Độc giả thất vọng vì VFF, ủng hộ Super Liga của ‘bầu’ Kiên
Không chỉ nhiệt tình ủng hộ những phát biểu thẳng thắn của ông chủ Hà Nội ACB Nguyễn Đức Kiên, độc giả còn chỉ ra những khúc mắc của VFF cũng như thực trạng rối rắm của V-League hiện nay.
>> 7 đội bóng dọa bỏ V-League, lập giải Super Liga
Đừng để người Việt Nam quay lưng với bóng đá Việt Nam
Đại đa số các độc giả sau khi đọc bài 7 đội bóng dọa bỏ V-League, lập giải Super Liga đều bày tỏ sự ủng hộ tuyệt đối với những phát biểu của “ông bầu” Nguyễn Đức Kiên và Phó chủ tịch VFF, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Eximbank Lê Hùng Dũng. Phải thực hiện cải tổ triệt để là suy nghĩ chung của các độc giả dành cho VFF, trong khi một số ý kiến tiêu cực lại đề nghị “bài trừ V-League, lập Super Liga” giống như đề xuất của “ông bầu” Nguyễn Đức Kiên. Có thể thấy rõ người hâm mộ bóng đá nước nhà đang mất dần niềm tin và VFF và giải bóng đá số 1 Việt Nam mang tên V-League.
Ông Nguyễn Đức Kiên phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Bách Nhật) |
Độc giả Khánh Duy (khanhduyspdcantho@yahoo.com): VFF và cầu thủ Việt có vấn đề
- Bóng đá Việt Nam phải cần những người như bầu Kiên, Long. Tựu trung lại là phải cần một cuộc chơi mang tính chân thực và phải chấp nhận tính chân thực. LĐBĐ Việt Nam (VFF) không thừa nhận khuyết điểm là điều đương nhiên, vì nếu thừa nhận thì không chỉ 7 đội bóng mà là 10 hoặc hơn thế tẩy chay V-League (đương nhiên trừ Hải Phòng ra vì theo nhận định của tôi thì nếu không có VFF, không có trọng tài của VFF thì Hải Phòng giờ này xuống chơi hạng 2, 3 từ lâu rồi).
Cầu thủ Việt Nam, điển hình Việt Thắng và Như Thành, là những tay chơi khét tiếng trong làng bóng đá, chơi bóng với tham vọng cá nhân bất chính chứ không phải xem bóng đá là nồi cơm. Cầu thủ nước ngoài cũng có lòng tham, nhưng đó là lòng tham danh hiệu, tham bàn thắng, sẵn sàng lăn xả gãy chân, bể đầu để biến lòng tham thành hiện thực. Còn bóng đá Việt Nam, các đội, cầu thủ cũng tham danh hiệu, bàn thắng, nhưng không dại gì đá cho què cẳng. Nếu họ thu được 10 thì để cho trọng tài 2 hoặc nhờ đội bạn nương tay để lại cho bạn 5!?
Anh Trúc (bonnygirl90@yahoo.com): Bóng đá Việt Nam đang đi theo lối mòn
- Thực trạng của bóng đá VN hiện nay là còn đi theo lối mòn của cách quản lý 20 năm trước. Những nhân vật nắm những chức vị quan trọng thì lại không xông xáo trong việc điều hành giải. Thậm chí khi đội tuyển quốc gia VN chọn HLV trưởng, mặc dù báo chí đã đưa tin rất nhiều về việc ông Hristo Stoichkov - huyền thoại một thời của bóng đá Bulgaria - nộp đơn xin xét tuyển thì chính ông Nguyễn Trọng Hỷ có đăng đàn bảo rằng không hề biết việc này.
Thử hỏi với cương vị một người đứng đầu nền bóng đá nước nhà mà có những phát biểu đi ngược với truyền thông như thế thì còn nói ai nghe. Hôm qua tôi có nghe trực tiếp bài phát biểu của bầu Kiên và nhận thấy rằng đây cũng là bức xúc chung của toàn xã hội chứ không riêng gì các đội bóng tham gia V-League. Chữ "Chuyên Nghiệp" trong cách làm bóng đá của VN thì chỉ mới "chuyên" ở lời hứa chứ còn cách làm thì e là con xa lắm...
Lê Toàn (leejack677@gmail.com): Đừng để người Việt quay lưng với bóng đá Việt
- Tôi mê bóng đá, nhưng không hề thích bóng đá Việt Nam vì nó nhiều tiêu cực và không chuyên nghiệp. Bóng đá Việt Nam ngoài việc đá trên sân cỏ còn phải đá trên mặt ngôn luân, cần có sự phát biểu mạnh mẽ hơn nữa những tiêu cực như vậy. mong rằng sự thay đổi mới sẽ làm VFF chuyên nghiệp hơn và được nhiều người yêu bóng đá quê hương mình.
Xem TV những trận thi đấu của đội tuyển VN , tôi thấy phong cách của ngài chủ tịch VFF rất tệ, bắt tay với quan khách nước ngoài không dám nhìn thẳng, tóc thì rối tinh rối mù, nụ cười gượng ép như không được vui lắm. Một người thay mặt cho tập thể có nên như thế không?
Đã lâu lắm rồi tôi không còn xem V-League nữa vì có quá nhiều điều gai mắt ung nhọt tồn tại. Đừng để người Việt Nam quay lưng với bóng đá Việt Nam.
