Nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch chuẩn bị hàng Tết sớm. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Để chuẩn bị phục vụ 2 tháng Tết Giáp Thìn, đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết các doanh nghiệp bình ổn thị trường trên địa bàn sẽ chuẩn bị hơn 22.000 tỷ đồng hàng hóa, trong đó hơn 8.500 tỷ đồng là hàng bình ổn thị trường.
Theo đó, mỗi tháng sẽ có 7.000 tấn lương thực, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, hơn 70 triệu quả trứng gia cầm, 10.000 tấn rau củ quả, 200 tấn thủy hải sản... được cung ứng ra thị trường với mức giá bình ổn.
Theo Sở Công Thương TP.HCM, các doanh nghiệp bình ổn cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết, đồng thời giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đối với các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm...
Riêng mặt hàng gạo, thời gian qua, tình hình thị trường, chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu diễn biến rất phức tạp, nguồn cung bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng khoảng 40% so với đầu năm.
Để tăng nguồn lực bình ổn thị trường gạo, Sở Công Thương TP cho biết đã mời gọi thêm nhiều doanh nghiệp tham gia, đồng hành và đã có thêm một doanh nghiệp kinh doanh gạo quy mô lớn là Tập đoàn Lộc Trời đăng ký tham gia.
Như vậy, với nguồn lực hiện có gồm các tập đoàn kinh doanh gạo quy mô lớn như Vinh Phát, Lương thực Thành phố, Tấn Vương, Lộc Trời... Sở Công Thương TP.HCM nhận định thị trường gạo trên địa bàn từ nay đến Tết Nguyên đán 2024 sẽ duy trì ổn định, đảm bảo cân đối cung cầu.
Bên cạnh việc đẩy mạnh nguồn hàng và bình ổn giá bán, Sở Công Thương TP.HCM cũng đã vận động các hệ thống siêu thị kéo giãn thời gian phục vụ khách hàng dịp Tết này.
Riêng tại Hà Nội, Sở Công Thương TP cũng đang tích cực triển khai chương trình bình ổn thị trường mà UBND TP đã phê duyệt. Từ đó, xây dựng và triển khai kế hoạch phục vụ Tết với tổng trị giá các nhóm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu có nhu cầu cao trong dịp Tết khoảng trên 40.000 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2023.
Về phía các hệ thống phân phối, lãnh đạo Sở này cho biết đã đàm phán với các doanh nghiệp sản xuất về nguồn cung cũng như giá cả cách đây từ 3 tháng, thậm chí 6 tháng để chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ nguồn hàng và dự trữ.
Các thương hiệu bán lẻ lớn như Co.op mart, MM Mega Market, Big C, GO!, Tops Market, Emart, Lotte Mart, Aeon… tăng tích trữ hàng hóa, đồng thời tính toán giữ giá, trợ giá kèm khuyến mãi lên đến 50% với nhiều mặt hàng thiết yếu từ nay đến Tết.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Znews đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.