Theo South China Morning Post, trong tuần qua, cái tên Akidi Tio và hashtag "#trò lừa đảo quốc gia" được chia sẻ ồ ạt trên các trang mạng xã hội ở Indonesia.
Câu chuyện bắt đầu vào ngày 23/7 khi ông Eko Indra Heri, lãnh đạo cảnh sát ở Nam Sumatra, nhận cuộc gọi từ bác sĩ Hardi Darmawan, giám đốc Bệnh viện Charitas tại Palembang. Ông này từng là bác sĩ riêng của doanh nhân Akidi Tio trong suốt 48 năm.
Doanh nhân Tio làm giàu từ ngành xây dựng và qua đời ở tuổi 89 vào năm 2009.
Bác sĩ Darmawan cho biết vợ chồng bà Heryanty Tio - con gái doanh nhân Akidi Tio - muốn quyên góp 2.000 tỷ rupiah để giúp thành phố Palembang chống dịch.
Bà Heryanty Tio trao cho cảnh sát tấm bảng tượng trưng cho khoản quyên góp 2.000 tỷ rupiah. Ảnh: Handout. |
Ngày 26/7, chính quyền Nam Sumatra tổ chức buổi lễ nhận số tiền quyên góp 140 triệu USD. Tại đây, bà Heryanty Tio trao cho ông Heri tấm bảng in hình cố doanh nhân. Bà cho biết tiền sẽ được chuyển đủ vào ngày 2/8.
Ông Heri cho biết thành phố sẽ dùng số tiền này để mua thiết bị y tế, trợ cấp cho nhân viên y tế và xây dựng các trung tâm cách ly ở Nam Sumatra. Truyền thông Indonesia hết lời ca ngợi lòng hảo tâm của gia đình bà Heryanty Tio.
Indonesia hiện là một trong những điểm nóng Covid-19 tại châu Á. Đến nay, quốc gia này ghi nhận hơn 3 triệu ca dương tính và hơn 100.000 trường hợp tử vong.
Tuy nhiên, ngày 2/8 trôi qua một cách lặng lẽ. Gia đình bà Heryanty Tio không chuyển đồng nào cho chính quyền Nam Sumatra. Sau đó, cảnh sát triệu tập bà Heryanty Tio và bác sĩ Darmawan để thẩm vấn.
Nhà chức trách cáo buộc hai người này "lan truyền thông tin sai lệch" và "làm ô danh quốc gia".
Ông Eko Juniarto - đại diện tổ chức kiểm chứng thông tin Mafindo - cho rằng nhà chức trách đã quá vội vàng khi tổ chức một buổi lễ tiếp nhận tiền quyên góp. "Họ quá bất cẩn khi không tiến hành các bước thẩm định”, ông nói.
Bà Heryanty Tio (giữa) bị cảnh sát triệu tập để thẩm vấn. Ảnh: SCMP. |
Ngân hàng trung ương Indonesia cũng khẳng định không có chuyện gia đình Tio gặp khó khăn khi chuyển tiền. Đại diện ngân hàng cho biết việc chuyển tiền tại Indonesia rất dễ dàng và không bị giới hạn.
Trong những năm gần đây, Indonesia phát hiện nhiều vụ biển thủ, tham nhũng liên quan đến hoạt động từ thiện. Chính trị gia Ratna Sarumpaet bị buộc tội biển thủ tiền từ tài khoản huy động tiền quyên góp cho các nạn nhân trong thảm họa chìm phà ở Toba năm 2018.
Năm 2020, Juliari Batubara, cựu Bộ trưởng Các vấn đề xã hội Indonesia, bị bắt vì tội nhận hối lộ 17 tỷ rupiah từ một số doanh nghiệp cung cấp hàng hóa và thực phẩm cho các tổ chức xã hội chống dịch Covid-19.
Đây không phải là lần đầu tiên Heryanty Tio bị cảnh sát thẩm vấn. Năm 2010, bà từng bị triệu tập để thẩm vấn ở Jakarta vì bị tình nghi liên quan đến một vụ lừa đảo 7,9 tỷ rupiah. Tuy nhiên, vụ án đã bị hủy bỏ.