Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đổi ca, làm đêm để tránh nóng

Dự báo trong mùa hè này, miền Bắc còn chịu nhiều ngày nắng nóng lên đến 40 độ C. Do đó, chủ động đối phó với nắng nóng là điều mà nhiều cơ sở sản xuất đã tính tính tới.

Chuyển giờ làm

Theo nhận định từ Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, đến giữa tháng 6, khu vực Bắc bộ tiếp tục có những ngày nắng nóng 35-38 độ C. Khu vực Trung bộ tiếp tục duy trì với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 35-38 độ C, có nơi 39-40 độ C. 

Đặc biệt, dự báo trong tháng 6, các tỉnh Bắc bộ và Trung bộ có khả năng sẽ xuất hiện nhiều ngày nắng nóng hơn so với nhiệt độ trung bình nhiều năm. Đây là những thông tin khiến nhiều người e ngại, đặc biệt là những cơ sở sản xuất theo hình thức hộ gia đình với trang thiết bị thô sơ, thiếu hệ thống làm mát.

Ông Nguyễn Văn Khanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần cơ khí đúc Cửu Long cho biết, trời nóng nên dẫn tới tình trạng công nhân nhanh chóng kiệt sức, mệt mỏi và đều xin giảm giờ làm để nghỉ ngơi. Với nguồn nhân lực khan hiếm nên công ty phải chấp nhận sản xuất ít đi, nếu cứ bắt công nhân làm việc đầy đủ cũng không hiệu quả. 

Từ khi có đợt nóng đến nay, năng suất sản lượng của công ty giảm từ 20-30%. Vì thế, công ty đã có những điều chỉnh nhằm giúp công nhân thoải mái hơn trong công việc.

Những điều chỉnh này, theo ông Khanh, do đặc thù công việc của công ty là công nhân phải làm theo ca. Ca trước làm một công việc liên quan đến ca sau nên không thể dồn hết công nhân vào làm ca tối được. Do vậy, công ty chỉ có thể lui thời gian bắt đầu làm việc buổi chiều từ 13h xuống 15h, giúp công nhân tránh được khoảng thời gian nắng nóng gay gắt nhất trong ngày.

Trời nắng nóng nhiều ngày, người làm gốm tuy vất vả nhưng sản phẩm lại được phơi khô nhanh hơn. Ảnh: Danh Lam.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp (DN) cơ khí đã nghĩ ngay tới phương án “trốn” nóng bằng cách chuyển từ làm ngày sang làm đêm. Đại diện Công ty TNHH kim khí Anh Tú cho biết, trong tất cả các công đoạn gia công cơ khí, những người phụ trách việc nấu chảy sắt chịu nhiều tác động nhất. 

Vì thế, công ty đã chuyển sang làm đêm để giúp tạo không khí mát mẻ hơn cho công nhân. Đồng thời, công ty có thể tận dụng được giá thành rẻ và độ ổn định của nguồn điện trong giờ thấp điểm. Hơn nữa, khi đã chuyển hẳn sang làm đêm thì ban ngày công nhân sẽ được nghỉ ngơi. Khi đó, công việc vào ban đêm cũng không bị tính là làm thêm giờ.

Chủ động đối phó

Trên đây là tình trạng chung của nhiều DN có quy mô nhỏ chứ không chỉ riêng ngành cơ khí tại các tỉnh phía Bắc. Theo ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, thời tiết nắng nóng không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà còn gây ra những hệ lụy về khói bụi, thiếu điện, thiếu nước… khiến hoạt động sản xuất gặp nhiều khó khăn. 

Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng còn gây ảnh hưởng đến tâm lý đi mua sắm của người tiêu dùng. Mới đây nhất, một hội chợ tại Hà Nội quy tụ nhiều DN từ các làng nghề truyền thống đến bày bán, giới thiệu sản phẩm được tổ chức. Tuy nhiên, một phần vì trời quá nóng khiến lượng khách đến tham quan, mua sắm rất ít, các gian hàng đều ế ẩm.

Nói về cách đối phó với thời tiết của các cơ sở sản xuất tại làng nghề, ông Lưu Duy Dần cho biết, các cơ sở này phần lớn là kinh doanh theo hộ gia đình. Nguồn nhân lực có thể chỉ cần 5-7 người, là người trong nhà hay trong làng nên việc điều tiết công việc dễ dàng hơn. 

Những người này sẽ dễ dàng chủ động đưa ra được phương án giải quyết khó khăn. Chính vì thế, nhiều DN kiểu này đã chuyển sang làm việc vào ban đêm để sản xuất được hiệu quả hơn mà tránh được nắng nóng.

Nắng nóng ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất lao động của công nhân. Ảnh: Tất Thảo.

Có một điều đặc biệt, bên cạnh nhiều DN chịu ảnh hưởng bởi thời tiết phải lên phương án “trốn” nóng, một số DN do đặc thù sản xuất còn tận dụng thời tiết để giúp công việc đạt hiệu quả hơn. Theo các DN này, trời nóng tuy có vất vả cho công nhân nhưng tiến độ lại được nhanh và hiệu quả.

Ví dụ tiêu biểu nhất cho trường hợp trên là các DN làm nghề gốm sứ. Nói đến gốm sứ, nhiều người hẳn sẽ rất ái ngại khi nghĩ tới cảnh công nhân phải làm việc bên cạnh lò nung lên tới hàng nghìn độ dưới cái nóng như thiêu như đốt. 

Mặc dù vậy, theo đại diện của Công ty TNHH Sản xuất và Phát triển thương mại Anh Tuấn (DN chuyên sản xuất các mặt hàng gốm sứ tại Bát Tràng, Hà Nội), chính thời tiết như trên lại thuận lợi cho việc phơi khô sản phẩm trước khi đem vào lò nung. Mặc dù người công nhân phải làm việc dưới trời nóng nhưng vẫn sẽ được lợi về mặt thời gian và số lần mang sản phẩm ra phơi nắng.

Có thể thấy, với thời tiết diễn biến bất thường, các DN nên có sự chủ động, chuẩn bị trước cơ sở vật chất, tìm cách thay đổi phương án kinh doanh sản xuất để không ảnh hưởng đến năng suất lao động. Tuy nhiên, các DN không nên vì tiến độ công việc, doanh thu lợi nhuận mà quên đi những biện pháp hỗ trợ, bảo đảm về sức khỏe cho người lao động.

Khuyến mại lạ ở Hà Nội: Giảm giá theo nhiệt độ

Những ngày nắng nóng, một hệ thống thời trang dành cho teen ở Hà Nội đã áp dụng khuyến mại giảm giá sản phẩm tương ứng với nhiệt độ ngoài trời.

http://www.baohaiquan.vn/pages/doi-ca-lam-dem-de-tranh-nong.aspx

Theo Hương Dịu/Báo Hải Quan

Bạn có thể quan tâm