Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh thu giảm, ông chủ Bia Hà Nội đánh mất thị phần?

Doanh thu giảm liên tục cho thấy Habeco đang dần đánh mất thị phần tiêu thụ bia. Công ty phải thực hiện cắt giảm các chi phí để duy trì lợi nhuận thu về.

Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) mới đây công bố báo cáo tài chính quý II với khoản doanh thu thuần bán hàng giảm hơn 16% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ việc cắt giảm một loạt chi phí bán hàng mà lợi nhuận trước thuế công ty thu về tăng 12%.

Trong quý II, Habeco và nhóm công ty con trực thuộc ghi nhận tổng cộng 2.432 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 16% (tương ứng 480 tỷ đồng) hàng bán.

Trong đó, phần lớn giá trị sụt giảm nằm tại doanh thu của công ty mẹ với hoạt động kinh doanh chính là sản xuất và bán bia. Riêng quý II, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty mẹ - Habeco - đã giảm hơn 300 tỷ đồng (15%) so với cùng kỳ năm 2018.

Thị phần tiêu thụ bia sụt giảm

Doanh thu giảm khiến lợi nhuận gộp Habeco thu về giảm tương ứng, còn 664 tỷ đồng. Tuy nhiên, biên lãi gộp trong kỳ này của Habeco đã được cải thiện so với cùng kỳ khi đạt tỷ lệ 27,3% (cùng kỳ là 24%).

Trong bối cảnh doanh thu sụt giảm, Habeco đã phải cắt giảm hàng loạt chi phí liên quan hoạt động bán hàng để tiết kiệm.

thi phan cua bia ha noi anh 1

Công ty đã tiết giảm hơn 40 tỷ đồng chi phí bán hàng gồm tiền công của nhân viên, chi phí bốc xếp vận chuyển hàng và chi phí quảng cáo, khuyến mại... Nhờ vậy, hãng bia này thu về được 282 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 4%.

Lũy kế nửa đầu năm nay, Habeco đạt tổng cộng 3.996 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 8%. Lợi nhuận trước thuế cũng giảm với tỷ lệ tương đương, đạt 380 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận bán niên thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây của Habeco.

Thực tế, kết quả kinh doanh của Habeco đã có dấu hiệu đi xuống từ năm 2014 khi thị phần liên tục bị thu hẹp và lợi nhuận giảm qua từng năm. Đỉnh điểm là việc đánh mất vị thế doanh nghiệp tiêu thụ bia lớn thứ 2 tại Việt Nam vào tay Heineken.

Năm 2018, Habeco ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trước thuế 626 tỷ đồng, giảm 28% so với năm trước đó, và là năm giảm lợi nhuận thứ 3 liên tiếp. Trong năm 2019 này, mục tiêu lợi nhuận trước thuế của công ty cũng chỉ ở mức 384,5 tỷ đồng, giảm một nửa và là chỉ tiêu thấp nhất trong hơn 10 năm gần đây.

Không theo kịp xu hướng thị trường?

Báo cáo phân tích triển vọng ngành bia của Công ty Chứng khoán FPTS cho biết Habeco vẫn dẫn đầu thị phần tiêu thụ bia phía Bắc (chiếm 35% lượng tiêu thụ bia cả nước) với thương hiệu Bia Hà Nội và Bia hơi Hà Nội.

Tuy nhiên, phân khúc bia của Habeco chủ yếu là trung bình và giá rẻ, trong khi những năm gần đây người tiêu dùng có xu hướng chọn các loại bia cao cấp hơn. Điều này đã ảnh hưởng đáng kể tới thị phần của Habeco.

Cụ thể, giai đoạn 2014-2017, tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) của phân khúc bia cao cấp đều đạt 15%. Ngược lại, phân khúc giá rẻ có mức tăng trưởng thấp hơn 4,8%, cho thấy người Việt đang có xu hướng chuyển lên sử dụng các sản phẩm cao cấp hơn.

Cũng theo FPTS, nguyên nhân do tâm lý uống bia của người Việt, bên cạnh việc thưởng thức hương vị còn là nơi thể hiện đẳng cấp xã hội, xây dựng các mối quan hệ nên nhiều người sẵn sàng bỏ ra mức phí cao hơn để sử dụng các sản phẩm bia cao cấp, thương hiệu mạnh.

thi phan cua bia ha noi anh 2
Habeco nắm giữ thị phần lớn nhất tại thị trường bia phía Bắc với 2 thương hiệu Bia Hà Nội và Bia hơi Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Trang.

GDP bình quân đầu người tại Việt Nam đã tăng từ 2.012 USD năm 2014 lên 2.343 USD năm 2017, kéo theo tỷ lệ người trong tầng lớp giàu và trung lưu tăng. Điều này khiến xu hướng tiêu dùng thay đổi, chuyển sang sử dụng những sản phẩm có giá bán cao.

Ngoài ra, tâm lý sính ngoại của người Việt cho rằng các sản phẩm nhập khẩu có chất lượng tốt hơn là nguyên nhân khiến mức tiêu thụ các sản phẩm nhập khẩu cao cấp tăng.

Chuyên gia của FPTS cho rằng với xu thế này, các doanh nghiệp càng tập trung vào phân khúc cao cấp càng cho mức sinh lợi cao hơn nhưng điều đó đòi hỏi chiến lược kinh doanh bài bản.

Theo đó, Habeco cũng tham gia phân khúc cao cấp bằng việc gây dựng lại thương hiệu Bia Trúc Bạch. Tuy nhiên, sản phẩm này vì nhiều lý do vẫn chưa thể khẳng định được vị trí của mình như kì vọng của lãnh đạo doanh nghiệp.

thi phan cua bia ha noi anh 3

Liên quan tới sản phẩm bia bình dân của mình, tại ĐHCĐ năm 2018, Habeco cũng đã thống nhất kế hoạch “khai tử” loại bia chai 450 ml và thay thế bằng chai 355 ml.

Theo lãnh đạo Habeco, do người dùng có thu nhập khá trở lên đang có xu hướng sử dụng sang những sản phẩm cao cấp, chai có dung tích nhỏ và chú ý hơn đến bao bì sản phẩm. Trong khi đó, những đặc tính từng là điểm mạnh của Bia Hà Nội chai 450 ml như dung tích lớn, giá bình dân, thương hiệu truyền thống đã không còn phù hợp.

Vì vậy, việc thay thế sản phẩm là rất cần thiết. Tính đến cuối năm 2018, Habeco đang sở hữu 18,4% thị phần tiêu thụ bia tại Việt Nam, lớn thứ 3 thị trường.

Ông chủ hãng Bia Sài Gòn chi 3,3 tỷ mỗi ngày cho quảng cáo, tiếp thị

Theo lãnh đạo Sabeco, nguyên nhân chính khiến doanh thu nửa đầu năm nay cao hơn cùng kỳ là gia tăng sản lượng tiêu thụ và tăng giá bán các sản phẩm.



Bạn có thể quan tâm