Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đối trọng mới âm thầm soán ngôi vị thế đồng USD

Một nhóm các nước lớn và khu vực kinh tế đang âm thầm hình thành một đối trọng nhằm thực hiện quá trình phi đô la hóa trên toàn thế giới.

Suốt nhiều thập kỷ qua, USD vẫn thống trị vị trí hàng đầu trong các đồng tiền dự trữ mạnh nhất, chiếm tới 62% tổng dự trữ toàn cầu.

Tuy nhiên, vị thế của nó có thể bị đe dọa bởi chiến lược làm suy yếu đồng bạc xanh của Mỹ từ một nhóm các nước lớn. Đây là lời cảnh báo từ chuyên gia Anne Korin thuộc Viện Phân tích An ninh Toàn cầu.

su thong tri cua dong usd anh 1
Một nhóm các quốc gia mạnh đang có động lực chống lại sự thống trị của đồng USD. Ảnh: Reuters.

Anne Korin, người đồng thời là đồng Giám đốc tư vấn về an ninh và năng lượng, tiết lộ những thế lực lớn đó bao gồm Trung Quốc, Nga và Liên minh châu Âu. Điều nguy hiểm là các khu vực này đều đang có những động lực để giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.

"Chưa thể nói chắc về những gì sẽ diễn ra, nhưng đang có những sự thay đổi rõ rệt. Chúng ta có một nhóm những khu vực, quốc gia cực kỳ mạnh”, vị này nói thêm.

Đồng USD vẫn được đánh giá là nơi trú ẩn an toàn nhất thế giới, giá của nó sẽ có thể bị đẩy lên cao nhanh chóng khi tình hình kinh tế - chính trị có những bất ổn. Tuy nhiên, nhiều quốc gia vẫn e ngại sức hút của đồng bạc xanh bởi khó tránh khỏi sự thao túng bởi Mỹ thông qua các giao dịch bằng đồng tiền này.

Mỗi giao dịch hoặc thanh toán qua ngân hàng có sử dụng USD đều lọt vào tầm ngắm của chính phủ Mỹ. Điển hình, khi Washington đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2018 và khôi phục các biện pháp trừng phạt đối với Tehran, một loạt các công ty đa quốc gia của châu Âu vẫn bị theo dõi và hứng chịu biện pháp trừng phạt của Mỹ khi tiếp tục giao dịch hoặc liên hệ với Iran.

Korrin cho rằng châu Âu vẫn muốn duy trì mối quan hệ với Iran. Chắc chắn họ cũng không muốn bị ép buộc phải tuân theo luật chơi của Mỹ. Đây là động lực “cực kỳ mạnh mẽ” khiến khu vực này dần không còn mặn mà với đồng USD.

Khi đồng USD mất dần sức ảnh hưởng, đó là thời cơ lên ngôi của các đồng tiền thế lực khác như đồng NDT. Những năm gần đây, Trung Quốc thể hiện rõ tham vọng thống trị tiền tệ thế giới của mình, bao gồm việc tung ra các hợp đồng tương lai dầu thô yết giá bằng đồng NDT. Nước này còn chuẩn bị thanh toán dầu nhập khẩu bằng chính đồng tiền của mình thay vì sử dụng đồng USD.

Korin chỉ ra rằng các hợp đồng tương lai có mệnh giá bằng NDT, hay còn gọi là “đồng NDT - dầu thô” chính là dấu hiệu ngầm tuyên chiến với sự thống trị của đồng USD.

“Có thể hiểu đó chính là sự cảnh báo sớm với đồng bạc xanh của Mỹ. 90% các giao dịch liên quan đến dầu thô vẫn được thực hiện bằng đồng USD. Nên dễ hiểu là nếu muốn khởi đầu cho quá trình phi đô la hóa, cần thực hiện tấn công từ các giao dịch dầu trước tiên”.

Tất nhiên, đó mới chỉ là điều kiện khởi đầu, chuyên gia tư vấn nhấn mạnh rằng sự chấp nhận trên phạm vi toàn thế giới mới đủ để viễn cảnh thống trị của đồng NDT thành hiện thực.


 

An Chi

Bạn có thể quan tâm