Thời gian qua, khi các phương tiện truyền thông điện tử bùng nổ, các trang mạng xã hội phát triển, thu hút sự quan tâm ngày càng cao của đông đảo công chúng, kèm theo đó là thói quen cập nhật các giá trị tinh thần, các luồng thông tin nhanh, gọn, trực tiếp đã lấn át thói quen đọc sách của một bộ phận lớn nhân dân, đặc biệt là giới trẻ.
Sống nhanh, sống vội kéo họ ngày càng rời xa một hoạt động tinh thần truyền thống, chậm rãi nhưng sâu sắc là đọc sách. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là văn hóa đọc bị xóa bỏ. Trong đời sống hiện nay, vẫn còn rất nhiều người, nhất là các bậc cao tuổi, đọc sách luôn là hoạt động quan trọng trong đời sống thường ngày.
Ông Hồ Kiểm Duyệt ở thôn An Định, xã Hồng Thủy (Lệ Thủy) đã hơn 90 tuổi nhưng đọc sách là niềm vui không thể thiếu trong cuộc sống. Ông nguyên là cán bộ tài chính, công việc vốn không liên quan gì nhiều đến sách, báo, chữ nghĩa nhưng từ những ngày còn công tác, đọc sách là một giải pháp cân bằng đời sống tinh thần rất quan trọng của ông.
Mỗi ngày đọc ít trang sách sau giờ làm việc, chìm đắm vào những câu chuyện trong đó, giúp ông vượt thoát vòng quay những con số và tìm thấy sự tỉnh táo để tiếp tục làm tốt công việc chuyên môn. Lâu dần thành thói quen, đến khi về hưu thì sách thực sự trở thành người bạn tâm giao đồng hành cùng ông.
Với ông Hồ Kiểm Duyệt, khi cuộc sống của người cao tuổi càng ngày càng thu hẹp do tuổi cao, sức yếu, mọi giao tiếp giới hạn trong gia đình, thôn xóm thì sách, báo các loại là cánh cửa mở rộng ra thế giới bên ngoài. Đọc sách, báo không chỉ là giải pháp để giải trí, giúp những người cao tuổi như ông tiếp thu thêm kiến thức, nâng cao hơn hiểu biết về đời sống văn hóa đang thay đổi từng ngày, mà còn là một kênh quan trọng để lớp người như ông có thể cập nhật thông tin thời sự trong nước, thế giới dễ dàng, hiệu quả.
Hiện nay, ở thôn An Định, xã Hồng Thủy, ngôi nhà của ông Hồ Kiểm Duyệt như một địa chỉ văn hóa nho nhỏ mà vui vẻ. Sách, báo, tạp chí được ông sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng trên giá. Nhiều ông bà trong thôn tìm đến đây để mượn hay trao đổi sách, cũng có khi cùng ông đàm đạo về vấn đề đọc được trên báo, có khi là tình tiết hay trong sách.
Ông Hồ Kiểm Duyệt. |
Một ấm trà nhỏ bên hiên nhà cùng những câu chuyện hay vừa đọc được đã giúp cuộc sống của những người cao tuổi ở quê trôi đi rất thú vị và ý nghĩa. Thỉnh thoảng gặp tôi, ông lại nhắc có gì đọc nhớ mang lên cho ông mượn “vì mấy cuốn sách ở nhà, ông và mọi người trong thôn đọc đến lần thứ mấy rồi!”.
Điều đó chứng tỏ, niềm vui đọc sách trong các tầng lớp nhân dân không hề bị mai một. Tôi quý trọng niềm đam mê đọc sách của ông và bà con ở quê nên mỗi lần về là gom hết mọi loại tạp chí, sách, báo chuyển lên biếu họ. Và như mọi lần ông Duyệt đều dẫn tôi đến bên giá sách của ông để khoe là ông đã có thêm được mấy cuốn rồi, nguồn gốc nội dung từng cuốn ra sao, rồi nói rằng: “ Sách chưa đọc là sách mới. Sách đọc rồi mà vẫn còn những điều chưa thấu hiểu cũng như chưa đọc!”.
Ông Nguyễn Xuân Triết ở Phú Xá, xã Lộc Ninh (TP. Đồng Hới) cũng là một người coi đọc sách như hơi thở, đã tròn 90 tuổi nhưng niềm đam mê đọc sách của ông thì không vì tuổi tác mà giảm đi. Ông nói rằng, càng cao tuổi càng rảnh rỗi thì càng phải đọc sách nhiều hơn để rèn luyện trí óc và để không bị tụt hậu.
Ông Triết nguyên là Phó Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Bình những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Từ những tháng ngày khó khăn, gian khổ, bận rộn với công tác Đoàn ông đã thích đọc. Trên đầu giường hay trong ba lô mỗi chuyến công tác, ông luôn luôn có một cuốn sách gì đó để dành khi rảnh rỗi. Sách cũ vì qua tay nhiều người đọc, giấy rất xấu và chữ in cũng mờ nhòe nhưng rất quý vì lúc bấy giờ sách là đồ hiếm. Sách trở thành người bạn đồng hành từ khi ông là một thanh niên hăng hái tham gia công tác Đoàn cho khi gần đến tuổi bách niên.
Ông chia sẻ: “Tôi sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, không có điều kiện để học hành đến nơi, đến chốn nên tôi phải vừa làm, vừa học để trau dồi đạo đức, bản lĩnh chính trị và nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Khi công tác ở Tỉnh đoàn Quảng Bình và ở Ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Trị Thiên, tôi đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sách chính là môi trường học tập quan trọng của tôi. Tôi 90 tuổi thì có hơn 70 năm gắn bó với sách”.
Ông Nguyễn Xuân Triết. |
Ông Triết đặc biệt thích đọc tiểu thuyết, một thể loại mà hiện nay rất nhiều người ngại đọc. Theo ông, tiểu thuyết là bức tranh toàn cảnh từng thời kỳ của xã hội. Đọc và suy ngẫm những điều trong đó sẽ nhận biết được tình hình thực tiễn của xã hội đương thời. Ngày còn trẻ, ông thích đọc sách văn học Nga Xô Viết, văn học cổ điển Trung Quốc. Hiện nay, ông quan tâm nhiều đến tiểu thuyết Việt Nam đương đại và thỉnh thoảng đọc lại sách thời kỳ chống Mỹ cứu nước như là để hồi nhớ lại những tháng ngày tuổi trẻ.
Với ông, thói quen đọc sách, báo giúp ông cập nhật tình hình quê hương, đất nước và những chuyển động của xã hội hiện đại để làm giàu có thêm đời sống tinh thần, là giải pháp dưỡng sinh trí não hiệu quả để ông sống vui, sống khỏe. Vậy nên, mặc dù con cháu đã mua tặng ông điện thoại thông minh, trong nhà có tivi kết nối internet nhưng ông vẫn thích đọc sách mỗi ngày và ông thấy vui vẻ vì điều đó.
Mỗi trang sách là một ô cửa, tuổi già không cô đơn nhờ những trang sách. Điều ông mong mỏi là những cuốn sách ông để trên bàn sẽ gây sự chú ý đối với các con, cháu và một lúc nào đó họ sẽ bỏ chiếc smartphone xuống, cầm cuốn sách lên để đọc nó, dù chỉ một vài trang, từ một vài trang sẽ rất nhiều trang cho đến cuối cùng.
Tính lan tỏa của ông Hồ Kiểm Duyệt hay mong mỏi của ông Nguyễn Xuân Triết cũng là mục đích chung của nhiều người nhằm kéo sức sống trở lại cho văn hóa đọc ở mỗi làng quê, trong mỗi gia đình.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.