Những cầu thủ thuộc đội hình B chỉ xếp sau đội hình A bởi các phiếu bầu từ 140 nhà báo thể thao uy tín trên toàn thế giới. |
Thủ môn Gianluigi Buffon: Thủ thành sinh năm 1978 là người hay nhất trong thế hệ của mình ở vị trí chốt chặn. Tại World Cup 2006, Buffon không để thua bàn bóng sống nào từ đối thủ trong cả giải đấu. Người gác đền sinh năm 1978 là thủ môn duy nhất giữ sạch lưới tại Champions League trong 4 thập niên. |
Hậu vệ trái Roberto Carlos: Anh chỉ thua hậu vệ trái ở đội hình A trong danh sách của France Football là Paolo Maldini. Năm 2002, Roberto Carlos vô địch World Cup cùng ĐT Brazil và Champions League cùng Real Madrid. Chia sẻ với Zing năm 2019, Roberto Carlos thừa nhận nuối tiếc lớn nhất sự nghiệp là không giành Quả bóng Vàng năm đó. |
Trung vệ Franco Baresi: So với người ở đội hình A là Franz Beckenbauer, Baresi không thua thiệt quá nhiều về tài năng và số lần vô địch cúp châu Âu. Tuy nhiên, việc chỉ đóng vai trò dự bị trong đội hình vô địch World Cup 1982 của Italy khiến Baresi lép vế hơn "Hoàng đế" người Đức. Dẫu vậy, trong đội hình B, Baresi là lựa chọn không thể chối từ ở vị trí trung vệ. |
Hậu vệ phải Carlos Alberto: Đội trưởng ĐT Brazil tại World Cup 1970 là một trong những người hay nhất ở vị trí của mình. Ông còn là người kết thúc pha ghi bàn phối hợp tập thể hay nhất lịch sử cúp thế giới. Đó là bàn ấn định tỷ số 4-1 trong trận chung kết World Cup 1970 giữa Brazil và Italy. |
Tiền vệ phòng ngự Frank Rijkaard: Năm 1988 và 1989, Frank Rijkaard đều giành Quả bóng đồng châu Âu sau khi chơi bùng nổ trong màu áo AC Milan và ĐT Hà Lan, chỉ về đích sau chính những người đồng đội như Gullit, Van Basten hay Baresi. Năm 1993, khi Rijkaard rời Milan, CĐV của đội bóng áo sọc đỏ đen đã giơ cao tấm băng rôn với nội dung "Chúng tôi sẵn sàng đổi 3 cúp châu Âu để có lại anh, Frank". Ở cấp độ ĐTQG, Rijkaard cùng Hà Lan giành chức vô địch EURO 1988. |
Tiền vệ phòng ngự Andrea Pirlo: Người Italy gọi Pirlo là Il Maestro tức "ảo thuật gia". Trong thế hệ cùng trang lứa, Pirlo không thua kém bất kỳ ai. 2 chức vô địch Champions League cùng 1 World Cup là minh chứng cho bộ sưu tập danh hiệu đồ sộ và tài năng của Pirlo. |
Tiền vệ công Zinedine Zidane: Zidane bị gạt khỏi đội hình A bởi France Football đẩy Pele và Maradona xuống nhóm vị trí này. Xét về tài năng, Zizou không thua kém bất kỳ ai ở vị trí hộ công. Tầm ảnh hưởng của huyền thoại sinh năm 1972 tới ĐT Pháp trong thời kỳ đỉnh cao là điều chưa từng được tái hiện ở bất kỳ đội tuyển nào sau này. Cú húc đầu vào ngực Marco Materazzi tại chung kết World Cup 2006 khiến ngày chia tay bóng đá của Zidane bớt lung linh. |
Tiền vệ công Alfredo Di Stefano: "Mũi tên bạc" là cầu thủ duy nhất trong lịch sử bóng đá thế giới giành "Siêu Quả bóng Vàng" (Super Ballon D'or). Huyền thoại của Real giành danh hiệu này vào năm 1989 sau khi đánh bại Johan Cruyff và Michel Platini. Di Stefano là người mở ra chu kỳ thống trị bóng đá châu Âu đầu tiên của Real với 5 cúp C1 châu Âu trong thập niên 50 và đầu 60. |
Tiền đạo cánh trái Ronaldinho: Khó ai vượt qua được Cristiano Ronaldo về số bàn thắng và danh hiệu ở vị trí tiền đạo trái trong lịch sử, nhưng xét về sự ngẫu hứng, kỹ thuật lẫn sự say đắm, Ronaldinho có thể là số một. Đỉnh cao phong độ của Ronaldinho kéo dài trong khoảng nửa thập niên, nhưng vào thời kỳ sung mãn nhất, số 10 của Barca là không thể bị ngăn cản. |
Tiền đạo phải Garrincha: Chỉ có Diego Maradona trong lịch sử đủ bản lĩnh để sánh ngang với Garrincha về thành tích một mình kéo cả đội tới chức vô địch World Cup. Tại kỳ cúp thế giới năm 1962 trên đất Chile, sau khi Pele dính chấn thương ngay trận ra quân, Garrincha rực sáng khi ghi 4 bàn giúp Selecao vô địch World Cup lần thứ hai liên tiếp. Huyền thoại với đôi chân khập khiễng Garrincha tới giờ vẫn được coi là cầu thủ được người Brazil yêu quý hơn cả. |
Trung phong Johan Cruyff: Ông chỉ dự một kỳ World Cup năm 1974, nhưng tầm ảnh hưởng tới bóng đá hiện đại là không ai sánh bằng. Triết lý bóng đá tổng lực với Cruyff làm thủ lĩnh là tiền đề cho lối chơi của Ajax hay Barca ngày nay. Cruyff cũng là cầu thủ đầu tiên giành 3 Quả bóng Vàng châu Âu. |