Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Các doanh nghiệp viễn thông Việt đã vươn tới đâu?

Không chỉ phục vụ gần 100 triệu dân Việt Nam, 3 trong số 5 doanh nghiệp viễn thông Việt đã ra nước ngoài để tìm kiếm và mở rộng thị trường cho mình.

Hiện nay, Việt Nam có 5 doanh nghiệp viễn thông hoạt động cung cấp dịch vụ mạng viễn thông, là Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile và Gmobile.

Theo thống kê của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết tháng 10/2016, Việt Nam có hơn 131,9 triệu thuê bao di động có phát sinh lưu lượng. Trong đó có hơn 83,7 triệu thuê bao di động 2G và 48,2 triệu thuê bao di động 3G.

Việt Nam hiện có 5 nhà cung ứng dịch vụ mạng viễn thông di động, bao gồm Viettel, VinaPhone (thuộc tập đoàn VNPT), MobiFone, Vietnamobile và Gmobile.

Dẫn đầu thị trường cung ứng mạng viễn thông di động trong nước hiện nay đang là Tập đoàn Viễn thông Quân đội - Viettel, với số lượng thuê bao di động đang hoạt động lên tới 63,3 triệu thuê bao. Về mạng lưới hạ tầng trong nước, Viettel sở hữu 64.220 trạm phát sóng GSM (gồm trạm BTS 2G, 3G node B và 4G) cùng hơn 240.000 km cáp quang.

Xếp thứ 2 về số lượng thuê bao di động đang hoạt động là Tổng công ty Viễn thông MobiFone với  gần 34 triệu thuê bao di động trong nước.

Đứng thứ 3 là nhà mạng VinaPhone của Tập đoàn VNPT, với gần 25 triệu thuê bao di động cùng mạng lưới hạ tầng 35.000 trạm thu phát sóng trên cả nước.

Theo sau là hai nhà mạng Gmobile với gần 6 triệu thuê bao hiện hoạt và Vietnamobile với gần 4 triệu thuê bao.

Cac doanh nghiep vien thong viet dau tu ra nuoc ngoai anh 1
Số lượng thuê bao di động đang hoạt động của 5 nhà mạng. Đơn vi: Triệu thuê bao. Đồ hoạ: Quang Thắng.

Không chỉ phục vụ thị trường gần 100 triệu dân tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp viễn thông đã nhận ra tầm quan trọng của việc đầu tư ra nước ngoài để tìm kiếm và mở rộng thị trường mới. Trong số 5 doanh nghiệp viễn thông, 3 đơn vị đã “vươn cánh tay” ra khỏi phạm vi trong nước, là Viettel, VNPT và MobiFone.

Viettel là doanh nghiệp viễn thông đầu tư ra thị trường nước ngoài khá sớm từ năm 2006. Sau 10 năm đầu tư ra nước ngoài, doanh nghiệp viễn thông này đã có mặt tại 11 quốc gia trên khắp 3 châu lục Á, Phi, Mỹ, với quy mô dân số gần 320 triệu người, gấp 3 lần dân số Việt Nam.

Trong 10 thị trường hãng này đang hoạt động, có 9 thị trường ghi nhận hoạt động kinh doanh đi vào ổn định. Hiện tại, tổng số khách hàng mà hãng đang phục vụ trên toàn thế giới là hơn 100 triệu, bao gồm hơn 35 triệu khách quốc tế.

Về mạng lưới hạ tầng trên toàn thế giới, Viettel là một trong những nhà mạng có tốc độ phát triển nhanh nhất toàn cầu. Hãng đang sở hữu 99.500 trạm GSM (gồm trạm BTS 2G, 3G node B và 4G ), tổng chiều dài cáp quang trên toàn thế giới của hãng là 365.000 km.

Cac doanh nghiep vien thong viet dau tu ra nuoc ngoai anh 2
Hạ tầng mạng lưới viễn thông của Viettel tại 10 quốc gia trên thế giới. Đồ hoa: Phượng Nguyễn.

Đối với VNPT, ngoài việc phục vụ hơn 25 triệu thuê bao di động trong nước, doanh nghiệp đã có văn phòng đại diện và các dịch vụ liên quan tại 3 nước trong khu vực Đông Nam Á, là Myanmar, Lào và Campuchia.

Hãng cũng đã thực hiện chuyển vùng tới hơn 400 nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động thuộc 160 quốc gia trên thế giới. Điều này cho phép người dùng có thể sử dụng dịch vụ của hãng khi di chuyển trên toàn cầu.

Với Tổng công ty MobiFone, tính trên cả thị trường nước ngoài, doanh nghiệp này có gần 50 triệu thuê bao đang hoạt động với mạng lưới hạ tầng gần 50.000 trạm phát sóng 2G và 3G.

Hãng cũng có văn phòng đại diện tại Myanmar, Campuchia đã đi vào hoạt động hiệu quả với các dịch vụ viễn thông.

Không chỉ những doanh nghiệp viễn thông Việt đầu tư ra các thị trường nước ngoài và gặt hái được nhiều thành công. Hiện nay, nhiều công ty công nghệ hàng đầu thị trường Việt cũng đã mở rộng thị phần ra ngoài phạm vi lãnh thổ như FPT hay VNG.

FPT đã đầu tư và hiện diện ở nhiều thị trường nước ngoài bao gồm cả các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… hay tại các nước đang phát triển như Bangladesh, Campuchia, Myanmar… với các dịch vụ công nghệ thông tin dựa trên các nền tảng công nghệ mới Cloud, Mobility, Big Data.

Hiện nay, VNG là doanh nghiệp công nghệ dẫn đầu thị trường Game Online Việt Nam với những nền tảng công nghệ trên di động đã xuất khẩu sang thị trường các nước như Nhật Bản, Trung Quốc… Hiện tại ứng dụng nhắn tin miễn phí trên di động - Zalo, ngoài việc phục vụ hơn 60 triệu người dùng tại thị trường Việt Nam, cũng đang phục vụ hơn 2 triệu người dùng tại thị trường Myanmar.


Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm