Giám đốc một doanh nghiệp có nhà máy chuyên làm hàng gia công cho châu Âu đặt ở quận 8 mấy nay lo lắng vì sau hơn 1 tháng áp dụng '3 tại chỗ', nhiều công nhân bắt đầu yêu cầu phải cho họ về nhà trọ, chứ không chịu ở tại nhà xưởng nữa vì đã quá mệt mỏi.
"Ngoài phải lo mọi chi phí tại chỗ cho người lao động, mỗi công nhân còn được hưởng thêm 300.000 đồng/ngày. Thế nhưng họ nhất quyết không chịu ở lại nữa. Có người còn chấp nhận nghỉ việc nếu công ty không đồng ý", nữ giám đốc này nói.
Bà cho biết, vì đơn hàng đã ký với phía đối tác, nên phải cố gắng duy trì sản xuất dù chi phí đội lên quá cao. Ngay từ khi quyết định '3 tại chỗ', bà đã tìm cách liên hệ với chính quyền phường, quận, Sở Công Thương, nhưng đều không có chỉ dẫn cụ thể, chỉ chuyển cho nội dung tiêu chí '3 tại chỗ' để tham khảo.
"Hơn 1 tháng duy trì đã quá mệt mỏi, trong khi tôi theo dõi thấy cũng có nhiều đề xuất của các hiệp hội gửi lên Thành phố, nhưng rồi vẫn không có một phương án cụ thể, phù hợp với thực tiễn nào đưa ra. Hôm qua, nóng ruột quá tôi lại gọi lên phường thì lãnh đạo ở đây cũng chỉ nói là ráng chờ thêm chỉ đạo của thành phố, chứ họ cũng không biết phải hướng dẫn doanh nghiệp ra sao", vị giám đốc cho biết.
Ngày 15/8, để ổn định hoạt động sản xuất an toàn trong tình hình mới, Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM đã đưa ra 4 phương án sản xuất để doanh nghiệp lựa chọn.
Trong đó, phương án "4 xanh" người lao động xanh được đi lại bằng xe cá nhân giữa "nơi làm việc xanh", "nơi ở xanh" theo một "cung đường xanh" là giải pháp được nhiều đơn vị lựa chọn.
Tuy nhiên, hiện nay, đa số doanh nghiệp vẫn còn nhiều vướng mắc về các bước để đăng ký triển khai thực hiện một trong 4 phương án mà thành phố vừa ban hành.
Từ văn bản đến thực tiễn còn nhiều rối rắm
Nghe tin thành phố đưa ra phương án người lao động sẽ được đi lại bằng phương tiện cá nhân giữa "nơi làm việc xanh" và "nơi ở xanh", ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty CP thực phẩm Vĩnh Thành Đạt tỏ ra phấn khởi vì TP đã có phương án tối ưu giúp doanh nghiệp tiếp tục hoạt động.
Tuy nhiên, ông Thiện và công nhân vẫn đang sốt ruột chờ hướng dẫn chi tiết của chính quyền TP.HCM và cơ quan chức năng để thay đổi phương án sản xuất. "Hiện công ty vẫn phải tiếp tục duy trì mô hình cũ, trong khi tâm lý công nhân mong ngóng để được về nhà. Việc đăng ký như thế nào, với ai, tiêu chí cụ thể ra sao vẫn chưa có", ông bày tỏ.
Hơn nữa, ông Thiện cho biết 80-90% người lao động của công ty đều ở những nhà trọ xung quanh công ty do đó thực hiện phương án "4 xanh" rất thuận lợi.
"Nếu thực hiện phương án đó, chúng tôi sẽ yêu cầu người lao động ký cam kết chỉ di chuyển từ nhà đến công ty, không được đến điểm thứ ba trong khoảng thời gian bất kỳ. Thậm chí việc đi chợ cũng do công đoàn công ty đứng ra tổ chức đi chợ hộ, đặt thực phẩm đưa đến nhà trọ cho các công nhân", Giám đốc Công ty CP thực phẩm Vĩnh Thành Đạt chia sẻ.
Theo ông, phương án '4 xanh' sẽ là giải pháp hữu hiệu nhất trong giải quyết đứt gãy chuỗi cung ứng, giúp doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động trong thời gian hiện nay.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp khác cũng rất mong TP.HCM sớm có phương án giúp họ có thể mở cửa sản xuất.
"Ngoài ra, TP.HCM cần thống nhất chủ trương và phổ biến hướng dẫn chi tiết đến từng quận, huyện, vì hiện nay khó khăn nhất chính là nằm ở địa phương. Nếu thực hiện '4 xanh', lao động được đi về nhà thì họ cần giấy tờ gì để di chuyển qua các chốt chặn", chủ một doanh nghiệp may mặc ở huyện Bình Chánh đề nghị.
Ông Phạm Thanh Trực - Phó ban quản lý Khu chế xuất - Khu công nghiệp TP.HCM (HEPZA) cho biết hiện có một số doanh nghiệp đã bắt đầu đăng ký để thực hiện sản sản xuất trở lại nhằm giải quyết các đơn hàng tồn đọng và giữ chân lao động.
Chủ trương của các phương án là tốt nhưng doanh nghiệp chưa thể thực hiện do vướng quy định của Chỉ thị 16 là “ai ở đâu ở đó”.
Ông Phạm Thanh Trực - Phó ban quản lý Khu chế xuất - Khu công nghiệp TP.HCM.
