Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh nhân tiên phong trong phát triển văn hóa đọc ở doanh nghiệp

Đánh giá thực trạng, tìm ra nguyên nhân và xây dựng giải pháp để thúc đẩy văn hóa đọc trong doanh nghiệp là chủ đề chính tại hội thảo "Phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp".

Trong khuôn khổ "Tuần lễ Doanh nhân và Sách năm 2021", hội thảo "Phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp" được Hội Xuất bản Việt Nam - Văn phòng phía Nam, Công ty Đường sách TP.HCM, Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn phối hợp tổ chức ngày 3/12.

Hội thảo thu hút nhiều hiệp hội, hội, câu lạc bộ doanh nghiệp, đơn vị xuất bản, phát hành sách và các doanh nghiệp tham gia. Tại hội thảo, 11 đơn vị xuất bản, doanh nghiệp, doanh nhân, nhà khoa học trình bày 11 tham luận với nhiều góc nhìn, đánh giá về thực trạng, cũng như hướng đến giải pháp phát triển văn hóa đọc cho doanh nghiệp.

Giai phap phat trien van hoa doc o doanh nghiep anh 1

Các đại biểu trình bày những tham luận tại hội thảo. Ảnh: Đường sách TP.HCM.

Vai trò của đọc sách trong doanh nghiệp

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, nhận định trong khoảng thời gian qua, đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội và quá trình hội nhập quốc tế của đất nước.

Ông Nguyên cũng cho rằng trong thời điểm công nghệ phát triển mạnh mẽ, chính đội ngũ doanh nhân sẽ là lực lượng tạo động lực cho sự phát triển quốc gia. Bản thân những doanh nhân phải có sự thay đổi, phát huy tố chất tích cực, khắc phục hạn chế, nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức.

"Trong quá trình hình thành đội ngũ doanh nhân này, tôi cho rằng sách là một trong những phương tiện quan trọng, thậm chí quan trọng hàng đầu... Lan tỏa tri thức và năng lượng tích cực từ bản thân cũng là sứ mệnh mới của mỗi doanh nhân và sách là con đường để doanh nhân thực hiện sứ mệnh này", ông Nguyễn Nguyên nhấn mạnh.

Cũng theo Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, việc xây dựng văn hóa đọc tại doanh nghiệp, lan tỏa thói quen đọc sách đến tất cả nhân sự là rất cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề này tại một số doanh nghiệp cũng còn vấp phải nhiều khó khăn.

Trình bày tham luận "Một số giải pháp phát triển văn hóa đọc sách trong doanh nghiệp thời 4.0", ông Nguyễn Anh Dũng, nhà sáng lập Sbooks, cho biết thông thường có 4 nguyên nhân dễ thấy: Không có sách phù hợp; cán bộ công nhân viên không có thời gian đọc sách hoặc không tạo được phong trào; nhân sự thiếu động lực và lý do để đọc sách; thiếu sự kết nối giữa sách với người đọc.

Hầu hết đại biểu tham dự hội thảo cũng đồng ý rằng sách là một trong những phương tiện nhằm phát triển nền tảng tri thức cho đội ngũ doanh nhân, để hoàn thiện công việc kinh doanh cũng như hoàn chỉnh bản thân.

Các doanh nhân trong vai trò lãnh đạo cần xác định điều này để làm gương, lan tỏa tinh thần đọc sách cho doanh nghiệp, tạo nên văn hóa đọc riêng, phát triển bền vững doanh nghiệp.

Kiên trì và có phương pháp thích hợp

Khi thảo luận về những giải pháp thực tiễn nhằm mang văn hóa đọc đến sâu rộng trong đội ngũ nhân sự tại doanh nghiệp, ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần sách Alpha Books, cho rằng phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp đòi hỏi một chiến lược và cách tiếp cận toàn diện.

"Mục tiêu chính là biến doanh nghiệp trở thành tổ chức học tập, xây dựng hệ sinh thái tri thức doanh nghiệp với 3 cột trụ chính, gồm sách và tri thức; không gian đọc; các hoạt động khuyến đọc", ông Bình bày tỏ.

Lan tỏa tri thức và năng lượng tích cực từ bản thân cũng là một sứ mệnh mới của mỗi doanh nhân và sách là còn đường để doanh nhân thực hiện sứ mệnh này.

Ông Nguyễn Nguyên

Trao đổi với Zing bên lề hội thảo, ông Nguyễn Anh Dũng cho biết tại Sbooks, việc phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp được chú trọng ngay từ đầu. Đơn vị có không ít phong trào, chương trình nhằm để khuyến đọc, xây dựng thói quen cho nhân viên và biến việc đọc sách trở thành niềm vui.

"Chúng tôi muốn mỗi nhân sự tìm thấy động lực đọc sách ngay ở bản thân mình. Việc đọc không chỉ là tìm kiếm tri thức, trò chuyện với danh nhân, bộ óc vĩ đại mà còn là cách để lắng nghe được nội tâm bản thân, phần nào hình thành và hoàn thiện những điểm còn thiếu sót của chính mình. Động lực như vậy mới có thể lâu dài", ông Dũng nói.

Trong khi đó, đại diện Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM đưa ra một giải pháp nhẹ nhàng hơn như là thay thế những hoạt động giải trí của cán bộ công nhân viên trong giờ nghỉ. Đó là “giờ thư thái tâm hồn” với kệ sách, tủ sách ở không gian nghỉ ngơi, sinh hoạt chung.

Ngoài ra, việc xây dựng các hội, nhóm chung trong nội bộ công ty để chia sẻ và nêu lên cảm nhận về cuốn sách mình yêu thích với đồng nghiệp và lãnh đạo cũng là cách để mỗi nhân viên phát triển khả năng viết, giao tiếp. Đây còn là cách để mọi người có thể gần nhau hơn, cùng giúp đỡ trong công việc, cũng như cuộc sống.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đồng thuận rằng việc lựa chọn những quyển sách chất lượng để đưa vào tủ sách doanh nghiệp cũng cần được quan tâm.

"Top 100 quyển sách đáng có trong tủ sách doanh nghiệp" là một gợi ý đầy uy tín. Song trong thời gian dài, mỗi doanh nghiệp cũng cần có kế hoạch xây dựng tủ sách của riêng doanh nghiệp mình với những cuốn sách phù hợp.

Khuyến khích doanh nhân viết sách để lan tỏa kinh nghiệm, kiến thức

Tại buổi khai mạc tuần lễ "Doanh nhân và Sách" 2021 sáng 1/12, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng Phát triển Sách doanh nhân, chia sẻ về phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp.

Khai mạc tuần lễ 'Doanh nhân và Sách' 2021

Sáng 1/12, tuần lễ "Doanh nhân và Sách" với chủ đề "Phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp" diễn ra tại Đường sách TP.HCM.

Hoàng Quỳnh

SÁCH HAY