Đúng như tên gọi và mục đích ban đầu, Bắc Kỳ tạp lục như một cuốn cẩm nang giúp những người Pháp đến sinh sống và làm việc tại An Nam được hiểu biết thêm về con người cũng như những tập tục, thiết chế nơi đây.
Mới đây, cuốn sách được dịch ra tiếng Việt. Một buổi tọa đàm về tác phẩm diễn ra tối 10/4 tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội.
Cuốn sách của giáo sĩ sống 60 năm tại Việt Nam
Tác giả Henri E.Souvignet - một giáo sĩ người Pháp đã đến An Nam vào năm 1882 và sống cho đến khi ông mất vào năm 1943. Bên cạnh nhiệm vụ truyền giáo, ông đã dụng công để tìm hiểu và sống với giáo dân.
Sách Bắc Kỳ tạp lục, tác giả ký tên là "ab". |
Dành hơn 60 năm để nghiên cứu và viết nên cuốn sách Bắc Kỳ tạp lục, ông muốn cho những người Pháp có nhu cầu tìm hiểu về đất nước An Nam giống ông có thêm kiến thức và giúp họ hòa hợp với cuộc sống tại đây.
Cuốn sách ra đời vào năm 1903, thời điểm giao thoa giữa hai cuộc tiếp xúc của người Pháp và người An Nam: Cuộc tiếp xúc về bạo lực vũ trang, đối kháng quân sự và cuộc tiếp xúc về văn hóa, tín ngưỡng. Cuốn sách minh chứng cho cuộc gặp gỡ giữa hai đất nước khác nhau, hai truyền thống tách biệt.
Bắc Kỳ tạp lục đáp ứng nguyện vọng, mang lại cho độc giả một cái nhìn tổng quát, bao trùm về những vấn đề quan trọng nhất trong đời sống người dân: ngôn ngữ, giáo dục, văn hóa, lịch sử, tôn giáo tín ngưỡng… trong thời kỳ ấy.
Henri E.Souvignet đã rất cẩn trọng nghiên cứu để đưa ra những nhận xét tinh ý. Ông viết: “Người An Nam trước hết là người có đầu óc thực tiễn, họ nhận ra rằng cấp bậc văn chương sẽ dẫn họ thẳng tới những cấp bậc trong xã hội” hay “... phải thừa nhận điều này: "Người An Nam hiếm khi bứt phá khỏi tài năng bẩm sinh và kinh nghiệm”.
Nên tiếp nhận cuốn sách với tinh thần phản biện
Cuốn sách ra đời cho đến nay đã hơn một thế kỷ, vào thời điểm xuất bản, nó đã thật sự tác động và thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu của người Pháp với đất nước An Nam. Mới đây, tác phẩm được dịch và xuất bản tiếng Việt, cuốn sách có ý nghĩa gì với bạn đọc hôm nay?
Bắc kỳ tạp lục được nghiên cứu dưới dạng tìm hiểu, đúc rút, mô tả được viết theo dạng khảo cứu, giới thiệu và liệt kê mọi mặt về đời sống văn hóa tại thời điểm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Tiến sĩ ngữ văn Mai Anh Tuấn nhận định tác phẩm được viết dưới dạng liệt kê nên người Việt Nam đọc có thể sẽ cảm thấy rất “lướt” và những tiểu tiết nhỏ nhặt như thế cũng có thể không còn thu hút chúng ta. "Nếu như tác phẩm viết dưới dạng cấu trúc hóa chắc hẳn sẽ sâu sắc và thấm nhuần trong tâm tưởng người Việt bây giờ hơn rất nhiều", TS Mai Anh Tuấn nói.
Bắc Kỳ tạp lục không phải là cuốn sách đầu tiên ghi chép lại những tinh hoa văn hóa của người Việt. Từ người nước ngoài và cả người Việt đều có những nghiên cứu về người An Nam xưa. Như tác giả Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh và đặc biệt là Nguyễn Văn Huyên với công trình nghiên cứu Văn Minh Việt Nam. Thay vì kể những tiểu tiết nhỏ như Henri E.Souvignet thì ông đi tới khái quát hóa qua ba cấp “nhà -làng -nước”, đây là mô hình thiết lập nên xã hội Việt Nam từ xa xưa cho đến thế kỷ thứ 20.
Các diễn giả trong tọa đàm về cuốn sách tối 10/4, từ trái qua: nhà phê bình Mai Anh Tuấn, biên tập viên Đào Lê Tiến Sỹ, Tiến sĩ Trần Trọng Dương. |
Những tác phẩm như Bắc Kỳ tạp lục hay những nghiên cứu của người Việt xưa dù viết theo lối liệt kê hay phân tích đi sâu tỷ mỷ đều góp phần đẩy lên được cao trào và biến nó thành phong trào trở thành sức ép với nhà cầm quyền lúc bấy giờ: Làm sao để chữ quốc ngữ phải dành cho người Việt Nam chứ không phải người An Nam phải dùng chữ Hán và càng không phải chữ Pháp.
Theo nhà nghiên cứu Đào Tiến Thi - biên tập viên NXB Giáo Dục - đối với thời điểm hiện tại Bắc Kỳ tạp lục ra đời mang giá trị khảo cứu giúp chúng ta nhìn lại những truyền thống của cha ông để từ đó soi xét, nghiệm lại những cái đúng và có cả cái sai, từ đấy học hỏi, để đúc rút cho mình, cho đất nước ngày một tươi mới hơn.
Tuy vậy, nhà nghiên cứu Đào Tiến thi cũng cho rằng cuốn sách đã đi qua hơn một thế kỷ, có biết bao nhiêu quá trình vận động và thay đổi của đất nước đã diễn ra, ngôn ngữ tiếng An Nam cũng đã đổi khác đi rất nhiều. Vì vậy, những nhận định về văn hóa xưa của tác giả đôi chỗ cũng có thể không còn hợp thời nữa.
Nhưng cuốn sách cho thấy cái nhìn của các giáo sĩ hay rộng ra là các tri thức phương Tây, đôi chỗ là cái nhìn áp đặt lên chúng ta. Vì thế, đọc cuốn sách hôm nay, bên cạnh việc tiếp nhận thông tin, chúng ta cần xác thực lại vấn đề và đôi chỗ cần tinh thần phản biện. Điều đó có thể giúp giới nghiên cứu có thêm động lực để làm nên những tác phẩm có tính nghiên cứu sâu sắc hơn, đa dạng hơn và mang tính khái quát hơn.