Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh nghiệp tiếp lửa nghiên cứu KHCN bằng quỹ tài trợ phi lợi nhuận

Đầu tư của các doanh nghiệp cho khoa học, công nghệ, giáo dục thông qua quỹ tài trợ phi lợi nhuận đang là một xu hướng mới đáng hoan nghênh tại Việt Nam.

Các quỹ tài trợ đầu từ Vingroup và một số doanh nghiệp khác gần đây đang mang lại tín hiệu tích cực. Vì đầu tư của doanh nghiệp tư nhân luôn có ưu thế về thủ tục nhanh chóng, hiệu quả, sáng tạo và linh hoạt.

Thủ tục nhanh chóng

Vừa qua, TS Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Nghiên cứu của chương trình “Giảng dạy kinh tế Fulbright” tại TP.HCM nhận được tài trợ hơn 10 tỷ đồng từ Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF). Số tiền này để TS. Vũ Thành Tự Anh và nhóm nghiên cứu hiện thực hóa việc sử dụng dữ liệu lớn, tối ưu hóa, tăng tính kết nối, giảm chi phí cho giao thông ở TP.HCM.

Nói về số tiền 10 tỷ và thời gian xét duyệt 3 tháng, TS. Vũ Thành Tự Anh cho biết: “Tôi rất ngạc nhiên về cách làm việc của ban quản lý quỹ VINIF. Họ giống như những người đồng nghiệp của tôi, tạo mọi điều kiện để các đơn vị nhận được tài trợ nhanh chóng”.

“Thủ tục và nguồn kinh phí tài trợ sẽ giúp các nhà khoa học hiện thực hóa được các ý tưởng nghiên cứu, có cơ sở để đi tiếp các bước đã đi và đạt thành quả sánh ngang tầm thế giới. Tôi tin rằng đây là khát vọng của nhiều nhà khoa học”, TS. Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh.

Dự án của TS. Vũ Thành Tự Anh là một trong số 20 dự án được phê duyệt và nhận tài trợ trong đợt này. Sau một năm, quỹ tuyến bố ra mắt với tổng số tiền lên tới 124 tỷ đồng. Theo GS. Vũ Hà Văn - Giám đốc Khoa học Quỹ VINIF, mục tiêu của quỹ là khuyến khích sự phát triển khoa học và công nghệ cho Việt Nam dựa trên nguyên tắc hoạt động phi lợi nhuận.

Các tài sản mua sắm và hình thành từ dự án như sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ cùng các kết quả dự án khác hoàn toàn thuộc về chủ nhiệm dự án, nhóm nghiên cứu hoặc tổ chức chủ trì.

“Sản phẩm thương mại hóa được hay không tùy theo chủ nhiệm đề tài. Tuy nhiên ngay từ đầu khi trao đổi với các chủ nhiệm đề tài, hội đồng khoa học đều đặt câu hỏi "Sau 2-3 năm đề tài sẽ đạt được kết quả gì?". Thực tế, họ đều đã có hình dung về sản phẩm cuối cùng ứng dụng vào xã hội”, GS. Vũ Hà Văn chia sẻ.

“Khi tài trợ cho các đề tài chúng tôi đều hướng tới sẽ còn giai đoạn tiếp theo chứ không chỉ dừng lại nghiệm thu là hết”, GS. Vũ Hà Văn nói thêm. Theo ông, nếu dự án không thành công như mong đợi thì đây cũng giống như một khoản đầu tư mạo hiểm. Quỹ đặt niềm tin vào tinh thần trách nhiệm, tình yêu khoa học để các nhà nghiên cứu làm ra sản phẩm.

Quy Doi moi sang tao Vingroup anh 1
Bà Trương Lý Hoàng Phi - Tổng giám đốc Vintech City.

Cũng với tinh thần này, Quỹ Tài trợ Nghiên cứu ứng dụng VinTech (VinTech Fund) tạo cơ hội để nhà khoa học mang một sản phẩm từ giai đoạn nghiên cứu đến thương mại hóa thông qua hệ sinh thái các hoạt động hỗ trợ. Khi tham gia quỹ, nhà khoa học nhận được cơ hội thử nghiệm, thực nghiệm với số tiền lên đến 10 tỷ đồng cho mỗi dự án.

Bà Trương Lý Hoàng Phi - Tổng giám đốc Vintech City cho biết: “Chương trình ưu tiên các đề tài nghiên cứu đến từ 54 trường đại học, viện nghiên cứu tại Việt Nam. Đồng thời, quỹ khuyến khích tính hợp tác, chia sẻ nguồn lực của lực lượng nhà khoa học, nhà sáng chế, chuyên gia công nghệ. Thậm chí, quỹ có thể hợp tác cùng các startup công nghệ người Việt trên toàn cầu với các trường đại học tại Việt Nam để cùng tham gia”.

Đầu tư dựa trên tiếng nói thị trường

“Đầu tư của các doanh nghiệp cho khoa học, công nghệ, giáo dục là một xu hướng đáng hoan nghênh và mới ở Việt Nam”, PGS.TS. Nguyễn Ái Việt, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia Hà Nội đánh giá.

PGS.TS. Nguyễn Ái Việt cho biết thêm: “Còn sớm để kết luận việc đầu tư của doanh nghiệp tại Việt Nam cho khoa học là một dịch chuyển xuất phát từ thay đổi nhận thức và số lượng doanh nghiệp. Đầu tư cho khoa học, giáo dục với mục đích phi lợi nhuận chưa phải là lớn so với nhu cầu quốc gia”.

Quy Doi moi sang tao Vingroup anh 2
Lễ ký kết đầu tư dự án của quỹ VINIF.

Tuy nhiên, ông cho rằng đây là một điểm sáng cần được khuyến khích. “Mức độ phát triển đầu tư của tư nhân cho khoa học công nghệ luôn gấp nhiều lần đầu tư từ ngân sách, bởi đầu tư của tư nhân có ưu thế về hiệu quả, sáng tạo và linh hoạt”, PGS.TS. Nguyễn Ái Việt chia sẻ.

Ông Nguyễn Ái Việt cũng minh họa bằng câu chuyện đầu tư của Tập đoàn Corning (Mỹ), vốn sản xuất cốc chén thủy tinh. Xuất phát từ nhu cầu thị trường, doanh nghiệp này đặt hàng nghiên cứu, chấp nhận vốn đầu tư ban đầu lớn để nghiên cứu ra sản phẩm vốn không phải là sở trường. Sau chưa đầy 10 năm, từ công ty chỉ sản xuất cốc chén thủy tinh, Corning trở thành công ty cáp quang hàng đầu thế giới.

Thực tế, nhu cầu của doanh nghiệp thường xuất phát từ nhu cầu thị trường. Vì vậy, sự “khơi mào” đầu tư cho khoa học công nghệ từ doanh nghiệp cần được khuyến khích. “Nhà nước nên nuôi dưỡng nhiệt huyết này bằng các chính sách tôn vinh, khuyến khích phù hợp. Nếu tư nhân đầu tư cho khoa học công nghệ và giáo dục thành một trào lưu thì rất đáng mừng, đó cũng là xu hướng chung của thế giới”, tiến sĩ nhận định.

Sự tiên phong của các quỹ tài trợ khoa học phi lợi nhuận do doanh nghiệp tư nhân lập nên sẽ góp phần lan tỏa thay đổi tư duy về đầu tư cho khoa học công nghệ. PGS.TS Nguyễn Ái Việt mong đợi quỹ có chiến lược đầu tư có trọng tâm, tạo nên cú hích thực sự.

Thái Trà

Bạn có thể quan tâm