Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Độc giả Mỹ tìm đến sách để xoa dịu 'sự điên rồ và buồn bã xung quanh'

Trang CNN gần đây đã có một bài viết phân tích loạt tác phẩm kinh điển giúp độc giả Mỹ chống chọi với khủng hoảng thời Covid-19.

Trong cuốn tiểu thuyết The Plague (Dịch hạch) ra mắt năm 1948, với doanh số tăng vọt trong đợt dịch Covid-19 gần đây, tác giả người Pháp Albert Camus đã phản ánh về bản chất của sự bùng phát dịch bệnh và tâm lý ngỡ ngàng, không lường trước được tình hình của người dân.

"Mọi người đều biết rằng dịch bệnh có thể tái xuất hiện trên thế giới nhưng bằng cách nào đó chúng ta cảm thấy khó tin vào những thứ có thể rơi xuống đầu mình từ một bầu trời trong xanh".

Loạt sách về dịch bệnh lên ngôi

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 thay đổi hoàn toàn sự hiểu biết của chúng ta về thời gian, không gian và vào thời điểm Netflix, Hulu, Amazon Prime, Instagram Live cùng các nền tảng phát trực tuyến cũng như video khác đang trở thành tâm điểm giải trí của nhiều người, sách cũng được chúng ta tìm đến.

Sách là một nơi chốn thoải mái và quen thuộc để đọc lại một câu chuyện yêu thích hoặc trở thành một không gian cho những cuộc phiêu lưu xa và rộng khi chúng ta không thể rời khỏi nhà.

Như Dan Jameson, một người bán sách từ Silver City, New Mexico, đã chia sẻ: "Những bài viết về khu vực Tây Nam với những đoạn văn khắc họa không gian rộng lớn hùng vĩ có thể giúp làm dịu chứng sợ bị vây kín".

Covid-19; Sach ve dich benh; The Plague (Dich hach); The Stand; Stephen King anh 1

Trong thời gian phong tỏa vì dịch Covid-19, nhiều người đã tìm đến thú vui đọc sách. Ảnh: CNN.

Một độc giả khác thẳng thắn chia sẻ với CNN: "Sách thực sự giúp bạn quên đi sự điên rồ và buồn bã xung quanh mình."

Còn độc giả Randy U. ở Monroeville, Pennsylvania, đã bày tỏ: "Người dơi có hang động, siêu nhân có pháo đài còn tôi có một không gian nhỏ để tìm cách thoát khỏi thế giới này và tìm cách chìm đắm trong một cuốn sách hay".

Covid-19; Sach ve dich benh; The Plague (Dich hach); The Stand; Stephen King anh 2

Cuốn sách về bệnh dịch hạch thu hút rất nhiều độc giả. Ảnh: Amazon.

Trong thời gian dịch bệnh, nhiều người đã tìm đọc cuốn The Plague và các tác phẩm khác về đề tài bệnh tật và đại dịch, dù là hư cấu hay có thật.

Trong số đó là cuốn về bệnh dịch hạch ở London năm 1665, A Journal of the Plague Year của Daniel Defoe, ra mắt năm 1722; cuốn The Decameron của Giovanni Boccaccio, một bộ tiểu thuyết từ thế kỷ 14 về Cái chết đen; cuốn The Great Influenza (2004) của John Barry nói về dịch cúm năm 1918; các tiểu thuyết về đại dịch của Emily St. John Mandel như Station Eleven (2015) và gần đây là The Glass Hotel; tiểu thuyết khải huyền World War Z (2006) của Max Brooks; tác phẩm khoa học viễn tưởng châm biếm năm 2018 của Ling Ma Severance hay cuốn tiểu thuyết đen tối về một loại virus tiêu diệt hầu hết nhân loại The Stand (1978) của Stephen King.

Trong những ngày đầu diễn ra phong tỏa ở Mỹ, nhiều độc giả đã làm mờ ranh giới giữa thế giới hư cấu trong The Stand và khoảnh khắc dịch Covid-19 lây lan. Điều này đã khiến chính Stephen King phải tweet để giải thích: "Không, virus corona KHÔNG giống như THE STAND".

Bình luận về cuốn Severance của Ling Ma, độc giả Matthew Denvir đến từ Virginia Beach đã viết: "Đôi khi sách có thể là một lối thoát, đôi khi nó có thể giúp chúng ta đối mặt với nỗi sợ hãi và sự quẩn quanh trong thế giới khó khăn của chính mình".

Xoa dịu sự khắc nghiệt đời thực

Những độc giả khác thì lại tìm đến các cuốn sách kinh điển để “cứu rỗi” tâm hồn, đưa bản thân quay về những không gian xưa cũ.

Trong khi nhiều người say sưa đọc các tác phẩm của Leo Tolstoy, như bộ sách hai tập Anna Karenina hay cuốn War and Peace (Chiến tranh và Hòa bình) thì những người khác tìm đến những câu chuyện gia đình và xã hội như Middlemarch của George Eliot hay Gone With the Wind (Cuốn theo chiều gió) của Margaret Mitchell.

Covid-19; Sach ve dich benh; The Plague (Dich hach); The Stand; Stephen King anh 3

Nhiều tác phẩm kinh điển cũng được độc giả tìm đọc lại. Ảnh: Amazon.

Không có gì lạ khi nhiều độc giả đã thay đổi gu hoặc thậm chí là đảo ngược các thể loại văn chương mình yêu thích. Một số người hay đọc tiểu thuyết đã chuyển sang chuộng các tác phẩm hiện thực và ngược lại.

Một độc giả đã chia sẻ với CNN: Là một người đọc chủ yếu các tác phẩm hiện thực, tôi thấy rằng sự lo lắng của mình đã được xoa dịu nhiều hơn thông qua những câu chuyện được sáng tạo".

Các tiểu thuyết lịch sử và về các danh nhân cũng là một lựa chọn phổ biến trong giai đoạn phong tỏa vì dịch Covid-19. Các cuốn về các nhà lãnh đạo, cả quá khứ và hiện tại, đều được tìm đọc rất nhiều, như về: Frederick Doulass, Benjamin Franklin, FDR, Douglas MacArthur, Harry Truman, Madeleine Albright hay Samantha Power. Độc giả David Lancaster thì chia sẻ đang "cố gắng đọc tiểu sử và tự truyện của tất cả các đời tổng thống Mỹ".

Cách đọc sách cũng đang được điều chỉnh, từ việc đọc sách giấy sang nghe sách âm thanh trên Audible đến tổ chức các câu lạc bộ sách trên ứng dụng Zoom. Nhiều độc giả cũng tranh thủ đến các thị trấn địa phương để mượn được những cuốn sách mang về nhà trong khi thực hiện nghiêm túc các lệnh phong tỏa nhằm ngăn ngừa dịch bệnh.

Cuộc đua song mã chinh phục bầu trời và lối ngoặt từ tai nạn thảm khốc

Cuốn "Zepplins, Airplanes, and Two Men’s Epic Duel to Rule the World" mang đến cho độc giả góc nhìn toàn cảnh về cuộc đua thống trị bầu trời trong thế kỷ 20.

Minh Hoa

Bạn có thể quan tâm