Tuy nhiên, theo ông Trực, chủ trương của các phương án là tốt nhưng doanh nghiệp chưa thể thực hiện do vướng quy định của Chỉ thị 16 là “ai ở đâu ở đó”, dẫn tới việc tập kết người lao động từ nơi ở đến khách sạn/doanh nghiệp khó khăn.
"Sở Công Thương TP.HCM cần có hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp biết với trường hợp F0 sau khi khỏi bệnh có được tiếp tục làm việc không và F1 không có triệu chứng sẽ cách ly như thế nào", ông đề xuất.
Tương tự, bà Lê Bích Loan - Phó Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHPT) - cũng cho biết đến nay doanh nghiệp vẫn đang gặp vướng khi thực hiện theo phương án “4 xanh” của thành phố.
Lý do, ở phương án này, các doanh nghiệp có nhu cầu thay thế lao động cho lực lượng đang thực hiện '3 tại chỗ' trước đó hoặc bổ sung thêm lực lượng mới.
"Tuy nhiên họ đang gặp khó 'đầu vào' do cơ quan chức năng không cho test tại nhà máy. Do đó người lao động phải tự di chuyển từ chỗ ở tới nơi test Covid-19, dẫn tới việc không thể qua được các chốt kiểm soát", bà nói và cho biết nhiều doanh nghiệp cũng muốn tái hoạt động, nhưng vẫn đang xem xét, chưa đăng ký.
Thậm chí, bà cho biết có trường hợp người lao động xin đi để tham gia vào lực lượng sản xuất, song các khu nhà trọ yêu cầu cam kết khi đã đi rồi dù bất kể kết quả như thế nào cũng không được quay lại nhà trọ.
Doanh nghiệp muốn "4 xanh" vẫn phải chờ
Ông Trần Thiên Long, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM cho rằng phương án "4 xanh" tương tự phương án "2 tại chỗ - 1 vùng xanh" mà hiệp hội đề xuất cũng như mong muốn của đa số doanh nghiệp.
Theo đó, nơi ở của công nhân có thể là nhà riêng, nhà trọ, khách sạn… nhưng phải nằm trong vùng xanh đã được doanh nghiệp khảo sát để thuận tiện cho xe đưa đón tập trung thông qua một cung đường nhưng nhiều điểm đón. Doanh nghiệp sẽ phối hợp với địa phương để hỗ trợ, củng cố vùng xanh.
"Phương án này sẽ tăng cường được nhân lực xanh ở những vùng an toàn vào nhà máy làm việc được nhiều hơn. Đồng thời giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất tốt hơn", ông đánh giá.
Đối với kiến nghị về các phương án điều chỉnh sản xuất thay thế '3 tại chỗ', tổ công tác của Bộ Công Thương cho biết sẽ đề nghị Sở Công Thương TP.HCM sớm có hướng dẫn cụ thể và tiến tới mở hơn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất.
"Đối với các tỉnh chưa có phương án thay thế, tổ đề nghị Sở Công Thương các tỉnh nghiên cứu và có thể học hỏi từ mô hình mới mà TP.HCM vừa đưa ra để có điều chỉnh phù hợp cho địa phương", đại diện tổ công tác nhấn mạnh.
Ngày 17/8, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch tại các Khu công nghiệp, Khu chế xuất TP.HCM đã có văn bản xây dựng kế hoạch sau kế hoạch của Ban chỉ đạo thành phố.
Theo đó, từ 15-30/8, Ban quản lý sẽ tiếp nhận, tạo điều kiện và hướng dẫn doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch theo 1 trong 4 phương án.
Với phương án "4 xanh", Ban quản lý sẽ triển khai hướng dẫn doanh nghiệp ngay khi nhận được sự hướng dẫn từ các Sở, ngành.
Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch tại các Khu công nghiệp, Khu chế xuất TP.HCM.
"Với phương án "4 xanh", Ban quản lý sẽ triển khai hướng dẫn doanh nghiệp ngay khi nhận được sự hướng dẫn từ các sở, ngành đã được UBND TP giao nhiệm vụ phối hợp hướng dẫn", ông Hưng nhấn mạnh.
Về phương án tiêm vaccine cho lao động, ông Hưng cho biết sẽ phối hợp ngành y tế hoàn thành tiêm mũi 1 cho lao động trước 22/8 và tiến hành tiêm mũi 2 cho 249.212 người trước 15/9.
Ngoài ra, Ban quản lý sẽ phối hợp ngành Y tế thành phố và các quận huyện hỗ trợ, tạo điều kiện để 100% doanh nghiệp có ca F0 khắc phục công tác phòng chống dịch, khôi phục sản xuất sau khi tách tất cả F0, F1 ra khỏi môi trường sản xuất.
TP.HCM đưa ra 4 phương án sản xuất cho doanh nghiệp lựa chọn
Với phương án mới, người lao động của doanh nghiệp sẽ được đi lại bằng phương tiện cá nhân giữa "nơi làm việc xanh" và "nơi ở xanh" theo một "cung đường xanh".
Đề xuất cho công nhân ở TP.HCM làm ‘2 tại chỗ’, ngủ ở ‘vùng xanh’
Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM đề xuất phương án "2 tại chỗ, 1 vùng xanh", tức là công nhân sản xuất, ăn uống tại nhà máy nhưng ngủ ở vùng an toàn.
Giải pháp nào cho '3 tại chỗ' ở phía Nam?
Nhiều doanh nghiệp phía Nam mong muốn được tạo điều kiện cho phép tự quản lý, tự chịu trách nhiệm và tự có phương thức tổ chức sản xuất an toàn, phù hợp với tình hình thực tế.