Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh nghiệp thủy sản bị hủy 30% đơn hàng xuất khẩu

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa gửi công văn đến Bộ NN&PTNT báo cáo về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến ngành thủy sản và đưa ra kiến nghị.

Báo cáo nêu rõ đối với các đơn hàng đã ký, tỷ lệ được giao bình thường theo hợp đồng chỉ chiếm 30-50%. Trong khi đó, tỷ lệ đơn hàng bị khách yêu cầu tạm hoãn khoảng 20-40%, bị khách yêu cầu dừng hoặc hủy là 20-30%.

VASEP thống kê các thị trường có tỷ lệ hoãn giao hàng hoặc hủy đơn hàng tập trung chủ yếu ở châu Âu, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 2, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt trên 991 triệu USD, giảm gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh 44%, EU giảm 20%, các thị trường ASEAN và Hàn Quốc cũng lần lượt giảm 4% và 9%.

Trong khi đó, việc ký kết hợp đồng mới cũng không dễ dàng, đặc biệt tại nhóm thị trường chính như Mỹ, Nhật và EU. Rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ gần như không có đơn hàng mới trong quý II và III/2020, một số đơn vị khác có nhưng không nhiều.

Doanh nghiep thuy san bi huy den 30% don hang xuat khau anh 1

Tỷ lệ giao hàng thủy sản thành công theo hợp đồng đã ký chỉ chiếm 30-50%, trong khi việc ký kết hợp đồng mới cũng gặp khó. Ảnh: VASEP.

Nguyên nhân chính là do chính phủ các nước đóng cửa biên giới vì dịch Covid-19. Đồng thời, các đối tác nhà hàng, cửa hàng dịch vụ thực phẩm ngừng hoạt động hoặc không bán được hàng nên không tiếp tục nhập.

Bản thân doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong vận chuyển và thực hiện các khâu liên quan xuất nhập khẩu hàng hóa.

Bên cạnh đó, nhiều khách hàng cũng yêu cầu lùi thời gian thanh toán đến vài tháng, khiến doanh nghiệp khó xoay vòng vốn và thanh toán khoản vay với ngân hàng.

Do đó, bên cạnh các kiến nghị liên quan thuế TNDN, phí công đoàn, BHXH, VASEP kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách khuyến khích xuất khẩu cho bối cảnh 2020-2021, giảm thiểu các thủ tục tài chính, đồng thời giảm tần suất và số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra nhằm giảm áp lực thời gian và nhân lực cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, để đảm bảo nguồn nguyên liệu đáp ứng hoạt động sản xuất, xuất khẩu sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, VASEP kiến nghị Chính phủ và Bộ NN&PTNT có kế hoạch quy hoạch vùng nuôi nguyên liệu tôm, cá tra, hỗ trợ người nuôi tiếp tục thả giống mới trong giai đoạn này và sửa đổi, cải cách các quy định kiểm soát nhập khẩu thủy sản cho mục đích sản xuất, xuất khẩu và gia công xuất khẩu.

Đặc biệt, với tính chất ngành thủy sản, Hiệp hội cũng mong muốn Chính phủ và Bộ Công Thương xem xét giảm giá điện cho các nhà máy sản xuất, kho lạnh trữ hàng và cho phép gia hạn thời gian thanh toán tiền điện; Bộ Giao thông Vận tải tạm ngưng thu phí BOT đến hết năm 2020 để giảm chi phí vận chuyển.

Thịt lợn Nga ồ ạt về Việt Nam

Gần 1.500 tấn thịt lợn Nga cập cảng Cát Lái, Hải Phòng và Phước Long. Bên cạnh đó, có thêm khoảng 2.000 tấn thịt lợn Nga nữa chuẩn bị nhập khẩu vào Việt Nam.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm