Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh nghiệp Việt trả phí kiểm toán bằng bất động sản

Nhiều khách hàng thanh toán phí kiểm toán bằng hiện vật như ôtô, bất động sản, hàng tiêu dùng.

Doanh nghiệp Việt trả phí kiểm toán bằng bất động sản

Nhiều khách hàng thanh toán phí kiểm toán bằng hiện vật như ôtô, bất động sản, hàng tiêu dùng.

Ba tổng kết đáng nhớ tại cuộc họp thường niên giám đốc các công ty kiểm toán năm 2012 - 2013 đó là: KPMG - doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất ngành báo cáo lỗ; cạnh tranh quyết liệt giữa các công ty kiểm toán dẫn tới giá phí giảm xuống dưới mức được phép; nhiều khách hàng thanh toán phí kiểm toán bằng hiện vật như ôtô, bất động sản, hàng tiêu dùng. Thực tế này cho thấy, không chỉ các ngành khác có những tiếng kêu báo động, ngành kiểm toán vốn được cho là ngoài tâm bão, cũng không phải ngoại lệ.

Trong khi ba “Big Four” còn lại gồm E&Y, PwC và Deloitte, cũng như nhiều công ty kiểm toán Việt Nam khác có lãi, thì KPMG với doanh thu năm 2012 đạt hơn 500 tỷ đồng, lớn nhất ngành nhưng báo cáo lỗ. Nguyên nhân được Công ty giải thích là do doanh thu cung cấp dịch vụ giảm sút, trong khi các khoản chi phí hoạt động như chi phí nhân viên, dự phòng nợ khó đòi và chi phí tài chính tăng.

Có lẽ vì khó khăn như vậy mà cuộc cạnh tranh tìm kiếm khách hàng giữa các “Big Four” và doanh nghiệp kiểm toán Việt Nam ngày càng quyết liệt. Tại một dự án lớn của tập đoàn VNPT, ở giai đoạn 1, hợp đồng kiểm toán được thực hiện với một công ty Việt Nam, đến giai đoạn 2, một “Big Four” quyết tâm giành hợp đồng bằng chiêu hạ giá phí chỉ còn 50% so với mức cho phép của cơ quan quản lý.

Với tiềm lực tài chính, các “Big Four” đang chiếm ưu thế trong việc giành được nhiều khách hàng lớn, tiềm năng. Họ có thể chấp nhận lỗ để có khách hàng lớn. Thực tế này là minh chứng cho thấy, các công ty kiểm toán Việt Nam đang gặp không ít khó khăn trên thị trường.

Thách thức còn đến từ những khó khăn của các doanh nghiệp đối tác của các công ty kiểm toán khi tình trạng nợ xấu, hàng tồn kho trầm trọng đến mức doanh nghiệp không xoay xở được tiền để trả phí kiểm toán, và đề nghị được trả bằng hiện vật, sản phẩm như: bất động sản, ôtô, hàng tiêu dùng...

Đáng mừng là luật kiểm toán độc lập đã tạo cơ hội phát triển cho ngành. Thống kê cho thấy, năm 2012, tuy số lượng khách hàng tăng không đáng kể (+4,9%), nhưng doanh thu của ngành tăng 24,7%. Doanh thu năm 2011 là 3.047 tỷ đồng, doanh thu năm 2012 là 3.799 tỷ đồng; trong đó, doanh thu dịch vụ kiểm toán có tỷ trọng cao nhất 2.147 tỷ đồng (chiếm 57%). Hiện cả nước có 155 công ty đăng ký hành nghề kiểm toán.

Nửa năm 2013 đã trôi qua, hy vọng rằng, những tổng kết buồn của ngành kiểm toán như trên sẽ được giảm thiểu, khi những khó khăn của doanh nghiệp và cả nền kinh tế dần được khắc phục.

Theo Đầu Tư Chứng khoán

Theo Đầu Tư Chứng khoán

Bạn có thể quan tâm