Gần một tuần sau khi phải sống chung với nước lũ ngập, người dân ở một số xã thuộc huyện Chương Mỹ (Hà Nội) tất bật dọn dẹp nhà cửa, mong sớm trở lại với cuộc sống bình yên.
Bắt đầu từ sáng ngày 17/10, nước chỉ còn ngập ở lối đi, tiểu thương chợ Hữu Văn (Chương Mỹ) hì hục lau chùi, dọn rửa khu chợ.
Cách đây 3 ngày, mực nước dâng cao hơn 1 m, lấm lem bùn đất vào cả ổ điện.
“Từ sáng đến giờ chồng tôi múc nước xung quanh chợ mang đến gian hàng của nhà để dội rửa, còn tôi thì cào bùn đất”, chị Hà Thị Ngà kể.
Nước đọng trong chợ bốc mùi hôi thối và đặc sệt bùn đất nhưng các tiểu thương vẫn phải lấy nước đó để rửa vì không còn nguồn nào khác.
Nhiều người không sử dụng ủng mà đi dép nhựa lội bùn làm việc.
“Mấy hôm nay tôi có buôn bán được gì đâu, mang hàng lên trên đường cũng không có chỗ bán lại bị bụi bặm, chỉ mong nước rút nhanh để còn có chỗ kiếm sống thôi”, chị Nguyễn Thị Huệ thở dài.
Đồ đạc được xếp chồng chất ở cổng chợ, còn tiểu thương vẫn miệt mài công việc làm sạch.
Tại xã Hoàng Văn Thụ, nước gần như đã rút hết, cư dân có thể đi lại dễ dàng mà không cần thuê xe kéo qua dòng nước. Nhiều người tận dụng nước đọng để gột rửa nhà cửa.
Gần một tuần nay, anh Hà Văn Sếu cùng vợ con phải sống nhờ nhà hàng xóm. “Nước rút gần cạn, cả nhà mừng quá, xắn tay vào dọn dẹp từ sáng đến giờ, mong là ngày mai sẽ được dọn về nhà ở. Gì chứ nhà mình vẫn là nhất”, anh Sếu chia sẻ.
Nước còn đọng lại một chút ở sân, gia đình anh Nguyễn Văn Ban (xã Tân Tiến) chưa dám về nhà ở vì xung quanh có rất nhiều rắn, bò cả vào nhà. “Có nhà mà như không, tôi tranh thủ nước rút đến đâu thì quét đến đấy, chắc phải đợi nước rút hẳn thì mới không lo có rắn’, anh Bân vừa cầm chổi khua khoắng tìm rắn vừa nói.
Chị Hiền cũng múc nước ở sông cạnh nhà để rửa cánh cửa: “Nước rút đến đâu lộ ra bùn đất đến đấy, không rửa nhanh lúc nó khô khó rửa hơn”.
Mấy ngày trước nước vào ngập mấp mé giường nhà chị Hiền. Nay nước rút, chị cũng thở phào được phần nào.
Không được may mắn như nơi khác, hiện xã Nam Phương Tiến, một phần xã Tân Tiến vẫn còn chìm trong biển nước. Người dân vẫn phải sử dụng thuyền để đi lại gần một tuần qua.
Lương thực, nước uống được nhận cứu trợ đều mỗi ngày. Hầu hết hộ dân phải mua thuyền làm phương tiện đi lại, mỗi chiếc có giá từ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Trước đó vào chiều 16/10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đi thị sát địa bàn này và yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vận hành máy bơm hết công suất, sớm giải cứu người dân 8 thôn còn bị nước cô lập. Với năng lực các máy bơm hiện tại, ước tính khoảng 10 ngày nữa nước mới được rút hết.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung yêu cầu chú trọng, tập trung đảm bảo sức khỏe cho người dân vùng lũ. Khi nước rút đến đâu phải vệ sinh môi trường, phun thuốc phòng dịch bệnh đến đấy.
Nhiều tiểu thương chợ Vinh (Nghệ An) chịu cảnh trắng tay, thiệt hại nặng nề sau trận lũ lịch sử vừa qua. Họ cho rằng nguyên nhân là do ban quản lý chợ không thông báo kịp thời.
5 ngày sau sự cố sạt lở đê, trụ sở UBND, trạm xá, trường học các xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến (Chương Mỹ, Hà Nội) vẫn ngập sâu. Người dân phải sơ tán, học sinh nghỉ học.