Hơn một tuần nay, đều đặn từ khoảng 9h đến 13h mỗi ngày, 100 hộp cơm chay miễn phí được vợ chồng bà Nguyễn Thị My (70 tuổi) sắp ngay ngắn lên chiếc bàn trước số nhà 203 Nguyễn Văn Đậu (quận Bình Thạnh, TP.HCM) để tặng người khó khăn.
Sáng 5/10, vợ chồng bà My bất ngờ khi được các tình nguyện viên của Quận Đoàn quận Bình Thạnh xuống hỗ trợ nấu cơm.
Từ tối hôm trước, bà nhận lời đề nghị của phía Hội Chữ thập đỏ thành phố nấu 150 phần cơm cho bà con đang trên đường về miền Tây tránh dịch.
"Hôm nay có các cháu thanh niên xuống giúp, vợ chồng tôi mừng lắm. May có họ đỡ một tay nên mới kịp nấu cơm cho bà con ăn để về quê, nếu chỉ có hai vợ chồng già chúng tôi thì sợ làm không nổi", bà vui vẻ nói chuyện với phóng viên Zing trong lúc luôn tay xào nấu.
Chồng bà My năm nay đã hơn 85 tuổi, sức khỏe yếu nhưng ông vẫn cố gắng phụ giúp vợ. |
Những phần cơm chay từ tâm
Chủ hàng cơm 0 đồng là người phụ nữ 70 tuổi có dáng người nhỏ nhắn, mái tóc bạc trắng, lưng gù nhưng đi lại nhanh nhẹn và tính tình niềm nở.
Thức dậy từ 3h để cắt gọt rau củ, liên tục nấu nướng đến tận trưa nhưng bà My nói không thấy mệt.
Có thêm sự giúp sức từ đội tình nguyện, ông bà rảnh tay hơn khi có người giúp soạn từng hộp cơm. Bà luôn miệng cười vui vẻ, trò chuyện với cả nhóm như con cháu trong nhà.
Anh Nguyễn Đức Trung (Chánh văn phòng Quận Đoàn quận Bình Thạnh) chia sẻ khi biết đến hoạt động ý nghĩa của vợ chồng bà My, anh đã cùng các bạn tình nguyện viên xuống để hỗ trợ.
"Ông bà đã lớn tuổi nên chúng tôi muốn giúp đỡ thêm. Các bạn giúp cắt gọt rau củ, nấu cơm, gửi cơm cho những người khó khăn. Sau một buổi sáng, tôi và mọi người rất vui khi nhìn thấy nhiều người nhận được sự giúp đỡ. Chúng tôi sẽ tiếp tục giúp ông bà trong những ngày tiếp theo", anh nói.
Tình nguyện viên thuộc Quận Đoàn quận Bình Thạnh hỗ trợ vợ chồng ông bà nấu cơm. |
Bà My kể cách đây hơn 3 năm, bà được các con cho tiền để từ quê Cần Thơ lên TP.HCM chữa lưng. Nhưng sau khi thăm khám, bà quyết định không mổ nữa.
"Lúc đó tôi sợ mổ xong không may phải nằm im một chỗ, nên thà như bây giờ, hơi xấu một chút nhưng vẫn khỏe mạnh, cũng không đau đớn gì. Tôi đã lấy số tiền chữa bệnh đi làm từ thiện hết. Tôi không về quê mà ở lại đây mở quán bánh xèo, rồi gọi chồng lên làm bánh khọt bán chung.
Vợ chồng tôi cứ bán buôn như vậy tới bây giờ. Thời gian sau này tôi chuyển sang bán cơm chay. Từ lúc mở quán, tôi đã thường xuyên nấu cơm từ thiện tặng người ta. Tôi nghe theo lời răn của Phật, muốn giúp đời, cứu người nghèo khó hơn mình".
Bà My vui vì được nhiều người góp thêm gạo, rau củ và cả tiền để nấu cơm cho người khó khăn. |
Thời gian giãn cách xã hội, bà dành tiền nấu cơm chay tặng người nghèo. Chỉ trừ thời gian thành phố "phong tỏa cứng", không cho phép người dân đi ra đường, bà mới phải tạm nghỉ.
"Làm công việc này cũng cực lắm, ai không có tâm sẽ không kiên trì được. Cũng có những ngày mệt chứ, nhưng nghĩ tới việc người ta đến nhận cơm mà không có, thấy rất thương nên tôi luôn cố gắng làm tiếp".
Biết ông bà nấu cơm từ thiện nên suốt 4 tháng nay, chủ nhà không lấy tiền thuê. Nhờ đó, bà có thêm kinh phí để mua gạo và thực phẩm nấu cơm 0 đồng.
Nhiều năm qua, bà My buôn bán và dành tiền để nấu cơm từ thiện. |
"Dù là cơm miễn phí, mình luôn phải đặt cái tâm vào đó, nấu thật ngon chứ không được phép qua loa. Hôm trước có anh kia ăn xong quay lại khen ngon rồi cảm ơn, tôi thấy mừng lắm. Đó là động lực lớn nhất của tôi", bà kể.
Phụ giúp ông bà còn có bà Nguyễn Thị Đẹp (57 tuổi).
Bà Đẹp làm nghề dọn dẹp thuê. Trong dịch, không có việc, bà xin sang phụ giúp quán cơm. Phần lớn những việc cần nhiều sức khỏe, bà Đẹp đều phụ trách.
Ở lại để giúp đỡ mọi người
Cách đây hơn một tuần, vì con cái thúc giục, phần vì đã cạn tiền, ông bà đã dọn dẹp hết đồ đạc, chuẩn bị đến ngày thành phố gỡ phong tỏa sẽ lên xe về quê Cần Thơ.
Nhưng sắp đến ngày về, nhiều mạnh thường quân biết đến hàng cơm 0 đồng của ông bà nên đã đem thêm gạo, rau củ, nhu yếu phẩm đến góp cùng.
"Nhiều người đem đến góp lắm. Người ta mang bao nhiêu đồ đến để mong mình sẽ nấu được cho nhiều người khó khăn hơn nữa, tôi thấy mình có trách nhiệm phải ở lại để góp cái công. Trước đây mình tự bỏ của, bây giờ chỉ cần bỏ công sức ra thôi, không thể phụ lòng tin của mọi người được".
Nhiều người tới nhận cơm chay miễn phí. |
Thời gian này, ông bà nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ người xung quanh. Nhiều người tự chở mấy bao gạo đến góp, có người nhờ shipper gửi cho bà chục chai dầu ăn hay rau củ.
Hôm nay, một phụ nữ chạy xe tới gửi cho bà My 2 bịch gạo và 500.000 đồng tiền mặt. Bà không nhận tiền mà nhờ người đó mua giúp một ít gia vị như đường, bột canh, hạt nêm vì trong nhà đang thiếu.
Bữa trưa của bà My vui hơn thường lệ vì còn có các tình nguyện viên. Sau bữa ăn, bà tranh thủ nghỉ vài tiếng để buổi chiều tiếp tục chuẩn bị rau củ để nấu cho ngày mai.