Trả lời báo chí về cơ hội của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc hợp tác với Boeing, Phó chủ tịch phụ trách marketing mảng máy bay thương mại hãng này, Randy Tinseth cho hay hiện Boeing có nhiều đối tác cung ứng linh kiện, trong đó có Việt Nam.
Boeing tìm kiếm đối tác Việt cung cấp linh kiện máy bay
"Hãng đã làm việc với một số đối tác Việt Nam cung ứng linh kiện cho máy bay 777, cụ thể là cửa máy bay. Hiện chúng tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm thêm đối tác tại Việt Nam", ông Tinseth nói.
Các doanh nghiệp Việt Nam tham gia cung cấp linh kiện cho máy bay Boeing 777. |
Theo vị Phó chủ tịch, hãng bay lớn nhất thế giới này chủ động tìm kiếm các doanh nghiệp mạnh về cơ sở công nghệ, cung cấp sản phẩm chi phí thấp, chất lượng cao để hợp tác về sản xuất linh kiện.
Không thỏa hiệp an toàn để giảm giá
Nói về việc nhiều hãng hàng không giá rẻ giảm chi phí nhờ cắt giảm bảo hành, bảo dưỡng, ông Tinseth cho rằng hàng không giá rẻ đang phát triển và trở thành động lực của ngành trong 20 năm tới nhưng sự an toàn vẫn là quan trọng nhất.
"Không có sự đánh đổi nào cho an toàn được chấp nhận. Dù loại hàng không nào thì các hệ thống pháp lý đi kèm, cơ quan pháp lý và các hãng đều hiểu rằng không thể hy sinh sự an toàn của hành khách", ông khẳng định.
Vị này cho hay không chỉ Boeing mà các hãng bay khác đều đặt mục tiêu không có tai nạn, thiệt hại về hàng không. Ông dẫn chứng năm 2017 có 4 tỷ hành khách đi máy bay và không có bất kỳ thương vong nào.
"Nói như vậy để thấy không có chuyện thỏa hiệp về an toàn hàng không. Đây là loại hình vận tải an toàn nhất", ông nói.
Ông Randy Tinseth cũng đánh giá Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng về hàng không, minh chứng là đơn hàng 100 máy bay 737 Max mà Vietjet Air đặt hãng. Ông cho rằng với các hãng hiện có và các hãng bay giá rẻ sẽ gia nhập thị trường Việt Nam thời gian tới, dòng máy bay này phù hợp và đúng xu hướng.
Về việc hỗ trợ Việt Nam nâng hạng đạt chuẩn 1 về hàng không, ông nói Boeing từng có kinh nghiệm hỗ trợ các quốc gia và đang làm việc với các bên liên quan.