Các thử nghiệm “phá rào” mở đường cho công cuộc cải cách toàn diện sau này đã được tiến hành bên lề hệ thống, trên làn ranh giới của sự hợp pháp. |
Năm 2008, theo đề nghị của Ủy ban Tăng trưởng và Phát triển Mike Spence, ông Martin Rama, người từng nhiều năm liên tục làm Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đã viết một tiểu luận về quá trình Đổi mới ở Việt Nam với nhan đề “Những quyết sách khó khăn: Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi”.
Bài viết này dựa trên nội dung một loạt cuộc đàm thoại trực tiếp với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một trong những nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới.
Zing.vn lược trích bài viết của ông Martin Rama thành loạt bài Đổi mới ở Việt Nam nhằm cung cấp thêm cái nhìn đa chiều cho bạn đọc.
Một trong số những quan điểm thường gặp này xem quá trình cải cách như là kết quả của cuộc đấu tranh giữa “phe ủng hộ cải cách” và “phe chủ trương bảo thủ”.
Theo quan điểm này, các nhà ra quyết sách chủ chốt đứng ở bên này hay bên kia của một đường ranh giới vô hình, đồng thời hoàn cảnh, ví dụ khó khăn về kinh tế hay sự qua đời của một nhà lãnh đạo, từ từ làm cán cân quyền lực nghiêng về phía phe cải cách. Và không nghi ngờ gì là hoàn cảnh có thuận lợi lúc bắt đầu cải cách.
Tuy nhiên, xem xét kỹ hơn thì thấy quan điểm này có vấn đề ở một vài điểm. Trước hết, hoàn cảnh liên tục thay đổi, song tốc độ của cải cách có vẻ không bị ảnh hưởng. Ngoài ra, khó khăn tương đối do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Đông Á được gắn với sự giảm tốc của cải cách chứ không phải tăng tốc.
Hơn thế nữa, người ngoài cuộc rất khó nói ai đứng ở bên phía nào của đường ranh giới vô hình đó. Ví dụ, ông Võ Văn Kiệt có thời đã bị các nhà quan sát phương Tây cho là một “người cộng sản sắt đá”. Với niềm tin cao độ vào chủ nghĩa cộng sản và đội ngũ lãnh đạo Đảng, ông đã kiên quyết ủng hộ việc áp dụng mô hình kinh tế của miền Bắc trên toàn quốc.
Tuy nhiên, từ kinh nghiệm thực tiễn tại TP HCM, ông đã nhận ra những vấn đề nảy sinh đối với mô hình này và trở thành một trong những người đi đầu ủng hộ thử nghiệm “phá rào” trong thời kỳ trước Đại hội VI....
Tư tưởng cải cách dần chiếm ưu thế
Ngoài các ví dụ cụ thể của ông Võ Văn Kiệt, điều ghi nhận được chính là tư tưởng cải cách đang dần dần chiếm ưu thế.
Ông Trường Chinh và ông Phạm Văn Đồng được mời đi tham quan thực tế và mắt thấy tai nghe. Từ việc kiểm tra thực tế này, không gặp bất kỳ sự chống đối nào, họ đã thay đổi quan điểm và dần dần chuyển sang ủng hộ Đổi Mới...
Một ví dụ đáng chú ý là trường hợp ông Trường Chinh ở cương vị Tổng bí thư. Có thể nói rằng ông ban đầu rất cứng rắn trong việc tuân thủ các nguyên tắc “bất di bất dịch” của chủ nghĩa Mác‐Lê Nin.
Tuy nhiên, trong thời gian diễn ra các cuộc thử nghiệm phá rào, ông và ông Phạm Văn Đồng đã được mời đi tham quan thực tế và mắt thấy tai nghe. Từ việc kiểm tra thực tế này, không gặp bất kỳ sự chống đối nào, họ đã thay đổi quan điểm và dần dần chuyển sang ủng hộ Đổi Mới...
Thủ tướng Phạm Văn Đồng chụp ảnh kỷ niệm với chuyên gia Liên Xô sang VN giảng bài về NEP (chính sách kinh tế mới) năm 1979 - Ảnh: Tuổi Trẻ |
Một cách đánh giá khác của quan điểm về “phe cải cách và phe bảo thủ” gắn mác “bảo thủ” cho thế hệ đi trước, được đào tạo ở các nước thuộc khối Xô viết cũ, và mác “cải cách” cho thế hệ trẻ hơn, được tiếp cận nhiều hơn với tư tưởng phương Tây.
Đây lại là một cách đơn giản hóa không rõ ràng các cơ chế hiện hành. Các bước đi chính trong quá trình cải cách được thực hiện bởi những người không hề được đào tạo ở phương Tây và ít tiếp xúc trực tiếp với thế giới này...
Có lẽ, sự phủ nhận rõ ràng nhất đối với quan điểm đơn giản hóa này là ví dụ về ông Võ Văn Kiệt, được công nhận là người ủng hộ mạnh mẽ cho công cuộc cải cách ở Việt Nam. Ông Võ Văn Kiệt không chỉ không được đào tạo chính quy ở phương Tây, ông cũng không còn trẻ, ngay cả so với những tiêu chuẩn đánh giá dễ dãi của Đông Á. Những trường hợp tương tự có thể bắt gặp ở các cấp lãnh đạo thấp hơn.
"Phá rào" từ miền Nam
Nhìn từ lăng kính của cải cách, điểm khác biệt chính giữa hai miền Nam và Bắc là xuất phát điểm phát triển. Miền Bắc thực thi mô hình kinh tế kế hoạch tập trung suốt hai thập kỷ và bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Thống nhất đất nước không mang lại thay đổi cơ bản nào về mức sống; có lẽ, hòa bình đã cải thiện đời sống cho nhân dân.
Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt trong một chuyến thị sát đường dây 500Kv Bắc - Nam. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Trái lại, miền Nam đã quen với cơ chế thị trường, có cơ sở hạ tầng tốt hơn và một nền nông nghiệp được đầu tư nhiều hơn... Không có gì đáng ngạc nhiên là hầu hết các thử nghiệm “phá rào” đã diễn ra ở đây, dựa trên kinh nghiệm còn nóng hổi của người dân về cơ chế thị trường và năng lực kinh doanh còn nguyên vẹn.
Các thử nghiệm “phá rào” đã chứng minh một cách rõ ràng lợi ích của việc từ bỏ mô hình bao cấp và tư tưởng mới đã thắng thế...
Một quan điểm thường gặp nữa về cải cách kinh tế ở Việt Nam cho rằng đây là cuộc đấu tranh giữa phong trào ở cơ sở và ban lãnh đạo Trung ương Đảng... Quá trình cải cách, do đó, đi ngược từ dưới lên chứ không phải từ trên xuống...
Nghiên cứu kỹ hơn kết quả phát triển của các địa phương cho thấy những câu chuyện về thành công có cả ở miền Nam và miền Bắc, chủ yếu ở những nơi mà ban lãnh đạo quyết tâm cải tổ. Với thực tiễn cử cán bộ có năng lực đến thử sức tại các địa phương không phải là nơi xuất thân của họ, nên lãnh đạo các địa phương không hoàn toàn là người địa phương.
Cuối cùng, một quan điểm thường gặp nữa về cải cách kinh tế ở Việt Nam cho rằng đây là cuộc đấu tranh giữa phong trào ở cơ sở và ban lãnh đạo Trung ương Đảng... Quá trình cải cách, do đó, đi ngược từ dưới lên chứ không phải từ trên xuống...
Cách lý giải này đúng ở chỗ đã nêu bật tầm quan trọng của sự phát triển ở điạ phương nhằm tạo ra thay đổi, như trường hợp của các thử nghiệm “phá rào”. Tuy nhiên, nó bỏ qua vai trò của cấu trúc và hình thức tổ chức hoạt động của Đảng trong việc chuyển đổi sự phát triển của địa phương thành những cuộc cải cách có quy mô rộng hơn.
Lãnh đạo địa phương được Đảng tin
Các nhà lãnh đạo địa phương đã tạo ra động lực này thực tế giữ những cương vị cao trong Đảng, và đây là một trong những lý do khiến họ có khả năng “được miễn trừ”... Những người này đều đã tham gia chiến đấu trong chiến tranh, được thử thách về chính trị và được Bộ Chính trị tin tưởng.
Các nhà lãnh đạo địa phương này đã không làm trái lệnh mà chọn cách chuyển lên các cấp lãnh đạo cao hơn những giải pháp mà họ tìm ra nhờ sự sáng tạo của bản thân và đóng góp của người dân địa phương. Cũng nhờ vậy mà họ đã thu hút được sự chú ý của ban lãnh đạo Đảng.
Các vị lãnh đạo cao cấp Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng... dự Hội nghị Phước Long tổ chức tại Công ty Dệt Phước Long, TP.HCM. Ảnh tư liệu. |
Phải thừa nhận rằng, các thử nghiệm “phá rào” mở đường cho công cuộc cải cách toàn diện sau này đã được tiến hành bên lề hệ thống, trên làn ranh giới của sự hợp pháp. Tuy nhiên, những người tiến hành các cuộc thử nghiệm này đều giữ vững lòng tin vào Đảng, và đây là lý do vì sao họ nêu lên các vấn đề mà họ quan ngại với thái độ tôn trọng. Lãnh đạo Đảng đã phản hồi ngay và xem xét các mối quan ngại đó.
Một điều rõ ràng là không phải ai cố gắng đưa ra các thay đổi cũng thành công. Nhưng những khó khăn về kinh tế nảy sinh từ cơ chế cũ đã làm giảm sự phản đối đối với những người thử nghiệm “phá rào”. Do đó, hàng rào mới chỉ bị chọc thủng ở cấp cơ sở, song cuối cùng lại được dẹp bỏ ở cấp trung ương.
Năm 1979, trên tinh thần hoàn toàn ủng hộ phong trào “phá rào”, Hội nghị Trung ương VI đã coi hành động phá giá quy định là “cởi trói sản xuất”. Năm 1980, chính quyền địa phương đã được phép xuất nhập khẩu trực tiếp, nhờ đó hợp thức hóa được các công ty “imex”.
Năm 1981, Ban Bí thư đã cho phép thực hiện khoán sản phẩm trong nông nghiệp. Và cũng trong năm 1981, hệ thống ba loại kế hoạch cho doanh nghiệp cũng đã được hợp thức hóa, cùng với việc thúc đẩy mối quan hệ giữa doanh nghiệp - doanh nghiệp và doanh nghiệp - thị trường.
Đổi mới đã đẩy mạnh và nhân rộng xu thế này. Tuy nhiên, Đổi Mới chỉ diễn ra trong khuôn khổ các nghị quyết của Đảng chứ không vượt ra ngoài. Ở những lĩnh vực nhạy cảm, việc chuyển từ thử nghiệm mang tính địa phương sang chính sách quốc gia đòi hỏi phải được Bộ Chính trị cho phép.
Như vậy, động lực cho công cuộc cải cách đã được quyết định thống nhất trong nội bộ Đảng, chứ không chống lại Đảng.