Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đội xé vé bặm trợn và chiêu 'cầm giùm' tại bến xe miền Đông

Khoác trên mình đồng phục màu xanh công nhân, đeo bảng tên, họ tự nhận mình là đội xé vé xe và ngang nhiên giằng vé của khách để xé, sau đó ép buộc phải mua nước với giá "cắt cổ".

Đội xé vé tự xưng

Tại cửa A1, hai bên đậu xe khách về các tỉnh Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, số lượng nhân viên mặc đồng phục áo xanh công nhân đứng ngồi, đi lại nhan nhản. Ở đây, có đủ các loại bán buôn, từ bán nước, bánh mì, kẹo cao su, sách báo… bát nháo không khác nào chợ trời. Chúng tôi mua vé xe về Gia Nghĩa (Đắk Nông) và được nhân viên bán vé hướng dẫn đi theo cửa A1 để lên xe.

Chúng tôi đang ngơ ngác tìm số hiệu xe, thì ba "áo xanh" từ đâu nhào tới, tự nhận mình là đội xé vé ở đây, rồi chị ta giằng lấy vé xe của chúng tôi, xé roạt một cái. Xong, một chị khác kéo ba lô từ tay của tôi nói là xách giùm, một chị ép sát bên hông đưa hai lon nước yến bảo là cầm giúp. Mặc dù xe ở ngay trước mặt nhưng ba "áo xanh" cố tình dẫn chúng tôi đi lòng vòng, quanh quẩn rồi mới ngược lại chỗ ban đầu. Đến cửa xe, một chị đưa lại ba lô cho tôi, một đưa cuống vé để tôi lên xe và một ngửa tay nói: "Cho xin ba đồng tiền nước đi cưng".

Chúng tôi nói mình không mua nước, chỉ xách giùm chị thôi. Vừa nghe thế, chị ta trợn mắt lên dằn mặt: "Này, ở đây không có chuyện xách giùm nha. Đã cầm là phải lấy". Khác với những lời đường mật lúc nãy, bây giờ, cả ba hùng hổ, bạnh miệng lên yêu cầu chúng tôi phải trả tiền mua nước. Một chị lớn giọng: "Người ta xé vé cho, đưa tới tận xe không lấy công giờ muốn gì nữa". Ba đồng tôi tưởng là ba ngàn nên đưa tờ 5 ngàn, thì một ả áo xanh trợn mặt: "Ba đồng lớn kia". Tôi buộc phải hiểu, ba đồng lớn là 30 ngàn tiền hai lon nước yến bị ép buộc phải mua. Điều đáng nói là, các nhà xe đều mắt thấy tai nghe nhưng chỉ im lặng, không hề lên tiếng bênh vực hành khách của mình.

Tại khu vực cửa A1 Bến xe miền Đông có khoảng hai chục nhân viên nữ, mặc đồng phục, đeo bảng tên hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhưng chủ yếu là mồi chài, lôi kéo và ép buộc khách phải mua nước sau khi đã tự tiện xé vé xe. Một bộ phận khác như bán vé số, bán bánh mì có vẻ làm ăn chân chính, vì họ không có biểu hiện mồi chài, cướp vé xe của hành khách. Chị Nguyễn Thị Hoa (quê Phú Yên), bán vé số ở đây cho biết: "Ai bán gì thì phải đăng ký với chủ bến, và được cấp thẻ đeo đàng hoàng. Như tôi bán vé số thì có thẻ bán vé số, có hình thẻ dán vào. Nếu bán mặt hàng khác, bảo vệ phát hiện sẽ bị phạt rất nặng, hoặc tịch thu thẻ và đuổi ra khỏi bến".

Cũng theo lời chị Hoa, để vào được đây không phải dễ. Phải nộp hồ sơ, giấy tờ đầy đủ và hàng tháng phải đóng thuế 350 ngàn cho chủ bến, tính ra mỗi ngày dù bán được nhiều hay ít cũng phải nộp hơn mười ngàn.