Kiệt (bongda2001@gmail.com): Cần thay đổi cơ chế làm bóng đá
- Muốn nền bóng đá VN khởi sắc, trước hết phải thay đổi toàn bộ cơ chế quản lý và điều hành của bóng đá, trước hết là LĐBĐVN. Theo tôi, LĐBĐVN phải là một tổ chức xã hội nghề nghiệp chính nghĩa, hoạt động do kinh phí của các CLB đóng góp và các nguồn thu hợp pháp từ tài trợ và truyền hình, các ủy viên của Liên đoàn phải là những chuyên gia và người có tâm huyết do chính các đội bóng bầu ra, không được cho quan chức Nhà nước tham gia. Do đó, nếu LĐBĐVN không làm tốt, thì chính các CLB sẽ quyết định loại bỏ và thay bằng người khác theo quy luật thị trường.
Các CLB bóng đá phải hoạt động như một công ty cổ phần (huy động cổ đông chủ yếu từ các doanh nghiệp và cổ động viên), không chịu sự quản lý của các Sở Thể thao địa phương, hoạt động theo cơ chế thị trường (nếu đá không tốt, khán giả ít thì thu nhập thấp và ngược lại).
Kiểu cách làm việc của LĐBĐVN mà thành phần là các quan chức nhà nước và do Bộ Văn hòa – Thể Thao – Du Lịch chỉ đạo như hiện nay thì ai làm cũng như vậy thôi, kể cả ông bầu Kiên.
Hoàng (ansd611@yahoo.com): Đâu lại vào đấy
Tôi thấy năm nào kết thúc mùa bóng cũng nói cải tổ nhưng đâu lại vào đấy. Thật ra VFF toàn là những người có năng lực hạn chế, không có hướng giải quyết nào thỏa đáng, xử lý tình huống một cách bị động, luôn biết lắng nghe nhưng không thấu hiểu. Tôi thấy nên thay đổi tất cả từ trên xuống dưới, cái gì cũng phải công khai minh bạch, luật lệ phải rõ ràng. Tôi thấy nên thay đổi VFF từ mùa sau là vừa,VN thiếu gì người tài và có tâm huyết với bóng đá.
Vũ Vương (trangsivuvuong@gmail.com): Thực trạng buồn của bóng đá VN
Nói rất hay, tôi xin đề cập thêm thực trạng hai đội bóng SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T có chung một ông bầu (Bầu Hiển), mùa nào cũng đứng trong Top 3, nhắm mắt cũng biết có “liên minh ma quỷ”. Điều này bóng đá thế giới đã cấm tiệt mà lại xuất hiện ở Việt Nam, thậm chí còn được VFF hoan nghênh nữa chứ. Làm sao bóng đá Việt Nam có thể phát triển được với cách điều hành như thế này? Bó tay toàn tập!
Mjck3y (mjck3y_l0v3_mjn3y@yahoo.com): Nên có một cuộc cải tổ sâu rộng với cả nền bóng đá nước nhà
Ai xem thể thao 24/7 hôm qua chắc hẳn cũng theo dõi bài phát biểu của bầu Kiên. Mặc dù giải V-League không thể đem so sánh với các giải Ngoại Hạng Anh, TBN, Đức... nhưng dù sao cũng là bóng đá nước nhà. Đợt hè vừa rồi mình cũng thi thoảng theo dõi mấy trận ở giải V-League song phải nói rằng càng về vóng cuồi xem càng nhạt. Chém nhau, chơi xấu, dùng tiền… nói chung là dùng mọi cách để thắng, mang tiền thưởng, điểm số về cho đội bóng.
Theo mình có khi những người có tâm huyết với bóng đá nước nhà nên đứng ra hy sinh lợi ích cá nhân để tạo cho bóng đá VN một sân chơi ít nhất cũng phải trong sạch, đúng tinh thần Fair-Play.
Thêm một thông tin nữa. Giờ giải V-League vô địch được 3 tỷ. Nhưng ví dụ như Hà Nội T&T đá thắng một trận đã được thưởng 2-3 tỷ, Vicem Hải Phòng trụ hạng thành công mấy vòng cuối được 10 tỷ thì cầu thủ nào chả máu chiến. Nhưng chiến ở đây là chiến vì tiền. Mình nhớ hồi bé xem đá bóng thời Huỳnh Đức, Hồng Sơn đá rất màu lửa vì màu cờ sắc áo. Giờ thì khác rồi, thậm chí còn trốn tuyển, trốn nghĩa vụ và vinh quang chiến đấu vì tổ quốc. Quá đỗi thất vọng. Nên có một cuộc cải tổ sâu rộng với cả nền bóng đá nước nhà.
Trưởng Ban tổ chức giải V-League, ông Dương Nghiệp Khôi lặng người nghe "bầu" Kiên phát biểu. (Ảnh: Quang Minh) |
Ngoài những đóng góp tâm huyết của các độc giả bên trên, cũng có không ít người hâm mộ tò mò về 7 CLB được “bầu” Kiên nhắc tới trong bài phát biểu lập Super Liga. Khá hài hước, độc giả có nickname “7 phát đạn ân huệ” ở địa chỉ hoacqc@yahoo.com đã đi tiên phong với lời dự đoán dí dỏm: “Đố vui có thưởng: đố các bạn liệt kê đúng tên 7 CLB mà bác Kiên đề cập, mình đoán trước nhé : Hòa Phát-ACB, Ninh Bình, HA Gia Lai, Đồng Tâm Long An, Khánh Hòa, Đồng Tháp, Bình Dương.”
Còn bạn, bạn nghĩ sao về những vấn đề được “bầu” Kiên và các độc giả đưa ra? Hãy nhấn vào đây để phản hồi ý kiến hoặc đóng góp comment ở dưới bài để bày tỏ nhận định.
Vân Thăng
Tổng hợp