Từ hai ngày trò chuyện riêng và rất sâu với Lý Quang Diệu tại Singapore vào tháng 7/2009, Tom Plate đã giới thiệu chân dung một trong những nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới theo cách khiến chúng ta nhớ đến cuộc phỏng vấn huyền thoại của nhà báo Anh David Frost với Richard Nixon.
Tuy không gay gắt như Frost, nhưng cuộc phỏng vấn này cũng có mục đích tương tự, đó là thiên tài chính trị thì nhất định phải là một nhân vật gây nhiều tranh cãi và có nhiều điều bí hiểm. Chính điều đó mới thú vị và độc đáo. Vậy thì Lý Quang Diệu, một trí thức nổi tiếng trong chính trị, người thể hiện xuất sắc nhất những giá trị Á Đông và là người sáng lập ra một đất nước thực ra là ai?
Tom Plate đã xây dựng nên một hình ảnh hết sức rõ ràng, sống động về nhân vật nổi tiếng này. Độc giả sẽ không khỏi kinh ngạc trước khối lượng thông tin khổng lồ được khai thác trong một thời gian cực kỳ ngắn – quyển sách mang tầm vóc của một quyển tiểu sử. Hiệu ứng này phần nào được tạo thành bởi sự am hiểu về nhân vật và các thông tin có liên quan của tác giả.
Bìa sách "Đối thoại với Lý Quang Diệu". |
Ông còn làm rõ được ý thức và quan điểm của Lý Quang Diệu đối với nhiều vấn đề đối ngoại, đối nội cũng như cuộc sống riêng của ông. Phần 1 tập trung vào quan hệ quốc tế: sự gắn bó với Trung Quốc mà ngoài lý do chủng tộc còn như “loài chim sống trên lưng con hà mã, bắt các loại ký sinh gây khó chịu, đổi lại là được bảo vệ chống lại các mốAi đe dọa”, quan hệ với Ấn Độ như “kế hoạch B” để dự phòng và cũng để kiềm chế bớt sức ảnh hưởng của Trung Quốc, quan hệ với Malaysia, Indonesia, Mỹ… Phần 2 chú ý hơn đến thuật cai trị của “nền toàn trị mềm”, là sự bảo vệ của Lý Quang Diệu trước các chỉ trích của phương Tây đối với chế độ độc đảng của Singapore, đối với chính sách của cá nhân “tiểu Hitler”, việc trừng trị nghiêm khắc các tội phạm hình sự, việc con trai Lý Hiển Long “nối ngôi” làm thủ tướng Singapore…
Rất nhiều bất ngờ, đôi khi gây sửng sốt, thi thoảng lại hài hước – nhưng không bao giờ ngớ ngẩn – cuốn sách chi tiết này đem lại cho chúng ta cái nhìn sâu sắc, đầy thú vị về Lý Quang Diệu, đạo diễn của bộ phim bom tấn có tên Singapore.
Và độc giả sẽ còn bất ngờ hơn khi nghe Tom Plate kể lại:
“Lúc chúng tôi không còn nói chuyện trước bốn chiếc máy ghi âm nữa, tôi nhớ là Lý Quang Diệu có thì thầm với tôi đại khái: Tom này, trong sách phải có sự phê phán, có chi tiết tiêu cực. Tôi biết, anh đừng lo cho tôi. Anh cứ viết về tôi đúng như những gì anh thấy. Đừng lo ngại về hậu quả. Anh hãy nói sự thật, anh thấy thế nào thì viết thế ấy. Đó là tất cả những gì tôi cần.”
"Đối thoại với Lý Quang Diệu" sử dụng bút pháp đơn giản nhưng hiệu quả, sâu sắc nhưng không kém phần dí dỏm, hấp dẫn. Những cuộc trao đổi thể hiện sự thông minh, thậm chí tinh quái của hai người đối thoại, tạo nên sức hút cho quyển sách.