Ngày 30/9, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chính thức ký chỉ thị tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Chỉ thị mới của TP.HCM cho phép doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu Công nghệ cao, Công viên Phần mềm Quang Trung và trên địa bàn quận, huyện, TP Thủ Đức được hoạt động trở lại.
Thở phào nhẹ nhõm khi TP.HCM ban hành chỉ thị mới cho phép doanh nghiệp sản xuất hoạt động bình thường trở lại, bà Đặng Thị Phương Ninh - Giám đốc Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải (Cofidec) - cho biết công ty đã hoàn thành các phương án sản xuất an toàn để gửi cơ quan chức năng.
Theo đó, giám đốc Cofidec cho biết từ ngày 1 đến 15/10, đơn vị quyết định vẫn tiếp tục thực hiện phương án “3 tại chỗ” cho khoảng 800 người lao động, sau ngày 15/10 sẽ chuyển sang thực hiện phương án bình thường mới.
Từ 1/10, nhiều doanh nghiệp sản xuất tại TP.HCM đã lên kế hoạch mở cửa hoạt động trở lại trong điều kiện đảm bảo an toàn. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trước mắt vẫn duy trì "3 tại chỗ"
Thực tế hiện nay, mặc dù thành phố cho mở cửa từ 1/10, nhiều doanh nghiệp vẫn lựa chọn phương án "3 tại chỗ" và nới lỏng một số yêu cầu.
Nói về lý do duy trì thực hiện "3 tại chỗ", bà Ninh cho biết doanh nghiệp có thể cho phép người lao động về nhà. Nhưng với mật độ nhà trọ đang bị nhiễm Covid-19 như hiện nay, nguy cơ lao động nhiễm bệnh sẽ nhiều hơn khi doanh nghiệp triển khai "3 tại chỗ".
Giám đốc công ty chia sẻ tiếp tục thực hiện "3 tại chỗ" nhưng doanh nghiệp sẽ nới lỏng, cởi mở hơn đối một số phương thức. Chẳng hạn về việc xét nghiệm, công ty sẽ không xét nghiệm theo tần suất 7 ngày/lần như trước mà chỉ xét nghiệm khi người lao động có dấu hiệu mắc Covid-19 như ho, sốt, khó thở và giao trách nhiệm cho người lao động trong việc tự bảo vệ sức khỏe của mình.
Lãnh đạo Cofidec cho rằng không phải xét nghiệm cho lao động đã tiêm 2 mũi vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 là tin vui lớn nhất cho doanh nghiệp. "Trước mắt, công ty sẽ nghe ngóng tình hình các nhà máy khác sản xuất ra sao trong 1-2 tuần tới. Dự kiến 15/10, công ty mới chuyển sang thực hiện phương thức bình thường mới", bà nói.
Bà Ninh cho biết thêm hiện nay doanh nghiệp đã gửi phương án sản xuất an toàn theo các bộ tiêu chí lên UBND huyện. "Doanh nghiệp đang từng bước tập cho công nhân quen với cách thức làm việc bình thường mới. Nếu có F0, công ty vẫn thông báo cho y tế huyện chứ không khoanh vùng, cách ly F1 như trước", bà nói.
Để đảm bảo an toàn, nhiều doanh nghiệp vẫn lựa chọn phương án "3 tại chỗ" và nới lỏng một số yêu cầu. Ảnh: Hoàng Hà. |
Để chuẩn bị cho thời gian mở cửa sắp tới, công ty sẽ tiêm 2 mũi 100% người lao động. "Hiện tại, hơn 90% người lao động đã tiêm đủ liều vaccine", bà Ninh khẳng định.
Theo phương án sản xuất an toàn, Cofidec cũng tiếp tục kiểm soát mật độ người lao động ở các phân xưởng (tính bằng số diện tích làm việc cho một người lao động) từ 4 m2 trở lên và khoảng cách giữa 2 người lao động từ 2 m trở lên hoặc người lao động có sử dụng kính che giọt bắn.
Đồng thời, công ty sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định phòng, chống dịch Covid-19 tại các xưởng sản xuất và phòng làm việc như bố trí nhân lực, thiết bị thực hiện đo thân nhiệt; giám sát việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, khai báo y tế điện tử tại cổng ra vào và tại mỗi khu vực sản xuất...
Nếu doanh nghiệp cho phép người lao động về nhà nhưng với mật độ nhà trọ đang bị nhiễm Covid-19 như hiện nay, nguy cơ bùng phát dịch sẽ nhiều hơn khi doanh nghiệp triển khai "3 tại chỗ".
Bà Đặng Thị Phương Ninh, Giám đốc Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải (Cofidec).
Không chỉ Cofidec mà một số doanh nghiệp khác cũng cho biết vẫn tạm thời tiếp tục phương án "3 tại chỗ" để nghe ngóng tình hình.
Chia sẻ với Zing, ông Lưu Kim Hồng - Chủ tịch Công đoàn Nidec Việt Nam - cho biết hiện tại công ty sẽ tiếp tục hoạt động "3 tại chỗ" và "2 điểm đến một cung đường" cho khoảng 3.000 người lao động.
