Từ năm 2020, chính phủ Peru yêu cầu tàu đánh cá nước ngoài cập cảng nước này sử dụng hệ thống giám sát phương tiện, cho phép theo dõi hoạt động của tàu theo giời gian thực 24 giờ/ngày, theo AP.
Thiết bị mới có thể theo dõi vị trí địa lý và hoạt động đánh cá của tàu thuyền thông qua hệ thống liên lạc vệ tinh độc quyền, nhằm cho phép nhà chức trách giám sát hoạt động của đội tàu cá hàng trăm chiếc của Trung Quốc hoạt động trên vùng biển phía Tây lục địa Nam Mỹ.
Hiệu quả không như kỳ vọng
Đội tàu cá của Trung Quốc hoạt động ngoài khơi Nam Mỹ đã mang tai tiếng quốc tế suốt hàng thập kỷ. Những năm gần đây, hoạt động ngày càng mở rộng của đội tàu này vấp phải chỉ trích của nhiều nước vì cáo buộc chúng đánh bắt cá trái phép, như Mỹ và nhiều nước châu Âu.
Washington coi chống đánh bắt cá trái phép là một trong các ưu tiên hàng đầu và đang tăng cường nỗ lực giám sát đội tàu cá Trung Quốc ở Nam Mỹ.
Tàu cá Trung Quốc hoạt động ở ngoài khơi lục địa Nam Mỹ. Ảnh: AP. |
Những năm qua, các nước Nam Mỹ trong đó có Peru và Ecuador đã vật lộn với hệ lụy tới từ hoạt động đánh bắt cá trái phép của đội tàu Trung Quốc. Việc yêu cầu lắp đặt hệ thống giám sát vị trí mới là nỗ lực của chính phủ Peru nhằm kiểm soát hoạt động của đội tàu cá Trung Quốc.
Thế nhưng, thay vì phát huy hiệu quả như mong đợi, quy định mới của Peru dường như khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn.
Theo nghiên cứu của tổ chức tư vấn nghề cá Artisonal, sau khi quy định mới được ban hành, tàu Trung Quốc hạn chế cập cảng Peru. Do đó, thuyền viên trên các con tàu, chủ yếu là lao động từ Philippines và Indonesia, bị buộc phải ở lại trên tàu lâu hơn.
Theo dữ liệu thống kê, chỉ 3 trong tổng số 671 tàu cá Trung Quốc được cấp phép hoạt động tại vùng biển phía Đông Thái Bình Dương đã lắp đặt thiết bị giám sát của chính phủ Peru.
Trong khi đó, số lần tàu Trung Quốc cập cảng Peru để bảo dưỡng, thay đổi thuyền viên, nhận đồ tiếp tế đã giảm mạnh từ 300 lượt năm 2019 xuống chỉ còn 21 lượt năm 2022.
Thay vì tới Peru, một số tàu Trung Quốc chọn cách quay trở về quê nhà trước mùa đánh cá. Một số tàu khác lựa chọn cập cảng Punta Arenas của Chile để bổ sung nguồn tiếp tế.
Tàu Trung Quốc tìm cách lách luật
Dựa vào công nghệ theo dõi vệ tinh, Artisonal phát hiện thay vì cập cảng Peru - là điểm gần ngư trường nhất - để thuyền viên nghỉ ngơi, nhiều tàu cá Trung Quốc lựa chọn kéo dài thời gian đánh bắt trên biển.
Hiện có khoảng 16.000 lao động làm việc trong đội tàu cá khổng lồ của Trung Quốc tại khu vực. Việc tàu cá hoạt động lâu hơn trên biển ảnh hưởng tới sức khỏe của thuyền viên.
Trước khi Peru đưa ra quy định mới, tàu cá nước ngoài thường hoạt động khoảng 10-12 tháng trên biển. Hiện nay, thời gian này đã tăng lên 18-24 tháng, sau đó tàu cá quay trở về Trung Quốc.
Một ví dụ của tình trạng này là tàu Chang Tai 802. Tháng 8/2019, phương tiện này cập cảng Chimbote của Peru để một nhóm thủy thủ mắc bệnh thận cấp cứu. Tháng 7/2021, con tàu này được phát hiện hoạt động ở phía Đông Thái Bình Dương.
Tàu Chang Tai 802. Ảnh: AP. |
Trong một lần chạm mặt tàu tuần tra Peru, một thuyền viên người Indonesia hét lên từ đuôi tàu Chang Tai 802 rằng họ muốn về nhà. Gia đình nhiều thuyền viên đã không nghe tin tức gì từ họ trong nhiều tháng.
Tàu Chang Tai 802 chỉ trở về cảng ở Trung Quốc vào tháng 8/2022. Khoảng một tháng sau đó, con tàu lại đi tới vùng biển Nam Mỹ.
Theo Artisonal, thuyền viên trên nhiều con tàu khác sống trong những điều kiện khó khăn tương tự, thậm chí có người phải sống suốt 3 năm trên biển. Để có thể hoạt động trong thời gian dài như vậy, tàu cá được những con tàu vận tải khổng lồ tiếp tế nhiên liệu, thức ăn, nước sạch.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc hiện từ chối phản hồi trước đề nghị bình luận về các báo cáo của Artisonal. Bắc Kinh trước đây từng khẳng định không bao che cho hoạt động đánh cá trái phép, bằng chứng là các quy định cấm đánh cá được công bố hàng năm.
Aroni, người từng làm việc trong ngành đánh cá Peru, cho biết số vụ "cập cảng khẩn cấp" tăng vọt trong năm 2022 là điều đáng lo ngại. Ông dẫn chứng trường hợp tàu Zhe Pu Yuan 98 đã đề nghị cập cảng khẩn cấp tổng cộng 8 lần, mỗi lần chỉ trong chưa đầy 24 giờ.
Theo ông Aroni, có khả năng các vụ cập cảng khẩn cấp nhằm tận dụng lỗ hổng luật pháp Peru để đổi thuyền viên, trong khi vẫn có thể tránh sự giám sát của nhà chức trách về hoạt động đánh cá của con tàu.
Juan Carlos Sueiro, chuyên gia tổ chức bảo tồn Oceana, kêu gọi nhà chức trách Peru siết chặt quy định để làm rõ trong trường hợp nào tàu nước ngoài được phép cập cảng khẩn cấp.
"Các hoạt động đe dọa tính bền vững của các nguồn tài nguyên bao gồm các hình thức đánh cá trái phép là một trong số đó", ông Sueiro cảnh báo.