Lực lượng áo xanh bao vây một hành khách mua vé về Đăk Nông và ép khách phải mua nước yến sau khi đã xé vé xe.
Lực lượng áo xanh bao vây một hành khách mua vé về Đăk Nông và ép khách phải mua nước yến sau khi đã xé vé xe.

Mấy năm gần đây, một số đối tượng chui từ ngoài trà trộn vào, cũng mặc đồng phục, đeo bảng tên như ai. Đối tượng này chuyên bán nước yến, để vào túi áo từng cặp một, còn hai tay vung văng vung vẻ, hớt hơ hớt hải lùng tìm khách. Hễ thấy "con mồi" nào ngơ ngác, dáo dác đi tìm xe thì lập tức một nhóm áo xanh xông tới lôi kéo, dẫn dụ đi tìm xe nhưng thực chất là đi lòng vòng nhằm đánh lạc hướng khách, rồi tung chiêu cầm giùm cặp nước. Đơn giản là khi tìm đúng số xe, đúng ghế ngồi thì khách phải nôn tiền "cầm giùm" ra.

Tuyệt chiêu "cầm giùm"

Trong các cửa vào bến, theo tìm hiểu của chúng tôi thì cửa A1 quy tụ đông đảo nhân viên bán hàng nhất. Họ đứng tụm năm, tụm bảy hóng chờ và quan sát "con mồi" từ trong quầy bán vé đi ra. Vừa thấy chúng tôi, một bóng áo xanh đang trú nắng trước đầu xe nhào ra chặn đầu hỏi tới tấp: "Mấy cưng về đâu? Vé đâu đưa chị xé".

Đã lường trước được mánh khóe, chúng tôi nắm chặt vé xe, bảo biết rồi không cần chỉ giùm đâu. Chưa chịu bỏ cuộc, hai đồng nghiệp của chị ta từ đâu chạy lại tiếp ứng. Liên tục giằng ba lô, chặn đầu đòi xét vé xe của chúng tôi. Sau cùng, chị ta dúi hai lon nước yến vào bên hông của ba lô cô bạn đi cùng tôi. Xong, chị ta kéo giật lại đòi trả tiền.

Chúng tôi không đồng ý mua theo kiểu lén lút đó, thì một ả gân giọng vẻ tức giận: "Đồ ở trong người mà không mua hả, nước chứ không phải rác nhé". Giằng co mãi, sau chị ta dịu giọng yêu cầu lấy một lon cũng được, coi như nể tình trời nắng nôi đeo bám suốt từ nãy đến giờ. Vừa trả tiền xong, ả ta quay đi chửi thề ngay, biểu hiện của sự không hài lòng.

Án ngữ ngay đầu xe truy tìm
Án ngữ ngay đầu xe truy tìm "con mồi".

Đám "đầu gấu, ruồi nhặng" kia vừa đi khuất, một bà bán bánh bông lan tiến lại phía chúng tôi mời chào. Quá ngán ngẩm với trò bán buôn ở đây, chúng tôi phớt lờ lời mời của bà ta để khỏi mang vạ, lại kiểu ép buộc phải mua. Bà ta lên tiếng: "Tôi không xé vé đâu mà lo, tôi bán bánh thôi, đói thì mua ăn không thì thôi chứ ai ép buộc".

Bà bán bánh nói nhỏ vào tai chúng tôi, rằng đừng dại gì trả lời hay hỏi han mấy con mẹ bán nước yến đó. Nhưng mà nếu không thích thì đừng có mua, họ chỉ dọa thôi không dám đánh đâu. Hễ đánh cứ la lên, bảo vệ ở đây sẽ giải quyết. Sao có bảo vệ mà để cho bọn họ lộng hành như vậy? Bà bán bánh lắc đầu: "Không biết đâu, nhiều năm nay rồi mà".

Cả buổi sáng, khu vực xe khách chạy tuyến Sài Gòn -  Bình Phước, Đắk Nông, Bình Thuận, chúng tôi chứng kiến hàng chục hành khách bị xé vé, bị ép buộc trắng trợn phải mua nước uống. Có người phản ứng yếu ớt nhưng khi thấy các ả bu vào, gân cổ lên bằng giọng "chợ búa" thì cắn căng móc tiền ra cho khỏi phiền toái. 

