Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Đơn vị nào cũng xuất sắc, sao chỉ số cạnh tranh của TP.HCM tụt hạng?'

Chỉ số PCI và PAPI của TP.HCM tiếp tục tụt hạng trong năm 2020 khiến Chủ tịch Nguyễn Thành Phong trăn trở về cách thức vận hành của thành phố.

"Hôm nay, đọc bình luận trên một số trang, họ nói tại sao TP.HCM và Hà Nội vẫn loay hoay ở chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đứng về phía mình, mình phải nghĩ sao kỳ vậy?", Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong bày tỏ trăn trở trong phát biểu tại hội nghị duyệt nhiệm vụ năm 2021 của Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM chiều 19/4.

Người đứng đầu UBND TP.HCM cho rằng việc các chỉ số đánh giá ở mức thấp là vấn đề thành phố phải suy nghĩ. Tại sao Quảng Ninh 4 năm liên tiếp giữ vị trí quán quân toàn quốc về chỉ số PCI mà TP.HCM lại tụt hạng?

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trăn trở về các chỉ số đánh giá của TP.HCM. Ảnh: Thu Hằng.

Đối với chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), TP.HCM cũng tụt hạng, từ vị trí 31/63 (năm 2019) xuống 46/63 (năm 2020). Chỉ sau một năm, TP.HCM giảm 15 bậc, nằm trong nhóm 15 địa phương có chỉ số PAPI trung bình thấp.

"Vừa rồi báo cáo với tôi, đơn vị nào cũng xuất sắc. Xuất sắc thì tại sao lại tụt hạng?", Chủ tịch Phong đặt câu hỏi và yêu cầu các đơn vị đánh giá lại. Ông cảnh báo nếu không đánh giá chính xác sẽ dẫn đến chủ quan.

Chủ tịch TP.HCM cho rằng vấn đề thực tế đặt ra là thành phố phải cải thiện môi trường đầu tư. Ông Phong lấy ví dụ ở quận 7, có dự án bệnh viện chuyển từ chuyên khoa sang đa khoa mà kéo dài 2 năm không được trả lời. Ngoài ra, còn nhiều đề án, dự án khiến người dân, doanh nghiệp bức xúc vì kéo dài quá lâu đang nằm trên bàn làm việc của Chủ tịch TP.

Bên cạnh 3 chương trình đột phá của TP.HCM về đổi mới quản lý, nhân lực và hạ tầng, ông Phong yêu cầu Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM và các sở, ngành cần tập trung thực hiện chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực.

Ông cho biết vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM báo cáo tình hình nguồn vốn rất khó khăn, khó thực hiện mục tiêu đã đề ra. Do đó, thành phố phải bứt phá bằng cách tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài và nguồn lực trong người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ thực hiện hóa mục tiêu trở thành trung tâm tài chính của khu vực.

vi sao chi so canh tranh cua TP.HCM tut hang anh 1

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong duyệt kế hoạch năm của Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM. Ảnh: Thu Hằng.

Về vấn đề quản trị thành phố trong tương lai, sau 5 năm lãnh đạo TP.HCM, ông Phong tự đánh giá TP.HCM còn "chậm nhịp so với yêu cầu phát triển" và yêu cầu các đơn vị nghiên cứu việc này. Lãnh đạo TP cho biết sắp tới sẽ hình thành Hội đồng tư vấn phát triển TP.HCM, bao gồm các nhà hoạt động trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, quy hoạch, đô thị...

Tại hội nghị, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM kiến nghị UBND TP.HCM cho phép viện có cơ chế đặc thù về quản lý đề tài nghiên cứu khoa học. Theo đó, để chủ động triển khai nhiệm vụ do UBND TP.HCM giao đột xuất, viện đề xuất không áp dụng quy định mỗi chủ nhiệm chỉ được đồng thời thực hiện một nhiệm vụ bằng nguồn kinh phí của thành phố.

Theo báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2020 (PCI 2020), Quảng Ninh dẫn đầu cả nước năm thứ 4 liên tiếp với 75,09 điểm. TP.HCM đứng thứ 14 với 65,7 điểm, giữ nguyên thứ hạng so với năm 2019 nhưng giảm 4 hạng so với năm 2018 (hạng 10). Bốn địa phương có chất lượng điều hành kinh tế cao nhất cả nước là Quảng Ninh, Đồng Tháp, Long An và Bình Dương.

Còn theo kết quả chỉ số PAPI năm 2020, Quảng Ninh cũng dẫn đầu với 48,81 điểm. Sau đó là Đồng Tháp, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hà Tĩnh. TP.HCM thuộc nhóm trung bình thấp, đứng thứ 46/63 với 41,985 điểm, tụt 15 hạng so với năm 2019.

Vì sao TP.HCM đổi tên đề án chuyển huyện thành quận?

Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho hay việc thêm vế đầu tư - xây dựng vào tên đề án nhằm nhấn mạnh vai trò của chính quyền, người dân, doanh nghiệp vào quá trình chuyển huyện thành quận.

Thu Hằng

Bạn có thể quan tâm