Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Đội lốt hàng Việt để bán trong nước là hiện tượng mới, bất thường'

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trước đây nhiều sản phẩm gian lận xuất xứ để lợi dụng ưu đãi thuế quan, đi EU và các nước, còn bây giờ hàng hóa giả Made in Vietnam để bán trong nước.

Tại cuộc họp liên quan chống lẩn tránh phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ sáng 9/7, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh chỉ rõ việc hàng nước ngoài đội lốt xuất xứ hàng Việt không mới, nhưng mới trong tính chất hoạt động thương mại.

Lợi dụng tâm lý người dùng để trục lợi

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ rõ trước đây, sản phẩm gian lận xuất xứ để tranh thủ lợi dụng ưu đãi thuế quan trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA), ví dụ đội lốt để xuất khẩu đi EU, xuất vào các nước trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Hiện nay, gian lận xuất xứ hàng Việt nhắm ngay vào tiêu thụ tại Việt Nam.

Theo ông, đây là "hiện tượng mới và có điểm bất thường". Việc này gây tổn hại tới thị trường nội địa, lòng tự tôn dân tộc, tình cảm và xu thế của người tiêu dùng.

Het doi lot hang Viet xuat Au,  My anh 1
Khoai tây Trung Quốc đội lốt hàng Đà Lạt để bán vào thị trường Việt Nam. Ảnh: Tạp chí Công Thương.

Dẫn ra câu chuyện nông sản Trung Quốc đội lốt nông sản Đà Lạt, hay câu chuyện sản phẩm Asanzo, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng có chuyện lợi dụng thương hiệu, tâm lý người dùng để trục lợi.

Bộ trưởng Công Thương đề nghị phải nghiên cứu đánh giá về tính chất, mức độ, yêu cầu đặt ra trong quản lý. Quản lý Nhà nước phải có điều chỉnh để hoàn thiện khung khổ pháp luật.

Gian lận tinh vi, từ dệt may, giày dép đến nông sản…

Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), cho biết 1-1,5 năm gần đây, cơ quan này phát hiện nhiều trường hợp hàng hoá lưu thông trên thị trường nội địa nhưng xuất xứ không đúng. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu vào Việt Nam, hàng chất lượng thấp, giá rẻ. Có hàng hoá thẩm lậu qua biên giới vào Việt Nam mà trên bao bì ghi rõ là xuất xứ tại Việt Nam.

"Tháng 11/2018 có vụ việc nhiều vật liệu xây dựng, ổ khoá từ biên giới về nhưng ghi là Made in Vietnam. Việc làm hàng vi phạm xuất xứ hàng hoá hình thành cả đường dây đặt gia công ở nước ngoài.

Cũng vào thời điểm cuối năm ngoái, có vụ việc khoai tây Trung Quốc được đem lên Đà Lạt, trộn đất và nói là khoai tây Đà Lạt. Hành vi gian lận xuất xứ đó khá khó khăn trong công tác xác minh”, ông Linh lấy dẫn chứng.

Lỗ hổng Asanzo: Chưa có văn bản quy định tỷ lệ nội địa Luật quy định hàng xuất khẩu được đóng mác Made in Vietnam là phải có từ 35-55% là linh kiện sản xuất nội địa. Tuy nhiên ở trong nước lại chưa có văn bản quy định về tỷ lệ này.

Ngoài ra, nhiều mặt hàng khác có sự gian lận xuất xứ như dệt may, giày dép, đồ chơi trẻ em. Đáng chú ý, những mặt hàng này bị phát phiện chứa độc tố hoặc có hàm lượng vượt mức cho phép, đặc biệt là chất phụ gia nằm ngoài danh mục trong sản phẩm liên quan đến thực phẩm.

Theo ông Linh, phương thức gian lận xuất xứ khá tinh vi, thường là luồn lách, sản xuất bên Trung Quốc, in bao bì nhãn mác hoặc nhập nguyên liệu, linh kiện vào Việt Nam sản xuất, sau đó dán nhãn tại Việt Nam. Nhãn mác Made in Vietnam được hợp thức hoá bằng nhiều hình thức, làm giả tinh vi, luồn lách hệ thống pháp luật.

Song song với đó, khâu phân phối, tiêu thụ các mặt hàng quá dễ dàng, đặc biệt là hàng bán trên mạng, rất khó kiểm soát, xử lý.

Sửa cơ chế chính sách

Về mặt giải pháp, ông Linh cho rằng quan trọng nhất là tăng cường công tác cảnh báo chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành với nhau. Ví dụ, cơ quan hải quan khi phát hiện lô hàng có nghi ngờ gian lận xuất xứ phải cảnh báo. Lực lương quản lý thị trường cũng yêu cầu hiệp hội, doanh nghiệp nắm được kênh phân phối, khi có vấn đề, tình hình gì phát sinh phải báo ngay cho lực lượng chức năng…

“Tuy nhiên, căn cơ nhất là phải có biện pháp lâu dài về mặt công nghệ. Ví dụ, với nông sản, để xác định rõ nguồn gốc có phải hàng Việt Nam hay không phải truy xuất nguồn gốc. Tới đây, Tổng cục Quản lý thị trường đề xuất Bộ Công Thương đứng ra chủ trì Đề án hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào công tác truy xuất nguồn gốc, chống giả mạo chứng nhận xuất xứ hàng hoá (CO).

Tiếp đó, vấn đề đặt ra là phải sửa đổi cơ chế chính sách, hoàn thiện khung khổ pháp luật.

Ông Linh cho biết hiện nay, lực lượng quản lý thị trường gặp tình huống khi xử lý hàng hoá không phải Việt Nam mà gắn mác “Made in Vietnam” đều phải đi đường vòng như xử lý vì không có hoá đơn chứng từ hay đem đi kiểm nghiệm, kiểm tra xem hàng hoá có đảm bảo hay không chứ không thể xử lý là hàng gắn mác “Made in Vietnam” mà không phải hàng Việt Nam.

Het doi lot hang Viet xuat Au,  My anh 2
Theo quan chức Bộ Công Thương, vụ việ của Asanzo đặt ra vấn đề liên quan đến quy định dán nhãn hàng Việt Nam. Ảnh: Asanzo.

“Vấn đề pháp lý là quan trọng, đặc biệt là khâu xác minh nguồn gốc hàng hoá. Thông thường phải bắt quả tang mới xử lý được. Ví dụ, trong trường hợp gian lận của Khaisilk, phải bắt quả tang phía Khaisilk cắt mác Trung Quốc và gắn mác “Made in Vietnam” lên sản phẩm mới xử lý được lô hàng đó. Các lô hàng khác phải đem đi xác minh, kiểm tra, giám định…

Với trường hợp khoai tây Trung Quốc đội lốt khoai tây Đà Lạt, dù có đem đi giám định vẫn là củ khoai tây… Hàm lượng giống nhau làm sao xác minh được, trong khi đó người bán vẫn nói rằng đó là khoai tây Đà Lạt”, ông Linh nói.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết cơ quan này đang xây dựng một thông tư hướng dẫn trong việc cấp chứng nhận hàng hoá sản xuất tại Việt Nam chung cho mọi sản phẩm tiêu thụ tai Việt Nam.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý đây là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm cần làm cẩn trọng. Bước đầu, Bộ Công Thương đã có báo cáo Thủ tướng về vấn đề này và sẽ làm thận trọng hơn trong thời gian tới.




Ánh Dương

Bạn có thể quan tâm