"Hiện tại doanh nghiệp không thể cho công nhân từ nhà trọ đi làm đến công ty như khi không có dịch. Nếu cho công nhân tự do đi về với số lượng lao động đông sẽ có nguy cơ cao bùng phát dịch. Mọi kế hoạch mở cửa phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch là trên hết", ông chia sẻ.
Về vấn đề xét nghiệm, thay vì test 2 lần/tuần như trước, Nidec Việt Nam sẽ giảm còn một lần/tuần. "Công ty sẽ xem xét tình hình, rút kinh nghiệm của các doanh nghiệp khác mới tính các phương án sản xuất an toàn mới. Bởi doanh nghiệp có số lao động đông nếu bùng dịch sẽ rất khó kiểm soát được", ông nói.
Ông Hồng cho biết mỗi ngày Nidec Việt Nam vẫn chi hàng chục triệu đồng tiền thuê khách sạn cho công nhân viên.
Tương tự, Công tin Intel Products Việt Nam cũng lựa chọn phương án tiếp tục duy trì theo phương án sản xuất “2 địa điểm - một cung đường”, cho người lao động ở tại khách sạn thêm một thời gian. Công ty này cũng sẽ thực hiện nới lỏng theo giai đoạn, chuyển đổi từng bước tùy theo tình hình phòng, chống dịch.
Tất bật mở cửa
Trong khi một số doanh nghiệp vẫn đang cẩn trọng duy trì "3 tại chỗ", nhiều doanh nghiệp khác cho biết đang tất bật chuẩn bị mở cửa theo từng giai đoạn vào tuần tới. Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3 với 2.500 nhân viên - cũng cho biết người lao động đang thực hiện "3 tại chỗ" đã quay về nhà.
Hiện trên 60% người lao động đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, 30% công nhân đã tiêm một mũi. Dự kiến thứ hai, hoạt động của công ty sẽ trở lại bình thường trong giai đoạn mới sau khi thực hiện các công tác chuẩn bị như vệ sinh, khử khuẩn, nguyên phụ liệu, máy móc...
"Công ty sẽ từng bước tăng số lượng nhân viên chứ không mở cửa ồ ạt, tuần đầu tiên sẽ hoạt động với hơn 50% lao động và sang tuần thứ hai sẽ nhanh chóng tăng dần trở lại", ông nói.
Theo ông Hồng, hiện nay phần lớn các doanh nghiệp dệt may đang chuẩn bị lao động, đơn hàng, phương tiện, máy móc, các điều kiện an toàn... để thứ hai 4/10 sẽ bắt đầu triển khai phương án sản xuất an toàn.
Doanh nghiệp tại TP.HCM sẽ gặp khó khăn lớn về lao động trong thời gian tới. Ảnh: Việt Linh. |
Về nguồn lao động, lãnh đạo May Sài Gòn 3 cho rằng phần lớn người lao động làm việc trong ngành dệt may, thêu đan có sự gắn bó lâu năm, người lao động có sự chia sẻ với doanh nghiệp rất cao nên việc họ có về quê cũng có thể sớm quay trở lại ở đạt ở mức 70-80%.
Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM - cho biết chỉ thị mới của UBND Thành phố là tin vui để tất cả doanh nghiệp chủ động lên phương án sản xuất an toàn.
"Đây là một tình hình mới, phương pháp quản lý, tổ chức sản xuất cũng phải có nhiều thay đổi. Do đó, các công ty phải từng bước lên kế hoạch sản xuất an toàn. Lúc này doanh nghiệp phải tự cứu lấy bản thân", ông Dũng nhìn nhận.
Đây là một tình hình mới, phương pháp quản lý, tổ chức sản xuất của doanh nghiệp cũng cần có nhiều thay đổi, từng bước lên kế hoạch sản xuất an toàn. Lúc này là lúc doanh nghiệp phải tự cứu lấy mình.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM.
Theo ông, những doanh nghiệp đã dừng sản xuất từ trước phải mất một khoảng thời gian để khởi động lại. Chưa kể những doanh nghiệp lớn phải lo nguồn lao động khi nhiều người đã rời TP.HCM về quê.
"Trong quá trình phục hồi sản xuất khi trở lại 'bình thường mới', doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn lớn về lao động vì việc lưu thông giữa TP.HCM với các tỉnh thành lân cận vẫn còn nhiều trở ngại", ông nói.
"Hiện nay, một số địa phương cũng phát triển khu công nghiệp, nhà máy, công nghệ... Do đó người lao động sẽ có tâm lý muốn ở lại địa phương. Vì thế mở rộng tốc độ doanh nghiệp tại TP.HCM phục hồi sẽ không thể nhanh được", ông Dũng phân tích.
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng doanh nghiệp phải tự tái cấu trúc lại để thích ứng hoàn cảnh. "Cụ thể, các công ty phải có từng kịch bản, phương pháp quản trị rủi ro, dự trữ hàng hóa, tồn kho... để không bị động và sẵn sàng ứng phó trong mọi trường hợp", ông chia sẻ.