Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh nhân ở nghị trường: Sự dịch chuyển lặng lẽ

Mùa thu năm 2004, Chính phủ quyết định lấy ngày 13/10 hàng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam.

Nhìn lại 9 năm qua, có lẽ đây đã là dịp nhiều ý nghĩa để cảm nhận về những dịch chuyển lặng lẽ cùng buồn, vui của doanh nhân nơi Quốc hội.

Lặng lẽ là bởi doanh nhân sôi nổi ở thương trường bao nhiêu thì trở nên trầm lắng ở nghị trường bấy nhiêu. Phấn đấu hết mình để trở thành đại biểu Quốc hội, nhưng sau đó có không ít những đại biểu Quốc hội là doanh nhân, hoặc lựa chọn cho mình con đường từ giã thương trường, hoặc từ giã nghị trường, hoặc ẩn mình thật kỹ...

Hai "cựu" doanh nhân Thân Đức Nam và Đinh La Thăng.

Còn nhìn ở góc độ thực tế nghiệt ngã, khi doanh nhân có quyết định sai lầm, nếu có đến mức gây đổ vỡ cho doanh nghiệp của mình, thì cuối cùng rồi họ sẽ vẫn đứng lên được, nhưng chính khách là doanh nhân, nếu mắc phải sai lầm, sự nghiệp cũng tan theo mây khói, để rồi chỉ còn biết cảm thán nhìn cuộc đời tựa như bóng chớp, mà nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII Đặng Thị Hoàng Yến, trong ngày cuối cùng của bà ở Quốc hội, đã thở than như vậy.

Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng...

Kỳ họp thứ 5, tháng 5/2013, nhiều người thấy bất ngờ khi truyền thông loan tin người hùng của Cienco 5, ông Thân Đức Nam, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5, đại biểu Quốc hội Đà Nẵng về công tác tại Văn phòng Quốc hội và được bổ nhiệm giữ chức Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thời hạn bổ nhiệm là 5 năm, kể từ ngày 1/6/2013.

Ông Thân Đức Nam được biết đến trong nhiều năm qua là một doanh nhân quyết đoán, mạnh mẽ, quảng giao, rất giỏi trong nắm bắt thời cơ và ông đã đặt dấu ấn cá nhân cùng những phẩm chất đó của mình lên sự thành công của Cienco 5.

Cuối năm 2010, ông Thân Đức Nam được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới, ông Nam nói đó là “giây phút xúc động nhất và đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi. Tôi suýt bật khóc khi nhận được những tràng vỗ tay kéo dài của hơn một ngàn đại biểu khi đồng chí Tô Huy Rứa trao tấm bằng công nhận Anh hùng Lao động cho tôi”.

Vài tháng sau đó, ông ứng cử và trúng cử đại biểu Quốc hội khóa 13, vào hai vai đại biểu Quốc hội và doanh nhân, cho đến khi để lại áo doanh nhân, từ biệt hành trình đầy nắng, gió và cát của miền Trung, về 37 Hùng Vương, không còn phân thân, giờ đây chỉ giữ một vai Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Cũng không còn những ngày rong ruổi “trên lưng ngựa”, người hùng của Cienco 5 trở nên trầm tư hơn nhiều. Trong các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thường thấy ông ngồi ở hàng ghế sau lưng lãnh đạo các ủy ban và miệt mài ghi chép. Cũng rất hiếm khi ông Nam chia sẻ về quyết định này của mình và cũng tỏ vẻ không vui khi có ai đó hỏi về lý do ông “bó thân về với triều đình” như vậy.

Chắc có lẽ, trong suy nghĩ của một người đã từng đổ mồ sôi nước mắt hàng chục năm lăn lộn trên thương trường này, thì ở vị trí nào cũng chỉ để thực hiện mong muốn cống hiến được nhiều hơn cho đất nước.

