“Thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất lịch sử”, “Nạn đói tồi tệ nhất trong 100 năm qua” là những từ ngữ mà New York Times hay BBC đã dùng để mô tả về hiện trạng của Yemen vào lúc này, tức gần 4 năm sau khi cuộc nội chiến Yemen nổ ra vào tháng 3/2015.
Bóng đá tại quốc gia nghèo nhất khu vực Trung Đông cũng không tránh khỏi vòng xoáy đó.
Đất nước Yemen đang bị dày xéo bởi chiến tranh. Ảnh: Ahmed Basha. |
Giải VĐQG bị đóng băng
Theo Deadspin, người hâm mộ CLB Al Tilal (Yemen) sẽ không bao giờ quên được ngày 27/12/2014 khi đội bóng con cưng của họ thua AlHelal AlSahely 0-2 ngay trên sân nhà.
Trận thua đó không mang quá nhiều ý nghĩa về mặt điểm số, nhưng lại đi vào ký ức với tư cách là trận đấu cuối cùng của Al Tilal trên sân nhà.
3 tháng sau ngày đó, cuộc nội chiến Yemen nổ ra, giải vô dịch quốc gia Yemen cũng chính thức bị hoãn không thời hạn. Đến tận lúc này, những trận đấu thuộc giải vô địch quốc gia vẫn không được diễn ra. Bóng đá chuyên nghiệp vì vậy có thể coi là đã “chết” tại Yemen.
Những cầu thủ có tài năng phải chọn cách ra nước ngoài thi đấu, đa phần lại ở các quốc gia ở cùng khu vực Trung Đông. Một số không tài năng bằng thì phải ở lại Yemen làm những ngành nghề khác nhau.
Người bán hàng, người lái xe bus thậm chí cả bán khoai tây chiên tại các trung tâm thương mại.
“Tiền lương biến mất khi chiến tranh nổ ra”, Shukri Al Dahiya, thủ môn của đội tuyển Yemen, nói. “Tôi may mắn còn công việc tại công ty dầu khí, những người còn lại thì không may mắn như vậy”.
Đội tuyển Yemen chỉ chơi đúng 1 trận trong vòng 10 tháng qua. Ảnh: Getty Images. |
Osama Abdul-Jabbar, cựu cầu thủ U19 Yemen từng vượt qua vòng loại U19 châu Á 2016, đã đánh mất hoàn toàn tương lai sau khi nổ ra. Liên đoàn Bóng đá Yemen không còn hỗ trợ các cầu thủ trẻ nữa và Osama giờ phải làm thêm tại siêu thị để kiếm kế sinh nhai. “CLB của tôi và đội tuyển quốc gia bị ảnh hưởng mạnh bởi điều này”, Osama thừa nhận.
“Yemen có rất nhiều cầu thủ tài năng, nhưng không ai có cơ hội để thể hiện tài năng và vươn mình ra biển lớn vì giải vô địch quốc gia bị hoãn. Nhưng cùng lúc ấy, áp lực cơm áo gạo tiền cũng đổ lên tất cả. Và vì thế chúng tôi phải tìm tới những công việc ngoài bóng đá”, Osama chua chát nói.
“Chiến tranh khiến sự nghiệp của tôi tiêu tan. Kỹ thuật, ý chí và cả tiền bạc đều biến mất. Những cầu thủ bóng đá như chúng tôi đặt toàn bộ niềm tin vào môn thể thao này vì nhìn thấy tương lai từ chúng và sẵn sàng bỏ qua bất kỳ điều gì. Chiến tranh không hề xuất hiện trong thứ tương lai ấy”, Khairi Yousef, cựu tuyển thủ đội trẻ Yemen, đau đớn.
70% sân vận động tại Yemen hoặc bị phá hủy sau các cuộc không kích, hoặc bị trưng dụng thành các căn cứ quân sự. Đội tuyển Yemen không thể thi đấu trên sân nhà, và phải sử dụng sân vận động tại Doha (Qatar) để thi đấu tại vòng loại Asian Cup 2019.
Những sân vận động tại Yemen bị ảnh hưởng nặng bởi các cuộc không kích. Ảnh: Deadspin. |
Giấc mơ Asian Cup 2019
VCK Asian Cup 2019 đang đến rất gần, và những thông tin về đội tuyển Yemen vẫn là rất ít trên các trang báo. Tuyển Yemen chỉ chơi 1 trận kể từ tháng 3/2018.
Đó là trận giao hữu thua 0-2 trước UAE để chuẩn bị cho Asian Cup 2019. Những cầu thủ tuyển Yemen không có thời gian chơi bóng cùng nhau vì chiến tranh. Sự gắn kết của các thành viên tuyển Yemen vì thế đang bị đặt dấu hỏi.
Yemen nằm ở bảng D Asian Cup 2019 cùng Iran, Iraq và Việt Nam, những đối thủ đều được báo chí châu Á đánh giá cao. Bản thân HLV Yemen Jan Kocian cũng thừa nhận việc có điểm trước các đối thủ là “giấc mơ khó tin”.
Dù vậy, ông vẫn kỳ vọng: "Mục tiêu không hề dễ dàng, chúng tôi là tân binh và muốn kết quả tốt nhất. Chúng tôi muốn chiến thắng và có thể mơ những giấc mơ lớn như đánh bại Iran hay Iraq. Đó là chuyện bình thường, có thể hơi khó tin nhưng chúng tôi sẽ cố".
Lọt vào VCK Asian Cup 2019 đã là thành công không tưởng với ĐT Yemen. Ảnh: AP. |
Thực chất, với những biến cố đang xảy ra với Yemen, việc đội tuyển quốc gia nước này vượt qua vòng loại Asian Cup 2019 để có mặt tại Qatar vào tháng 1 này đã là câu chuyện thần kỳ.
Trang Deadspin tin rằng việc Yemen vượt qua mọi khó khăn để đưa hình ảnh của mình ra với châu Á là điều không thể tuyệt hơn để giúp những người dân tại quốc gia mà mỗi ngày trôi qua lại có thêm hàng nghìn người chết vì nạn đói.
“Bóng đá khiến tôi quên đi nỗi đau chiến tranh”, Saeed Mansour, cựu cầu thủ CLB Khantar thừa nhận với tờ Yemen Times. “Khi chơi bóng, tâm trí tôi bay vút lên trên bầu trời, không còn đau buồn, không còn thất vọng. Bóng đá giúp tôi có cảm giác mình thực sự được sống”.
Khi đội tuyển Yemen bước ra sân Mohammed bin Zayed vào ngày 7/1 tới để đối đầu với Iran, đó đã là chiến thắng của cả đất nước đau khổ này. Kết quả dù có ra sao, cũng không còn quan trọng nữa.
Yemen sẽ đối đầu với ĐT Việt Nam trong lượt đấu cuối cùng. Đồ họa: Minh Phúc. |