Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đội tàu xa bờ 'khủng' nhất Bắc Trung Bộ... vẫn nằm bờ

Bỏ tiền tỷ sắm tàu lớn hiện đại, anh Phạm Gia Đông, ở Sầm Sơn, Thanh Hoá những tưởng sẽ ăn nên làm ra. Tuy nhiên, đội tàu hiện phải nằm bờ và khiến gia chủ lâm vào cảnh nợ nần.

Ông chủ khóc vì tàu phải trùm mền

Ngày 12/10/2012, đội tàu lớn, hiện đại bậc nhất khu vực Bắc Trung Bộ (tính đến thời điểm này) mang số hiệu TH-91068-TS, TH-91069-TS có tổng công suất 1.800 sức ngựa, trị giá 10,3 tỷ đồng của anh Phạm Gia Đông (thôn Toàn Thắng, phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa) chính thức hạ thủy vươn khơi. 

Những tưởng, tàu lớn sẽ mang về lãi suất cao, nhanh chóng thu hồi nợ, nhưng ngược lại từ giữa năm 2013 đến nay, đội tàu này đang nằm bờ khiến gia chủ lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

Không có lãi

Xuất phát từ việc sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản suốt nhiều đời nay, năm 2012, anh Phạm Gia Đông quyết định đầu tư 10,3 tỷ đồng đóng đôi tàu gỗ lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ với chiều dài 30m, rộng 6,3 m, cao 7,5 m, độ dãn nước 3,1 m, trang thiết bị, máy móc lắp trên tàu đều được nhập khẩu từ Mỹ, tốc độ chạy tối đa 11 hải lý/giờ. 

Anh hy vọng sau khi đôi tàu hạ thủy, nhờ vào trang thiết bị hiện đại phục vụ dò tìm nguồn cá sẽ nhanh chóng giúp anh cũng như 50 lao động có việc làm ổn định với thu nhập cao. Ngày 12/10/2012 đôi tàu hạ thủy và chính thức rời bến vươn khơi sau đó đúng một tháng.

Trên mỗi con tàu đều có hai bộ đàm, máy quay camera, máy định vị luồng cá quét ngang, quét dọc hiện đại nhập từ Mỹ. Vậy nên các thuyền viên tự tin vào khả năng khai thác, phát triển kinh tế từ đôi tàu. 

Đôi tàu
Đôi tàu "khủng" nhất khu vực Bắc Trung Bộ trị giá hơn 10 tỷ đồng đang nằm bờ suốt gần 1 năm qua.

Theo tính toán của anh Đông thì sau 6 tháng vươn khơi, tổng chi phí cho đôi tàu “khủng” hoạt động, anh phải gánh thêm khoản lỗ hơn 600 triệu đồng tiền dầu. Anh Phạm Gia Đông khẳng định: “Trong tổng kinh phí 10,3 tỷ đồng đầu tư đóng đôi tàu nêu trên, tôi vay của Chi nhánh Agribank Sầm Sơn 1,5 tỷ đồng theo mức lãi suất thương mại. Khoản tiền còn lại là do anh em trong gia đình đóng góp, vay mượn bạn bè. Đồng tiền từ mồ hôi, công sức bỏ ra, chúng tôi xót lắm. Để tàu đậu bờ mãi, nóng ruột, tháng 2/2014, tôi xuất bến một chuyến mang về hơn chục tấn cá, bán được 80 triệu đồng. Nhưng cũng chỉ đủ chi phí mà không có lãi, nên tôi quyết định để tàu nằm bờ từ đó tới nay”.

Tàu hiện đại “trùm mền”

Đâu là nguyên nhân dẫn tới việc đôi tàu thuộc hàng “khủng”, hiện đại bậc nhất khu vực Bắc Trung Bộ này lại khai thác không hiệu quả? 

Anh Phạm Gia Đông cho biết: Ban đầu khi quyết định đóng tàu lớn, anh cũng nghĩ sẽ khai thác hiệu quả hơn tàu nhỏ. Nhưng khi bắt tay vào công việc thực tế mới thấy nảy sinh bất cập. Không phải cứ đóng tàu lớn, đi thật xa là đánh được nhiều cá. Bởi ngoài tìm ngư trường thì còn phụ thuộc vào hoạt động của con cá và cả sự may mắn nữa. Trong khi, mỗi tàu của anh Đông đều lắp 4 máy với công suất 900CV/tàu nên chi phí dầu mỡ lớn hơn gấp đôi so với các tàu thông dụng của hàng chục nghìn hộ ngư dân bám biển có công suất 450-500CV. Hơn thế, vì là hoạt động nghề vây nên phải đi tàu đôi chứ không thể đi tàu lẻ được, nên số lượng lao động làm cũng phải tăng gấp đôi các tàu khác, dẫn đến tăng mạnh chi phí.

Anh Đông so sánh, nếu đôi tàu có công suất 450-500CV/tàu đánh được 5-7 tấn cá/chuyến đi biển từ 5-10 ngày thì họ trừ chi phí tiền dầu, tiền chia cho các thuyền viên vẫn còn có lãi. Nhưng với đôi tàu của tôi, một chuyến ra khơi phải đánh được từ 12-14 tấn cá mới hòa vốn. 

Tàu to, tiện nghi đầy đủ, có hầm cấp đông đi làm sẽ an toàn hơn, song đối nghịch là hiệu quả kinh tế không đạt, nên tôi mới phải ngậm ngùi đắp bạt cả “núi tiền” suốt gần 1 năm qua. Không chỉ có vậy, tôi còn cho một số lao động vay tiền để chung vốn cổ phần đôi tàu, nếu làm ăn có lãi thì trừ dần, khi nào hết khấu hao coi như đôi tàu thành tài sản chung của anh em; nếu chưa có lãi tôi vẫn trả tiền công cho anh em. Song vì họ thấy đánh bắt con cá, con tôm ngày càng khó khăn, càng đi càng lỗ nên anh em bỏ sang các tàu nhỏ làm hết rồi. Tôi đang rao bán đôi tàu chục tỷ này, nhưng chưa thấy ai hỏi mua”.

http://laodong.com.vn/kinh-te/chuyen-ve-doi-tau-xa-bo-khung-nhat-bac-trung-bo-nam-bo-219640.bld

Theo Anh Tuấn/Lao Động

Bạn có thể quan tâm