Cũng con đường tương tự như của ông Thân Đức Nam, trước ông, có người đã đi và đi một lộ trình khá thành công. Đó là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng. Ông Thăng trúng cử đại biểu Quốc hội khóa 11 khi là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Sông Đà. Cũng không lâu sau đó, vẫn giữ hai vai nhưng ông thay áo doanh nhân để giữ chức vụ Phó bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Và lại cũng không lâu sau đó, vẫn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI, ông Thăng “mặc” lại áo doanh nhân khi được Thủ tướng bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Vắng mặt ở Quốc hội cả nhiệm kỳ khóa 12, đại biểu - doanh nhân Đinh La Thăng ngày nào trở về nghị trường của nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 khi đã là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.

Dẫu rằng đã cởi ra mặc vào mấy lần áo doanh nhân, và chắc đến giờ sẽ không còn mặc lại chiếc áo đó, nhưng Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng có lẽ luôn sâu nặng cùng tình cảm “dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng” với duyên này khi ông xuất hiện ở nghị trường, vẫn luôn đậm chất doanh nhân.

Như trong một phiên thảo luận tại Quốc hội về tình hình ngân sách nhà nước, ông Thăng tính rất nhanh ra các khoản dôi ra được trong kinh doanh dầu khí và đề nghị số dôi này cần được bổ sung cho việc xây dựng hạ tầng giao thông.

Nào hay đâu vô thường...

Song, không phải lúc nào các cuộc chia ly giữa hai vai đại biểu Quốc hội, doanh nhân và doanh nhân, đại biểu Quốc hội là các “cuộc chia ly màu đỏ” mang lại hoặc hứa hẹn mang lại những tương lai rực rỡ hơn như vậy. Sự giã biệt vai đại biểu Quốc hội của doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến thực sự là một cuộc chia ly rất buồn, với không chỉ bà Yến mà còn là nỗi buồn cho cả Quốc hội và giới doanh nhân.

Hơn một năm trước, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 13, Quốc hội đã quyết định bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến, đại biểu tỉnh Long An và thông qua nghị quyết về việc bãi nhiệm với số phiếu 94% tán thành. Những sai lầm mà bà Hoàng Yến mắc phải đã buộc bà phải rời khỏi nghị trường, vì đã làm ảnh hưởng tới uy tín và hình ảnh một đại biểu Quốc hội, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân.

Phát biểu lần cuối cùng tại diễn đàn Quốc hội, bà Đặng Thị Hoàng Yến bày tỏ: “Những tháng ngày qua, nhiều vị đại biểu Quốc hội và cử tri đã băn khoăn, lo lắng, thậm chí là bức xúc về việc của tôi dù với bất cứ góc độ xuôi hay ngược chiều. Nghiêm túc kiểm điểm lại bản thân, tôi cũng đã có sơ xuất, dù không cố ý, nhưng cũng đủ để dẫn đến việc ngày hôm nay. Tôi biết để đến ngày hôm nay là điều không ai mong muốn, nhất là trong bối cảnh đất nước còn nhiều việc lớn cần phải quan tâm, Quốc hội còn nhiều việc lớn cần phải tiến hành vì quốc kế dân sinh...”.

Dẫu không còn được tiếp tục giữ vai trò đại biểu Quốc hội, nhưng nữ doanh nhân này khẳng định “Những gì tôi đã và đang làm với trách nhiệm của một đại biểu Quốc hội khóa 13 phải dừng lại theo quy định. Nhưng những gì tôi đã từng làm với trách nhiệm của công dân - một nữ doanh nhân suốt gần 20 năm qua đối với Tổ quốc, với quê hương, với đồng bào thì vẫn tiếp tục, có khi càng phải cố gắng nỗ lực hơn khi tôi đã may mắn có một tầm nhìn, một trách nhiệm của người đại biểu nhân dân dù chỉ trong một thời gian rất ngắn ngủi...”.

Quyết tâm là thế, nhưng nỗi buồn về cuộc chia ly này sẽ còn mãi mãi ở lại trong trái tim nữ doanh nhân này, khi bà đọc mấy câu thơ, mà mở đầu, là những nỗi niềm da diết: “Thấm thoắt thời gian vút qua cầu/Cuộc đời bóng chớp chẳng bao lâu...”.

Bên hành lang Quốc hội ngày đó, nhiều đại biểu Quốc hội đã cùng thở dài như bà Yến, khi nghĩ về sự phù du của cuộc đời, mà như người xưa thường vẫn nói: “ngược xuôi đời trăm hướng/ nào hay đâu vô thường”.