Đa phần hành khách vào cửa A1 đều là nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên. Lợi dụng sự lơ ngơ, lạ lẫm ấy, nhóm nhân viên bán nước yến sẽ quây chật kín xung quanh, đố mà thoát được. Muốn giải thoát mình và lên được đúng chuyến xe chỉ cần ''nôn'' 30 ngàn, họ sẽ nhả ra ngày và nhiệt tình đưa đường dẫn lối. Số tiền tuy không lớn, nhưng hành động của nhóm nhân viên ấy gây phiền toái cho hành khách, tạo áp lực lo sợ trong môi trường bến xe.

Được biết, nhà chức trách cấp thẻ và đồng phục cho họ để họ được phép làm ăn chân chính trong bến xe, chứ không phải kiểu chèn ép, trấn lột như vậy. Hơn nữa, họ cũng không được quyền xé vé xe của hành khách. Nhưng họ vẫn lộng quyền và ngang nhiên hoạt động trong một thời gian dài. Một số nhân viên bán hàng chân chính ở đây cũng vô cùng bức xúc, nhưng không ai dấm hé răng nửa lời.

Ngoài sự trà trộn của một số người bên ngoài vào, thì với số lượng mồi chài hùng hậu như vậy, chắc chắn đã có sự chung sức, hợp lực từ một bộ phận nhân viên bán hàng bên trong. Ông Kim Văn Thanh, Trưởng phòng bảo vệ Bến xe miền Đông phân trần: "Cũng làm quyết liệt rồi, nhưng không xuể được. Bảo vệ bặm trợn họ mới sợ, chứ hiền lành là họ nhởn nhơ không sợ gì hết. Đẩy, đuổi thì họ còn chửi bới, chọi đá vì toàn những thành phần chợ búa, nên bảo vệ sợ đụng chạm".

Ông Nguyễn Ngọc Thừa - Giám đốc Bến xe miền Đông:

"Tôi có nghe và có thấy, nhưng thấy tôi xuống là họ chạy. Ngày trước có hơn 200 người nhưng giờ tôi giảm còn khoảng 80 người, tinh thần là sẽ còn giảm nữa. Thành phần trà trộn vào chèo kéo, bán nước yến chỉ còn hơn 10 người. Bến xe chủ trương cấm, nhưng họ vào theo đường xe khách, vấn đề này có sự thỏa thuận, đồng ý của nhà xe.

Chúng tôi đã từng treo thưởng cho nhà xe tích cực phát hiện các trường hợp chèo kéo, xé vé, thông báo để chúng tôi xử lý. Nhưng nhà xe sợ ra đường họ phang bể kính nên treo thưởng vậy mà từ trước giờ vẫn chưa có cơ hội thưởng ai. Bây giờ, ngoài xử phạt người bán hàng rong, chúng tôi sẽ xử phạt luôn nhà xe nào cho người lên xe bán hàng. Trong tuần này, chúng tôi sẽ huy động bảo vệ quét sạch tình trạng này. Phát hiện dẫn khách đi là chúng tôi bắt luôn, giao cho Công an xử lý. Chúng tôi cho phép bảo vệ mặc thường phục để bắt, và sẽ huy động thêm anh em tăng cường truy quét triệt để.

Bắt ba lần, lập biên bản là đuổi luôn. Nếu lực lượng bảo vệ không làm được, chúng tôi sẽ xử lý thật nghiêm. Phải kiên quyết đẩy, đuổi làm liên tục trong thời gian dài. Nếu mình không làm cho môi trường bến xe trong sạch, thì sẽ gây mất niềm tin cho hành khánh. Chúng tôi đang nghiên cứu phương án cấm bán nước ngọt trong bến xe, vì bây giờ các loại nước uống rất bát nháo, không biết đâu là thật giả. Tránh cho hành khách khỏi tiền mất tật mang". 

http://cstc.cand.com.vn/vi-VN/phongsu-ghichep/phongsu/2014/6/188270.cand

Theo Ngọc Thiện/Cảnh Sát Toàn Cầu

Bạn có thể quan tâm