Theo CNBC, hôm 14/1, Bộ Thương mại Mỹ tiết lộ doanh số bán lẻ trong tháng 12 của nền kinh tế hàng đầu thế giới đã lao dốc nhiều hơn dự báo của giới quan sát.
Doanh số bán lẻ trong tháng 12 tại Mỹ đã lao dốc 1,9% so với tháng liền trước. Mức giảm được Dow Jones dự báo chỉ là 0,1%.
Nếu loại trừ doanh số bán ôtô, doanh số bán hàng lao dốc 2,3%, vượt xa mức dự báo 0,3%.
Giá cả leo thang lên mức kỷ lục khiến người tiêu dùng Mỹ ngần ngại chi tiêu. Cùng với đó là sự xuất hiện của biến thể Omicron. Ảnh: Reuters. |
Vết sẹo vĩnh viễn
Ngoài những con số đáng thất vọng trong tháng 12, mức tăng doanh số bán lẻ của tháng 11 cũng được điều chỉnh từ 0,3% ở báo cáo ban đầu xuống còn 0,2%.
Doanh số bán đồ nội thất và đồ trang trí trong nhà giảm 5,5%. Còn doanh thu của các mặt hàng thể thao, âm nhạc và sách lao dốc 4,3%.
Sự xuất hiện của biến thể virus mới là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tháng sụt giảm mạnh. Chẳng hạn, doanh số nhà hàng và quán bar đã tăng 41,5% trong cả năm 2021, đứng đầu mọi ngành. Nhưng riêng vào tháng 12, lĩnh vực này chứng kiến mức giảm lên tới 0,8%.
Với sự xuất hiện của Omicron, người tiêu dùng có thể ngần ngại ghé các cửa hàng bách hóa, thăm gia đình và bạn bè trong kỳ nghỉ cuối năm. Điều này khiến những cửa hiệu, nhà hàng và quán bar không thể gia tăng doanh thu trong giai đoạn vốn là mùa cao điểm mỗi năm.
Giới quan sát cảnh báo biến thể virus mới có thể để lại vết sẹo vĩnh viễn cho ngành công nghiệp nhà hàng và khách sạn.
Với sự xuất hiện của Omicron, người tiêu dùng Mỹ ngần ngại ghé các cửa hàng bách hóa, thăm gia đình và bạn bè trong kỳ nghỉ cuối năm. Ảnh: Reuters. |
Các trạm xăng chứng kiến doanh thu tăng 41% trong cả năm. Nhưng doanh thu đã lao dốc 0,7% vào tháng 12 vì giá nhiên liệu giảm.
Một báo cáo khác của Bộ Lao động Mỹ chỉ ra giá nhập khẩu đã sụt giảm 0,2% trong tháng 12. Đây là lần lao dốc đầu tiên kể từ tháng 8, một phần do giá nhiên liệu nhập khẩu giảm 6,5%.
Theo dữ liệu mới nhất, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2021 của Mỹ đã tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức tăng lớn nhất trong vòng 40 năm qua, kể từ tháng 6/1982.
Lạm phát tăng cao làm gia tăng chi phí hộ gia đình, ăn mòn tiền lương, gây áp lực lên chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, thước đo lạm phát lõi - không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng - cũng tăng 5,5% trong tháng 12, đánh dấu mức kỷ lục trong vòng nhiều thập kỷ. Giá nhà đất cũng tiếp tục tăng cao.
Một vấn đề đáng lo ngại khác là vòng xoáy giá cả - tiền lương. Người lao động muốn tăng lương để bù đắp chi phí tăng cao. Còn các công ty buộc phải tăng giá nhằm trả chi phí lao động cao hơn. Nhưng điều tồi tệ hơn là giá cả leo thang khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Lạm phát đình trệ
Giới quan sát chỉ ra đó là tình trạng lạm phát đình trệ, hay đình lạm - cơn ác mộng tồi tệ nhất đối với người tiêu dùng Mỹ, nhà đầu tư và FED.
Đình lạm là một thách thức khó vượt qua, nhất là đối với FED và những ngân hàng trung ương khác trên thế giới. Bởi có rất ít công cụ để đối phó với tình trạng lạm phát và suy thoái cùng một lúc. Cách tốt nhất để kích thích một nền kinh tế suy yếu là giảm lãi suất. Nhưng lãi suất đã ở gần mức 0 trong suốt 2 năm qua.
"FED đang đối mặt với một tình huống chưa từng có. Các ngân hàng trung ương đã phải xử lý nhiều cuộc khủng hoảng trong những thập kỷ qua. Tuy nhiên, nền kinh tế hiện đại chưa từng xử lý một mối đe dọa lạm phát sau đại dịch toàn cầu", nhà báo Paul R. Monica của CNN nhận định.
Lạm phát đình trệ là cơn ác mộng đối với người tiêu dùng và ngân hàng trung ương Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Theo biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ hôm 14-15/12/2021 của FED, một số quan chức FED tin rằng đã đến lúc thu hẹp danh mục 8.800 tỷ USD, bao gồm trái phiếu và các tài sản khác.
Các quan chức này cho rằng việc thu hẹp quy mô của bảng cân đối kế toán cần được triển khai sớm sau khi FED bắt đầu nâng lãi suất.
Biên bản cuộc họp nhấn mạnh lãi suất cần "được nâng sớm hơn dự định trước đó". Ngân hàng Goldman Sachs dự báo FED có thể nâng lãi suất 4 lần trong năm nay (tháng 3, tháng 6, tháng 9 và tháng 12) và bắt đầu cắt giảm quy mô bảng cân đối kế toán kể từ tháng 7.
Một số nhà kinh tế lo ngại rằng FED đã hành động quá muộn để ngăn chặn lạm phát. Điều đó có thể buộc cơ quan này phải đưa ra những động thái quyết liệt hơn trong thời gian tới và gây tổn hại tới nền kinh tế.