Một câu chuyện buồn tương tự và có phần còn bi kịch hơn khi tại Quốc hội nhiệm kỳ khóa 11, đó là khi 71,86% đại biểu Quốc hội đã thống nhất bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Lê Minh Hoàng, nguyên Giám đốc Công ty Điện lực Tp.HCM.

Ngày bãi nhiệm, ông Hoàng không có mặt ở Quốc hội để nói được lời nào vì đã bị các cơ quan chức năng bắt giữ. Theo kết quả điều tra của Bộ Công an về những sai phạm của Công ty Điện lực Tp.HCM và ông Lê Minh Hoàng thì trong quá trình tổ chức đấu thầu, ký kết, thực hiện hợp đồng mua 312.000 công tơ điện tử của Công ty Linkton Singapore, Công ty Điện lực Tp.HCM đã vi phạm nghiêm trọng các quy chế đấu thầu do Chính phủ ban hành. Sai phạm của ông Lê Minh Hoàng đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của nhân dân.

Có nhân, có trí, có anh hùng

Nhẹ nhàng, kín đáo, kiệm lời, nhưng sẵn sàng “cháy” hết mình ở nghị trường, đó là đại biểu doanh nhân Mai Hữu Tín. Có mặt ở hai nhiệm kỳ Quốc hội liên tục dù tuổi đời còn khá trẻ, càng những năm về sau, ông Tín càng trở nên điềm tĩnh hơn nhưng sức nóng như càng trở nên mạnh mẽ hơn.

Mỗi lần phát biểu, là mỗi lần ông Tín nói những lời “gan ruột” cháy bỏng về tình hình kinh tế, xã hội. Và trong suốt 8 năm qua, tuyệt nhiên chưa từng một lần nào nói về những kiến nghị riêng cho doanh nghiệp của ông.

Trải lòng cùng báo giới, về danh xưng “doanh nhân”, ông Tín định nghĩa một cách giản dị rằng, “được làm một doanh nhân là điều hết sức thú vị. Doanh nhân tạo ra nhiều giá trị bằng sự đầu tư và sức sáng tạo. Họ cũng tạo điều kiện cho những phát kiến ra đời. Khi chúng ta tin vật chất quyết định ý thức thì doanh nhân là những người có công rất lớn tạo ra vật chất đó, theo nghĩa hẹp nhất. Doanh nhân chân chính không làm điều gây hại cho xã hội và tôi muốn là một doanh nhân chân chính”.

Còn chia sẻ về danh xưng “ông nghị”, vị đại biểu này cảm khái: “Chúng tôi đại diện cho cử tri nói chung, chứ không đại diện cho nhóm lợi ích nào cả và so với con số 500 đại biểu, thì đây cũng chỉ là con số rất khiêm tốn. Tôi tin các đại biểu là doanh nhân có một mục đích chung khi vào Quốc hội. Chúng tôi hành xử vì lợi ích của đất nước, dân tộc, chứ không vì một nhóm nào cả”.

Trả lời không bao giờ thấy “sợ” khi nói thẳng, nói thật ở nghị trường có thể sẽ làm ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của mình - nỗi sợ thường gặp ở không ít đại biểu Quốc hội là doanh nhân, đại biểu Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam và cũng còn là một doanh nhân nổi bật của tỉnh Bình Dương với vai trò Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư U&I (Unigroup) này nói rằng đã là đại diện của dân thì phải làm sao nói được tiếng của dân.

Vị đại biểu doanh nhân này đương nhiên cũng không bao giờ thấy run vì “cửa quyền nhiều hiểm hóc” hay “đường lợi cực quanh co” mà ngót 7 thế kỷ trước, Nguyễn Trãi, một trong những nhân vật vĩ đại trong lịch sử Việt Nam, đã đúc kết. Bởi, ông Tín cũng đã thuộc nằm lòng câu nói của vĩ nhân nổi tiếng này rằng: “có nhân, có trí, có anh hùng”.

 

VnEconomy

Bạn có thể quan tâm