Đối mặt với nợ xấu ngàn tỷ, không ít ông chủ ngân hàng vẫn tự tin vì có tài sản đảm bảo rất lớn. Nhưng, đó là trên giấy tờ, còn thực tế những khoản nợ trăm ngàn tỷ có khi chỉ được đảm bảo bằng tài sản rất nhỏ… Thậm chí, lấy cả rác bẩn, giấy tờ giả cũng được thế chấp để vay ngàn tỷ dễ dàng.
Mang luật rừng đi đòi nợ
Cuối năm, các vụ việc liên quan đến đại gia thủy sản Phương Nam hay đại gia café Trường Ngân vỡ ra mới thấy sự thật choáng váng về tài sản đảm bảo (TSĐB) là hàng tồn kho.
Trong vụ tranh chấp 1 kho café tại Bình Dương của 7 ngân hàng cho thấy, Công ty Trường Ngân nợ các NH 700 tỷ đồng. Trong khi đó, tài sản còn lại trong kho chỉ khoảng 100 tỷ, 600 tỷ còn lại lấy gì để đảm bảo vào và chắc chắn không ít chi nhánh của 7 NH này coi như làm không công cả năm.
Bi đát hơn, với khối TSĐB còn lại thì café phần lớn suy giảm chất lượng, nhiều bao cà phê chứa toàn rác bẩn nhưng đều đã được đưa vào thế chấp vay tiền.
Tháng 11/2013, một loạt lãnh đạo các NH ở ĐBSCL đã bị bắt vì sai phạm cho vay đối Thủy sản Phương Nam. Đại gia này đã sử dụng giấy tờ giả, thế chấp kho hàng tại nhiều NH vay cả ngàn tỷ rồi bỏ sang Mỹ mặc cho NH phải tù tội và lo tái cơ cấu.
Cảnh tranh chấp xiết nợ hỗn loạn khiến công an phải vào cuộc giữ trật tự. |
Trước đó vài tháng, cả giới NH cũng rung động trước vụ dàn quân bao vây nhà máy của Công ty Inox Châu Âu để chặn đường lấy hàng trừ nợ.
Đây là những vụ lớn được biết đến, còn không biết bao nhiêu vụ tranh chấp khác không ồn ào và chưa được điểm mặt. Có lẽ lên đến cả ngàn.
Theo giám đốc quản lý rủi ro một ngân hàng cho rằng, qua các vụ xử lý kho hàng tranh chấp, các NH chủ yếu mới dùng ‘luật rừng’ và là chiến thắng thuộc về kẻ mạnh.
“NH nào cũng muốn xông vào kho, thu giữ cho hàng hóa theo thỏa thuận với bên mình và chuyển đi. Đương nhiên, các NH khác sẽ không ngồi im mà sẽ ngăn cản quyết liệt. Vì thế, mới có những chuyện không biết khóc thế nào như cửa kho hàng có mấy khóa, mỗi khóa do một tổ chức tín dụng lắp thêm vào, hay chuyện ngân hàng phải thuê cả xe tải đứng chắn trước cửa kho hàng đến tránh bị tổ chức tín dụng khác “âm mưu” đoạt hàng trong dịp nghỉ…”, vị giám độc này kể.
Ôm rác bẩn, giấy tờ giả đổi ngàn tỷ
Thực tế cho thấy, TSĐB cho vay là hóa tồn kho ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Có lẽ vì thế mà những vụ vỡ nợ liên quan đến hàng tồn kho thường là những vụ “ra trò” khi mà giá trị luôn ngót nghét chục tỷ đến cả trăm tỷ. Và khi vỡ rồi, thì ngân hàng cũng “méo mặt” đi xử lý vì tài sản trên giấy thì rất to nhưng thực tế thì chả còn là bao.
Tại sao một kho hàng lại đi thế chấp được nhiều ngân hàng? Và tại sao rất nhiều TSĐB không có giả trị, thậm chí không có thực vẫn được các ngân hàng dễ dàng chấp thuận cho vay ngàn tỷ?.
Giám đốc quản lý rủi ro của một ngân hàng thương mại cổ phần lớn ở TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Thực ra, hàng tồn kho là TSĐB có tính rủi ro tương đối cao và thường chúng tôi chỉ chấp nhận tỷ lệ cho vay/hàng tồn kho chỉ 50%, không hơn và không ngoại lệ”.
Ngàn tỷ cho vay chỉ ôm về rác bẩn, hàng xuống cấp và giấy tờ giả. |
Vị này cho biết thêm, biết rủi ro nhưng các NH vẫn nhận hàng tồn kho làm TSĐB vì “đây là một biện pháp giúp DN tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Các dạng TSĐB khác như bất động sản, bảo lãnh, cầm cố giấy tờ có giá hay ký quỹ đều có hạn về giá trị. Nên hàng tồn kho sẽ là một biện pháp đảm bảo tốt, đảm bảo đủ giá trị cho khoản vay. Còn kinh doanh luôn đồng hành với rủi ro, cái quan trọng là khẩu vị rủi ro, mức độ chịu đựng rủi ro, trình độ quản trị rủi ro đến đâu”.
Theo các chuyên gia pháp chế ngân hàng, “khái niệm kho hàng chỉ là hiểu nôm na, chứ thực chất các tranh chấp ở đây là tranh chấp giá trị thực tế của kho hàng”.
Theo quy định “Một tài sản có thể được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự, nếu có giá trị tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Các giao dịch của NH đều được đăng ký giao dịch đảm bảo, nên về mặt lý thuyết, trên bề mặt giấy tờ thì sẽ ít khi tài sản đảm bảo bị trùng nhau.
Tuy nhiên, trên thực tế thì hàng hóa lại không được phân tách rõ ràng, cụ thể, lại thêm các hành vi tẩu tán, thiếu hàng. Nên khi cần xử lý, các NH mạnh ai người lấy thu giữ mới phát sinh tranh chấp, thậm chí là tranh chấp gay gắt.”
Sau khi nhìn lại các bài học, các NH có lẽ cần rút ra những hành xử đúng mực hơn trong chuyện thu giữ tài sản đảm bảo. Điều quan trọng hơn, mỗi NH phải tự rà soát lại công tác thẩm định, quản trị rủi ro, đặc biệt là rủi ro liên quan đến con người của hệ thống mình để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ việc tương tự.
Ngoài ra, trong bối cảnh tái cấu trúc hệ thống như hiện nay, các NH cũng nên xem xét lại cả mô hình quản trị, cơ chế ủy quyền phán quyết của mình để hạn chế các hành vi đi quá xa giới hạn của một bộ phận cán bộ nhân viên trực tiếp tác nghiệp ở các chi nhánh. Các NH cũng nên “ứng xử pháp luật hơn”, xử lý trách nhiệm quyết liệt đối với các cán bộ liên quan, đối với các bảo vệ, công ty cung ứng dịch vụ kho bãi, và trách nhiệm của chính khách hàng để hạn chế rủi ro.
Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng cần thanh tra – giám sát mạnh mẽ, quyết liệt, mang tính chất dự báo cao để răn đe các ngân hàng.