3 nội dung mà các VĐV Việt Nam để tuột mất tấm HCV là 200 m tự do nam (Hoàng Quý Phước, HCB), 200 m bướm nữ (Lê Thị Mỹ Thảo, HCB), 200 m ếch (Nguyễn Thị Ánh Viên, HCB). Bù lại chúng ta giành HCV ở 3 nội dung mới là: 50 m ngửa nữ, 100 m ngửa nữ (Nguyễn Thị Ánh Viên) và 400 m hỗn hợp nam (Nguyễn Hữu Kim Sơn).
Nhìn từ SEA Games 29
"Tiểu tiên cá" Ánh Viên là niềm hy vọng lớn nhất của đội tuyển bơi Việt Nam. Ảnh: Hải An. |
Điều đáng mừng là các VĐV Việt Nam đã phá 5 kỷ lục SEA Games. Trong đó, “tiểu tiên cá” Ánh Viên thiết lập 3 kỷ lục mới ở các nội dung: 200 m tự do (1 phút 59 giây 24), 100 m ngửa (1 phút 01 giây 89), 200 m ngửa (2 phút 13 giây 64). 2 kỷ lục còn lại là của kình ngư 15 tuổi Nguyễn Hữu Kim Sơn ở nội dung 400 m hỗn hợp (4 phút 22 giây 12) và Nguyễn Huy Hoàng ở nội dung 1.500 m tự do (15 phút 20 giây 10).
Ngoài ra, 8 kỷ lục quốc gia đã được xác lập tại SEA Games lần này: 200 m tự do của Hoàng Quý Phước (1 phút 48 giây 07), 400 m tự do của Nguyễn Hữu Kim Sơn (3 phút 54 giây 20), 200 m hỗn hợp của Lê Nguyễn Paul (2 phút 03 giây 39), 4x200 m tự do (7 phút 25 giây 32), 4x100 m tự do (3 phút 43 giây 09), 100 m tự do của Ánh Viên (55 giây 76), 50 m ngửa của Ánh Viên (29 giây 26), 200 m ếch của Ánh Viên (2 phút 30 giây 89).
Ngôi sao sáng nhất của bơi lội Việt Nam tại SEA Games 29 vẫn là Nguyễn Thị Ánh Viên. Kình ngư người Cần Thơ dù không hoàn thành mục tiêu đề ra trước khi bước vào giải là giành 10 HCV nhưng vẫn tiếp tục khẳng định vị thế thống trị trên đường đua xanh với 8 HCV và 2 HCB.
Bên cạnh đó, SEA Games năm nay bơi lội Việt Nam còn trình làng những gương mặt mới triển vọng như Nguyễn Huy Hoàng (1 HCV, 1 HCB), Nguyễn Hữu Kim Sơn (1 HCV, 1 HCĐ), Lê Thị Mỹ Thảo (1 HCB), Lê Nguyễn Paul (4 HCĐ). Đây là những VĐV hứa hẹn sẽ thay thế cho những đàn anh đang có dấu hiệu chững lại về mặt chuyên môn như Hoàng Quý Phước, Lâm Quang Nhật, Trần Duy Khôi.
Đặc biệt SEA Games năm nay, lần đầu trong lịch sử bơi lội Việt Nam đã giành được huy chương ở các nội dung bơi tiếp sức: tấm HCB ở nội dung 4x200 m tự do và tấm HCĐ ở nội dung 4x100 m hỗn hợp.
Bao giờ vượt được Singapore?
Thành tích của đội tuyển bơi Việt Nam vẫn kém xa Singapore ở 2 kỳ SEA Games gần đây. |
Kể từ năm 2010 trở về trước, bơi lội Việt Nam không là gì ở sân chơi khu vực. Số lượng HCV mà chúng ta giành được ở các kỳ SEA Games chỉ đếm trên đầu ngón tay với 3 tấm HCV ở SEA Games 2005, 2007, 2009 của kình ngư Nguyễn Hữu Việt ở nội dung 100 m bướm.
Đến SEA Games 2011, bơi lội Việt Nam bắt đầu cải thiện thành tích khi lần đầu giành 2 HCV của Hoàng Quý Phước ở các nội dung 100 m tự do và 100 m bướm. SEA Games 2013, với sự xuất hiện và trưởng thành của Nguyễn Thị Ánh Viên, bơi lội Việt Nam cho thấy sự thăng tiến đáng kể khi giành được 5 HCV: 3 của Ánh Viên, 1 của Quý Phước, 1 của Lâm Quang Nhật.
Để rồi trong 2 kỳ SEA Games gần đây, bơi lội Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á với thành tích 10 HCV, bằng tổng số HCV giành được trong 5 kỳ SEA Games trước đó (2005-2013) cộng lại.
Dù có sự thăng tiến đáng kể trong thời gian gần đây, khoảng cách giữa bơi lội Việt Nam với cường quốc bơi lội số 1 Đông Nam Á Singapore vẫn còn xa vời vợi. Số lượng HCV mà Singapore giành được vẫn gần gấp đôi so với chúng ta (19 so với 10). Và quan trọng hơn, đảo quốc sư tử có cả một đội ngũ kình ngư hùng hậu, trải đều ở các nội dung, cả nam lẫn nữ (có 7 VĐV đoạt HCV). Trong khi Việt Nam chúng ta chỉ có 3 người là Ánh Viên, Huy Hoàng và Kim Sơn.
Xem ra để đuổi kịp chứ chưa nói vượt Singapore, bơi lội Việt Nam sẽ còn phải cố gắng rất nhiều trong thời gian tới.