Giải đáp băn khoăn về cơ chế ưu đãi đối với các doanh nghiệp đóng góp cho quỹ vaccine, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết việc ưu tiên đối tượng nào tiêm là do Bộ Y tế quyết định.
"Bộ Y tế sẽ đề xuất đối tượng ưu tiên tiêm vaccine trong giai đoạn đầu. Sau đó, sẽ đề xuất mở rộng các nhóm đối tượng khác khi có lượng vaccine đủ lớn", ông Hưng nói.
Khi đó, ông cho rằng người lao động ở các khu công nghiệp tập trung nên thuộc nhóm được ưu tiên tiêm vaccine. Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết khoản chi ủng hộ vào quỹ sẽ được tính vào chi phí được trừ của doanh nghiệp khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Công nhân tại các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang đã được tiêm vaccine phòng Covid-19. Ảnh: Thạch Thảo. |
Theo đại diện Vụ Ngân sách Nhà nước, ngay khi nhận được quyết định của Thủ tướng về việc thành lập quỹ, Bộ Tài chính đã khẩn trương triển khai xây dựng để ban hành quy chế hoạt động của quỹ và thiết lập bộ máy quản lý.
Theo quy định, quỹ sẽ được mở tài khoản tại ngân hàng thương mại. Các doanh nghiệp muốn đóng góp vào quỹ có thể chuyển tiền qua hệ thống các ngân hàng thương mại.
Đồng thời, các khoản tiền mà một số doanh nghiệp đã đóng góp thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Y tế trong thời gian qua liên quan đến việc mua vaccine cũng được chuyển vào quỹ.
“Chúng tôi đang khẩn trương hoàn thiện quy chế này, có thể sẽ xin ý kiến thêm của Bộ Y tế và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để hoàn thiện, dự kiến muộn nhất tuần sau có thể ban hành được quy chế. Trong thời gian này, các tổ chức và cá nhân vẫn có thể tiếp tục đóng góp thông qua Mặt trận Tổ quốc hoặc Bộ Y tế, sau đó, các cơ quan sẽ phối hợp để chuyển các khoản đóng góp đó về quỹ vaccine phòng Covid-19”, ông Võ Thành Hưng khẳng định.
Số thu của quỹ sẽ được ghi nhận và công khai minh bạch trên các website của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước và sẽ có thanh tra, kiểm toán theo quy định.
Ông Võ Thành Hưng lưu ý, hiện các đầu mối được giao khá rõ ràng, nên các địa phương không cần thành lập quỹ. Tuy nhiên, doanh nghiệp tại đó có thể hỗ trợ chính quyền địa phương mà không nhất thiết phải thành lập quỹ.
Căn cứ quyết định của cấp có thẩm quyền, Bộ Tài chính sẽ xuất tiền từ quỹ để thực hiện mua vaccine hoặc hỗ trợ sản xuất vaccine trong nước.
Trước đó, theo tính toán của Bộ Y tế, Việt Nam cần mua khoảng 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người dân. Tổng kinh phí ước khoảng 25.200 tỷ đồng.