cứu các thương vụ của ông.
Theo BBC, một nhóm ủng hộ bên ngoài của ứng viên tổng thống Jeb Bush là khách hàng đầu tiên của công ty, sau đó là một nhà tài trợ giấu tên của phe Dân chủ.
Trong cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi đắc cử tổng thống, lần đầu tiên ông Trump thừa nhận Nga có thể đã can thiệp vào bầu cử Mỹ. Ảnh: AP. |
Fusion GPS ký hợp đồng với cựu sĩ quan phản gián người Anh, nhân vật có nhiều nguồn tin ở Nga để có thể “đào xới” thông tin về Trump. Các thông tin thu thập qua người này được tập hợp thành hồ sơ Nga.
Hồ sơ Nga lần lượt được chuyển đến Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI, cơ quan tình báo Anh và nhóm nhà báo ở Washington nhưng các nhóm này không tìm được đủ bằng chứng để khẳng định các cáo buộc trong hồ sơ.
Hồ sơ này cũng được gửi tới Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain, nhân vật thường chỉ trích Trump, và Giám đốc FBI James Comey.
Các quan chức tình báo Mỹ cho rằng những cáo buộc trong hồ sơ, dù chưa xác minh đầy đủ hết, là quá nghiêm trọng nên cả ông Trump và Obama cần được báo cáo.
Do đó, họ ghép bản tóm tắt hồ sơ nói trên vào báo cáo nộp cho tổng thống Obama và người kế nhiệm cuối tuần trước.
Trump gọi đó là tin giả, có dễ bác hồ sơ Nga như vậy?
Trong cuộc họp báo diễn ra hôm 11/1 tại tháp Trump, tổng thống đắc cử tuyên bố hồ sơ này là “giả mạo”, “nhảm nhí” và là việc của “những người có vấn đề” trong số các đối thủ chính trị của ông.
Ông Trump và "phó tướng" Mike Pence trong cuộc họp báo hôm 11/1. Ảnh: Reuters. |
Hiện chưa ai khẳng định hết tính trung thực của hồ sơ này nhưng cũng chưa thể bác bỏ nhanh chóng như quan điểm của ông Trump.
Christopher Steele, người thực hiện hồ sơ trên, là cựu điệp viên MI6 (cơ quan tình báo của Anh) và được đánh giá cao trong giới tình báo Anh và Mỹ. Steele từng phụ trách bộ phận về Nga của MI6 và, theo Guardian, quan chức Mỹ đánh giá ông là người đáng tin cậy, tỉ mỉ và có mối quan hệ rộng rãi với các nguồn tin từ Nga.
Hồ sơ có ảnh hưởng đến Trump sau khi ông lên làm tổng thống?
Những chi tiết gây sốc nhất trong hồ sơ là cáo buộc về hoạt động tình dục khi ông Trump ở khách sạn tại Moscow, do điệp viên Nga thu thập bằng cách ghi âm và quay video.
Cáo buộc này bị bác bỏ vì các đoạn băng nói trên chưa được công khai (nếu có). Hồ sơ còn đưa ra các cáo buộc cho rằng các thành viên trong đội ngũ của Trump có trao đổi với các quan chức Nga trong quá trình bầu cử Mỹ.
Các báo cáo độc lập gần đây cho thấy các cơ quan tình báo Mỹ đã sẵn sàng điều tra mối liên hệ này. Họ đã tiến hành điều tra mối quan hệ giữa doanh nhân Carter Page và các quan chức cấp cao của Nga.
Trong tuần này, Sean Spicer, người phát ngôn của ông Trump, cho biết tổng thống đắc cử không biết Page, mặc dù vào tháng 3 năm ngoái, ông Trump từng nói Page là thành viên trong đội ngũ chính sách đối ngoại của ông.
Ảnh hưởng đến ông Trump ra sao?
Mức độ ảnh hưởng của hồ sơ Nga đối với tổng thống Mỹ tương lai phụ thuộc vào việc tham vọng xác minh những cáo buộc này lớn đến đâu.
Hồ sơ Nga được đưa ra trước khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1. Ảnh: Reuters. |
Quốc hội có quyền triệu tập các nhân chứng có khả năng phát hiện những bí mật mà những người khác không thể ngờ tới. John McCain và Lindsey Graham, hai thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa vốn quan ngại về ông Trump, hiện thúc đẩy cuộc điều tra về các vụ tấn công của Nga.
Họ muốn việc điều tra được tiến hành như uỷ ban đặc biệt thời Watergate, vụ bê bối chính trị nổi tiếng khiến Tổng thống Richard Nixon phải từ chức năm 1974.
Cho đến nay, lãnh đạo đảng Cộng hòa, những người nắm quyền kiểm soát cả lưỡng viện, tỏ ý không quá mặn mà vụ này. Chính vì vậy, việc điều tra dành lại cho các cơ quan tình báo.
Điều nguy hại cho ông Trump trong trường hợp này là sự chia rẽ giữa ông với phe tình báo, ví dụ như cáo buộc họ hành xử như thời phát xít, điều khó mà khiến Trump có được sự trung thành của nhóm này.
Trong trường hợp xấu nhất, liệu tổng thống có bị luận tội?
Hiện khả năng ông Trump bị luận tội vẫn còn để ngỏ vì thông tin trong hồ sơ chưa được xác thực. Liệu đội ngũ của Trump có thực sự liên lạc với điện Kremlin nhằm bóp méo thông tin về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua – hành vi nằm trong diện bị luận tội?
Hiện chưa có tổng thống Mỹ buộc phải từ chức vì bị luận tội (ông Richard Nixon từ nhiệm trước khi Mỹ tiến hành biểu quyết, Andrew Johnson và Bill Clinton được Thượng viện tha bổng). Việc luận tội phải được Hạ viện chuẩn bị và chấp thuận, sau đó phải đạt được 2/3 số phiếu thuận từ Thượng viện.