Doanh nghiệp 'quên' giảm giá xăng dầu?
Giá xăng dầu thành phẩm tại thị trường Singapore giảm liên tục nhưng trong nước các doanh nghiệp vẫn "án binh bất động".
Hiện giá xăng RON 92 tại đây chỉ còn 119,85 USD/thùng; dầu diesel còn 128,63 USD/thùng; dầu hỏa 128,12 USD/thùng và dầu mazut còn 645,81 USD/tấn. So với thời điểm tăng giá xăng dầu gần đây nhất (28/8), giá xăng RON 92 tại Singapore ở mức 124,3 USD/thùng, đã giảm 4,4%; riêng giá dầu diesel giảm gần 5%; dầu hỏa giảm 4,4% và dầu mazut giảm 6,7%.
Theo giá trên, một lít xăng RON 92 tính giá cơ sở đến ngày 5/10 chỉ khoảng 22.642 đồng, so với giá bán lẻ 23.650 đồng thì các doanh nghiệp (DN) lãi khoảng 1.000 đồng/lít.
Trước đây khi giá thế giới biến động tăng, theo quy định 10 ngày, DN đầu mối ngay lập tức gửi đăng ký đòi tăng giá lên liên bộ Công Thương - Tài chính và có những động thái tạo sức ép lên cơ quan quản lý: Giá thế giới tăng cao, DN lỗ nặng, cắt giảm chi phí hoa hồng… Thế nhưng lần này khi giá thế giới xuống thấp, DN vẫn im hơi lặng tiếng, trong khi đó cơ quan quản lý thì chưa có tín hiệu nào về điều hành giá.
Trong các cuộc họp báo thường kỳ, khi được hỏi về phương án điều hành giá xăng dầu, đại diện Bộ Công Thương luôn phân trần rằng nhất quán điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Thông điệp cơ chế điều hành theo thị trường còn được Bộ Tài chính phát đi trong các lần điều chỉnh giá xăng dầu.
Trong các đợt tăng giá và giảm thuế nhập khẩu xăng 2% gần đây, mỗi lần DN “kêu lỗ đòi tăng giá”, Bộ Tài chính ngay lập tức ra văn bản chỉ đạo “DN kinh doanh xăng dầu đầu mối chủ động rà soát lại phương án giá, cách tính giá đã đăng ký và điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước do DN tự quyết định vào thời điểm thích hợp”.
Tuy nhiên, hơn 10 ngày nay, khi giá thế giới giảm mạnh, cần thiết có sự điều chỉnh giảm giá xăng trong nước thì DN và cơ quan quản lý đang "quên".
Theo Pháp luật TP HCM